Đọc báo in
Tải ứng dụng
An toàn giao thông: Nhìn từ góc độ tuyên truyền
2012-09-21 05:40:00

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự ATGT là một trong những giải pháp cơ bản được ngành chức năng cũng như các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tập trung triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề an toàn giao thông.

(BTN)- Trong những năm qua, công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) là một trong những giải pháp cơ bản được ngành chức năng cũng như các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội tập trung triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề an toàn giao thông. Hoạt động tuyên truyền này ngày càng được đẩy mạnh cả về hình thức lẫn nội dung, và đã đem lại hiệu quả nhất định trong công tác bảo đảm ATGT.

Nâng cao ý thức

Trong quá trình làm báo, trước đây đã nhiều lần tôi được tham dự các đợt ra quân, hội thi, buổi tuyên truyền về phòng chống tai nạn giao thông, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông của ngành chức năng cũng như của các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội… Không chỉ riêng tôi mà nhiều người khác đều cảm nhận rằng hoạt động này đường như chỉ mang tính “phong trào”, lý thuyết suông nên ít có ảnh hưởng tác động đến người dân.

Học sinh tham gia tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ

Thế nhưng, khoảng ba năm gần đây, công tác tuyên truyền đã được các ngành, các hội đoàn chú trọng thay đổi nội dung lẫn hình thức tuyên truyền. Có những lần tôi có dịp tham dự buổi tuyên truyền về ATGT của Công an Thị xã dành cho người dân ở khu phố hoặc cho các em học sinh trong trường học, tôi thấy các anh CSGT sử dụng máy chiếu những hình ảnh thực tế từ các vụ va quẹt, tai nạn giao thông điển hình xảy ra, rồi phân tích lỗi vi phạm, hình thức, mức độ xử phạt… Chính những hình ảnh “thực” này được phóng to, chiếu rõ, người xem được “mắt thấy, tai nghe” rõ ràng nên rất dễ “thấm” vào. Hoặc như ngành Giáo dục hiện nay cũng đã đưa nội dung tuyên truyền ATGT vào chương trình giảng dạy của các cấp học. Các hội thi tìm hiểu, thi vẽ tranh… về chủ đề ATGT cũng thường xuyên được các đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… tổ chức. Hình thức của những hội thi này cũng được đa dạng hoá như thi tìm hiểu, thi vấn đáp, biểu diễn tiểu phẩm… Ở các cổng trường học, trên các trục đường giao thông hiện nay cũng thường xuyên treo các băng rôn, khẩu hiệu, pa nô tuyên truyền về an toàn giao thông. Có thể nói, hoạt động tuyên truyền về ATGT hiện nay đã “thấm từng ngõ, gõ từng nhà”. Hầu hết người dân từ già đến bé, ở thành thị hay thôn quê đều có những hiểu biết nhất định về vấn đề an toàn giao thông. Ý thức về ATGT của người dân đã được nâng lên rất nhiều nhờ công tác tuyên truyền của các ngành, các cấp, các đoàn thể chính trị xã hội. Những đứa trẻ tuổi mẫu giáo bây giờ cũng đã biết khi đến đèn đỏ thì phải dừng xe lại. Cho đến các em học sinh cấp 2, 3 đã biết sử dụng xe phân khối trên 50cc là vi phạm luật, hay chạy xe đạp điện mà không đội mũ bảo hiểm cũng là vi phạm. Hoặc cho đến ở chợ, những người bán hàng cũng biết mình đã vi phạm giao thông khi lấn chiếm lòng lề đường. Những người đàn ông đều biết là không thể điều khiển xe mô tô khi đã có uống rượu bia…

Vì thế, một trong những giải pháp để hạn chế tai nạn giao thông quan trọng hiện nay là phải làm thế nào để cho người dân biến ý thức về ATGT đã có trở thành hành động cụ thể.

