Đọc báo in
Tải ứng dụng
Các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vaccine
2024-10-07 08:07:06

Hàng loạt câu hỏi về sức khoẻ liên quan đến các bệnh truyền nhiễm, thuốc phòng trị bệnh, dịch vụ tiêm ngừa... được người dân gửi tới các chuyên gia tại toạ đàm trực tuyến “Các bệnh truyền nhiễm có thể phòng được bằng vaccine” do Trung tâm tiêm chủng vaccine Tanimed Tây Ninh tổ chức vào sáng 5.10.

Ông Lâm Hữu Ái- Giám đốc Tanimed Tây Ninh tặng hoa cảm ơn các chuyên gia tại buổi toạ đàm trực tuyến.

Khách mời tham gia toạ đàm là BS. Trương Hữu Khanh- Phó Chủ tịch liên Chi hội Truyền nhiễm TP. Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1; BS.CKII Phạm Đoàn Tấn Tài- Phó trưởng Khoa Tai Mũi Họng, Trưởng đơn vị Thính học Bệnh viện Nhi Đồng 1 và BS.CKI Nguyễn Thị Phương Trang- Chủ tịch Hội đồng chuyên môn tiêm chủng Tanimed, Trưởng khoa khám sàng lọc Tanimed Tây Ninh.

Bệnh truyền nhiễm là bệnh do các tác nhân như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng gây ra. Bệnh dễ lây lan, truyền từ người này sang người khác, từ động vật sang người hoặc qua trung gian một số côn trùng. Với một số bệnh truyền nhiễm, đòi hỏi người bệnh phải được cách ly, điều trị để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và cộng đồng. Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là các điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Nhiều câu hỏi được gửi tới chương trình, đặc biệt là những kiến thức liên quan đến các bệnh truyền nhiễm như: cúm mùa, sởi, quai bị, rubella, thuỷ đậu, não mô cầu, viêm não nhật bản, viêm phổi do phế cầu, vaccine sốt xuất huyết, vaccine ngừa ung thư cổ tử cung... đến hội chứng thalassemia, nhiễm khuẩn tai mũi họng ở trẻ, dấu hiệu nhận biết trẻ bị dị ứng thực phẩm cách phòng ngừa; thời gian tiêm nhắc vaccine...

BS. Trương Hữu Khanh- người tham gia xây dựng phác đồ điều trị nhiều loại bệnh ở trẻ và cũng là chuyên gia tư vấn việc phòng bệnh cho Bộ Y tế chia sẻ, trong tiêm chủng, chỉ có vài tác dụng phụ có thể xảy ra mà cả thế giới ghi nhận là đau, sốt nhưng chỉ xảy ra vài ngày rồi chấm dứt, phụ huynh không nên hoang mang. BS. Khanh khuyến cáo, phụ huynh nên cho con tiêm phòng vaccine cần thiết để tăng kháng thể bảo vệ phòng bệnh cho trẻ, đặc biệt đối với các bệnh truyền nhiễm. Trong đó, các loại vaccine bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, bệnh do Hib gây ra là loại vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiền thẩm định về chất lượng. 

Tiêm ngừa vaccine cho trẻ trên 5 tuổi tại Tanimed Tây Ninh.

Trước tình hình khan hiếm vaccine, nếu trẻ không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tiêm chủng muộn thì nguy cơ bệnh truyền nhiễm ngày càng cao. Đã có nhiều trường hợp trẻ không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vaccine là yếu tố nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vaccine.

Có thể nói, chủng ngừa là một trong những biện pháp can thiệp y tế thành công và hiệu quả nhất từ trước đến nay. Với các vaccine bạch hầu, uốn ván, bại liệt, sởi, lao giúp phòng bệnh cho trẻ em. Ngoài ra, trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn cũng có thể được bảo vệ chống lại các bệnh cúm, phế cầu khuẩn, viêm màng não... bằng vaccine.

Theo ông Lâm Hữu Ái- Giám đốc Tanimed Tây Ninh, dự kiến cuối năm 2024, trung tâm triển khai tiêm vaccine ngừa sốt xuất huyết, vaccine phòng zona thần kinh cho người từ 50 tuổi trở lên sức khoẻ bình thường và người từ 18 tuổi có nguy cơ cao mắc bệnh theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất và Bộ Y tế.

Các khách mời chuyên gia tại buổi toạ đàm trực tuyến.

Kể từ khi vaccine ra đời, nhân loại đã thật sự có được một phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để chủ động phòng ngừa các loại bệnh truyền nhiễm như cúm, virus, phế cầu khuẩn…, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong.

Tại Việt Nam, chương trình Tiêm chủng mở rộng bắt đầu được triển khai từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng, với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF). Đây là một trong những chương trình mục tiêu sức khoẻ quan trọng hàng đầu ở Việt Nam, hướng tới giảm tỷ lệ chết ở trẻ em dưới 5 tuổi.

Tâm Giang

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh