Đọc báo in
Tải ứng dụng
Bài tham dự cuộc thi Năm ATGT và hành động của chúng ta:
2012-05-15 02:39:00

Xe chở đất đá làm rơi vãi trên đường- không phải “chuyện nhỏ”

Buổi sáng một ngày cuối tháng 4.2012, trên đường Phạm Văn Đồng (huyện Hoà Thành) rất đông người tham gia giao thông tỏ ra rất bức xúc khi chứng kiến hàng loạt cục đất phún đỏ đủ kích cỡ rơi vãi thành từng đống to, nhỏ trên mặt đường, kéo dài từ sân vận động Hoà Thành đến ngã tư Ao Hồ. Hỏi thăm một thanh niên đã đang hì hục dọn dẹp những vệt đất đỏ, tôi được biết, có một đoàn xe ben chở đất san lấp mặt bằng chạy qua đoạn đường này. Không biết họ che chắn ra sao mà đất từ trên các chuyến xe cứ rơi xuống đường. Đã vậy, dù có người dân bên đường báo hiệu nhưng các bác tài cứ vô tư coi như không biết gì. Thấy đang vào thời điểm đầu mùa mưa, anh sợ nếu có mưa thì những vệt đất đỏ kia sẽ hết sức trơn trợt, tạo thành những cái bẫy cho người tham gia giao thông bằng xe gắn máy. “Thôi thì sẵn lúc nông nhàn tôi đánh xe bò đi gom đất đỏ, vừa giúp người tham gia giao thông an toàn, mà tôi cũng có được cả xe bò đất để đổ cái sân nhà”. Anh thanh niên vừa hì hục xúc đất, vừa trả lời câu hỏi của tôi.

Cách đây không lâu, một người bạn của tôi hiện đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh chạy xe gắn máy về thăm nhà. Xui xẻo khi một chiếc xe tải chở đá xây dựng chạy qua, anh bạn tôi đã phải hứng trọn một cục đá vào chiếc xe tay ga đắt tiền. Kết quả là chiếc xe bị bể bửng, rất may là anh bạn tôi không hề hấn gì. Khi về đến nhà anh vẫn chưa hoàn hồn sau vụ đá trên xe rơi xuống.

Đó chỉ là những “chuyện nhỏ” mà bản thân tôi được tai nghe, mắt thấy và hết sức bức xúc. Còn chuyện xe tải chở cát đá gây ô nhiễm môi trường, thậm chí gây ra tai nạn giao thông thì không phải không có. Những người thường xuyên theo dõi báo chí vẫn chưa quên một tai nạn thương tâm “từ trên trời rơi xuống” xảy ra ngày 19.2.2011. Khi ông Lê Văn Dũng đang đi trên quốc lộ 1A đoạn chạy qua xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận thì một chiếc xe tải chạy ngang cán phải viên đá sắc nhọn khiến viên đá này văng trúng cổ ông Dũng, làm ông ngã xe, chết ngay tại chỗ. Vụ tai nạn đã gây ra cuộc tranh cãi giằng co giữa các luật sư theo những quan điểm khác nhau. Trong khi cơ quan chức năng loay hoay tìm người chịu tránh nhiệm vụ tai nạn trên, còn hậu quả đau thương thì gia đình ông Dũng phải gánh chịu, không có gì bù đắp nổi. Chẳng biết ai trong số hàng trăm xe tải chở đá chạy trên đoạn đường ông Dũng bị tai nạn sẽ phải chịu trách nhiệm?!

Ở đâu cũng vậy, những hộ dân sống gần những khu vực có hầm đất đang khai thác, hoặc gần mỏ đá thì việc hứng chịu ô nhiễm môi trường từ bụi, cát, đá của những xe tải trên là “chuyện thường  ngày ở huyện”. Thường thì ở những nơi có đường đi vào hầm khai thác đất, chủ hầm cho xe đi tưới nước trên con đường ra vào hầm nhằm xoa dịu sự phản ứng của các hộ dân xung quanh về tình trạng bụi bặm mỗi khi xe tải vào lấy đất. Thế nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế khi người dân bức xúc, chứ không căn cơ, lâu bền gì cả. Những hộ dân sống ở khu vực các hầm khai thác đất cho biết, lượng bụi do các xe chở đất tung ra thì có tưới nước như thế nào cũng không hết được. Và những người hít phải bụi đất thì làm sao tránh khỏi bệnh tật?! Như vậy rõ là các hậu quả do các xe tải chở cát đá gây ô nhiễm môi trường trên đường không thể đong đếm được. Ngoài nguy cơ gây tai nạn, còn có vấn đề tác động đến sức khoẻ của người dân khi gánh chịu hậu quả do các phương tiện vận tải tham gia giao thông gây ô nhiễm môi trường. Không phải vô cớ mà lực lượng công nhân làm đường được Nhà nước quan tâm cho hưởng trợ cấp độc hại. Còn người dân khi tham gia giao thông thì phải tự mình gánh chịu sự ô nhiễm mỗi khi lưu thông trên đường sao? Người dân cần Nhà nước có biện pháp nghiêm khắc nhằm xử lý triệt để vấn đề trên một cách quyết liệt hơn nữa để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.

Mặc dù Nghị định 34/ 2010/NĐ-CP của Chính phủ tại Khoản 3, Điều 23 có quy định xử phạt đối với các xe chở vật liệu không che đậy, hoặc che đậy nhưng để rơi vãi xuống đường là từ 1 triệu đồng, đến 3 triệu đồng. Nhưng có lẽ mức phạt trên còn chưa tương xứng với hậu quả mà các bác tài chở cát, đá, cũng như các phương tiện vận tải khác gây ra cho môi trường và sức khoẻ người dân. Vì vậy, thiết nghĩ các ngành chức năng nên kiến nghị Chính phủ, ngoài việc sửa đổi Điều 23 của Nghị định 34/2010/NĐ-CP theo hướng tăng số tiền phạt lên, đồng thời đưa vào hình thức phạt bổ sung đối với hành vi trên như tạm giữ phương tiện, tước giấy phép lái xe của người điều khiển phương tiện vi phạm một thời gian. Có như vậy thì các chủ phương tiện, người điều khiển sẽ phải chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật mỗi khi chở đất, đá. Trước mắt, hy vọng các ngành chức năng tỉnh nhà kiên quyết xử lý đối với xe tải chở đất, cát, đá mà không có biện pháp an toàn, để đất, đá rơi vãi xuống đường.

CẨM TÚ

Từ khóa:
Tin liên quan