Từ ý thức đến hành động

Như trên đã phân tích, có thể khẳng định rằng, hiện nay đa số người dân đều đã có kiến thức nhất định về Luật Giao thông. Thế nhưng, tai nạn giao thông vẫn xảy ra như cơm bữa. Ngày nào cũng có những vụ va quẹt xe, tông xe, lật xe hoặc cán phải người đi đường… Đây là thực trạng chung trong cả nước, không chỉ riêng ở Tây Ninh. Theo thiển nghĩ của tôi, nguyên nhân chủ yếu làm tai nạn giao thông không giảm ở đây là do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện giao thông. Tai nạn giao thông xảy ra là do ý thức coi thường pháp luật, xem nhẹ tính mạng người khác của người điều khiển phương tiện giao thông. Trong khi việc trừng phạt của pháp luật đối với người gây ra tai nạn vẫn chưa thoả đáng, nghiêm khắc.

Khi một vụ tai nạn hay va quẹt giao thông xảy ra, trong hàng chục lý do mà người gây ra tai nạn lẫn nạn nhân đưa ra, có một lý do thường ít khi được đề cập đến nhưng là nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến của vụ tai nạn giao thông, đó là ý thức. Người gây ra tai nạn thường đổ lỗi cho các lý do khách quan như: đường trơn, ổ gà, phương tiện bị trục trặc kỹ thuật hay do lỗi của nạn nhân. Tất nhiên, nạn nhân cũng đổ lỗi lại cho người gây tai nạn. Hầu như trong các vụ tai nạn, rất ít ai chịu nhận lỗi là do mình thiếu ý thức, quá chủ quan khi tham gia giao thông.

Chúng ta đều biết, chủ thể vi phạm giao thông là con người. Pháp luật đã nghiêm cấm người tham gia giao thông không được phóng nhanh vượt ẩu, giành đường, chạy quá tốc độ quy định, đua xe lạng lách, đánh võng, lái xe không đúng phần đường quy định, xe chở quá tải trọng, chở hàng cồng kềnh, lái xe khi say xỉn rượu bia, cấm vượt đèn đỏ, cấm lấn chiếm lề đường, tụ tập buôn bán trên đường, lái xe khi không có giấy phép lái xe, khi chưa đủ tuổi… Tuy nhiên, không riêng gì tôi mà rất nhiều người trong chúng ta đã phải chứng kiến không dưới một lần cảnh người điều khiển phương tiện băng qua đường đột ngột, có khi vừa ra dấu tay vừa… “cúp ngang”, hoặc có khi chẳng thèm ra dấu. Hay cảnh tới đèn đỏ vẫn vô tư phóng nhanh qua giao lộ. Rồi những cảnh vừa chạy xe, vừa nghe điện thoại, điều khiển xe trong tình trạng say rượu, bia… Lối sinh hoạt chỉ biết “đường ta ta cứ đi” như thế rất dễ gây ra tai nạn.

Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng từng cho rằng: “Nỗi đau của chúng ta là không tránh được những mất mát- thậm chí sinh mạng. Tai nạn giao thông chính là một nỗi đau. Tất nhiên rủi ro vốn khó loại trừ tuyệt đối khi con người cần xê dịch, ngay cả bằng cách đi bộ. Nhưng, giảm đến mức thấp nhất tai nạn lại hoàn toàn nằm trong tầm tay chúng ta…”. Quả thật, tai nạn giao thông có thể phòng tránh được nếu như có những hành động cụ thể từ mỗi người dân cũng như các giải pháp thật cứng rắn từ phía Nhà nước.

Nhưng để biến từ ý thức sang hành động cụ thể xem ra vẫn còn một khoảng cách khá xa. Vì thế, để phòng tránh tai nạn giao thông, theo tôi, không phải là điều quá khó, nếu mỗi người chúng ta luôn có ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng sinh mạng của bản thân và của người khác. Cần phải nghiêm chỉnh chấp hành đúng các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Mỗi người dân chúng ta hãy biến ý thức sang hành động cụ thể để chủ động phòng tránh tai nạn giao thông. Hãy xem ATGT là hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình.

Ngân Giang

Từ khóa:
Tin liên quan