Đọc báo in
Tải ứng dụng
Cách làm hay ở xã Tân Hiệp
2020-03-06 09:05:35

Mặc dù chưa phải là xã nông thôn mới, nhưng hơn một năm nay ở xã Tân Hiệp (huyện Tân Châu) việc vận động người dân tham gia bảo hiểm y tế và xử lý rác thải gia đình khá hiệu quả.

“Trả góp” tiền mua bảo hiểm y tế

Nói về việc giúp đỡ người dân trong xã tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), ông Nguyễn Xuân Trường- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết khái quát tình hình: Trước năm 2018, trên địa bàn xã chỉ có từ 60 – 70% dân số tham gia BHYT. Nhận thấy tỷ lệ dân số tham gia BHYT như thế là còn thấp so với quy định chung về xây dựng nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã bàn bạc, tìm giải pháp khắc phục.

Xã chỉ đạo tất cả các ấp, hội, ngành, đoàn thể tổng rà soát lại toàn bộ những trường hợp chưa tham gia BHYT. Sau khi có kết quả, xã kết hợp với cơ quan BHYT huyện cử cán bộ thường xuyên đến các ấp tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia BHYT. Từ đó, nhận thức của người dân về BHYT được nâng lên và bà con bắt đầu tự nguyện tham gia loại hình xã hội này.

Tuy nhiên, còn một bộ phận người trong xã đã nhận thức được lợi ích của việc tham gia BHYT, nhưng họ không có đủ khả năng mua BHYT. Đó là những hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Đối với những trường hợp này, Chủ tịch UBND xã có sáng kiến vận động mạnh thường quân hỗ trợ nguồn quỹ không lãi suất. UBND xã giao cho Hội Phụ nữ xã quản lý, dùng nguồn quỹ này mua BHYT cho những gia đình khó khăn.

Những gia đình khó khăn, khi mua BHYT, khả năng có bao nhiêu tiền thì trả trước bấy nhiêu, số tiền còn lại được Hội Phụ nữ lấy từ nguồn quỹ hỗ trợ cho đủ số tiền mua BHYT. Sau đó, người được hỗ trợ mua BHYT, tuỳ theo điều kiện “trả góp” dần, mỗi tháng vài chục đến vài trăm ngàn đồng cho Hội Phụ nữ xã cho đến khi hoàn trả đủ số tiền được hỗ trợ.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp- Nguyễn Xuân Trường (trái) và bà Nguyễn Thị Ngũ- Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh An đến thăm ông Nguyễn Văn Phấn sau tai nạn.

Nhờ cách làm này, trong năm qua, nâng tỷ lệ người tham gia BHYT của xã năng lên 87,12%, vượt tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (85%). Đặc biệt, nhiều gia đình khó khăn, nhờ được hỗ trợ mua BHYT mà vượt qua được cơn hiểm nghèo.

Trường hợp của anh Nguyễn Văn Phấn, 48 tuổi, ngụ ấp Thạnh An là một thí dụ. Gia đình anh không ruộng vườn, không sản xuất, kinh doanh, thuộc diện khó khăn. Anh làm công nhân ở một trại cưa trong xã. Vợ anh làm công nhân trong Khu công nghiệp Tân Hội (Tân Hội, Tân Châu). Hai người con của anh cũng làm công nhân trong các tổ hợp sản xuất nhỏ ở địa phương.

Giữa năm 2019, trên đường từ trại cưa trở về nhà, anh Phấn bị tại nạn giao thông và bị giập tủy xương sống. Gia đình đưa anh đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) chữa trị. Sau đó, anh lần lượt được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Phục hồ chức năng tỉnh để phục hồi lại chức năng đi, đứng.

Sáng 5.3.2020, khi chúng tôi đến thăm, anh Phấn nằm dưỡng thương trên võng. Anh chia sẻ, tạm thời đã đi lại được trong nhà chứ chưa dám đi ra ngoài đường. Nhắc lại vụ tai nạn, người đàn ông này cho hay, trước đây, gia đình anh không có đủ khả năng mua BHYT, nhờ chị Nguyễn Thị Ngũ- Chi hội trưởng Hội Phụ nữ ấp Thạnh An đến vận động mua BHYT với chương trình “trả góp” nên anh mạnh dạn mua BHYT cho cả hai vợ chồng và hai người con.

“Nhờ có BHYT nên trong vụ tai nạn giao thông này tôi chỉ tốn chi phí hơn 20 triệu đồng, nếu không, vợ chồng tôi chưa biết làm sao có đủ tiền để tổng chi trả hơn 200 triệu đồng”. Anh Phấn cho biết thêm, dự tính sau khi hồi phục sức khỏe, anh sẽ kiếm sống bằng cách đi bán vé số dạo trong xóm và mặc dù hoàn cảnh khó khăn thế nào đi nữa, gia đình anh vẫn sẽ tiếp tục tham gia BHYT để phòng ngừa bất trắc có thể xảy ra.

Góp tiền xử lý rác thải sinh hoạt

Nhiều năm qua, tình trạng rác thải sinh hoạt bỏ bữa bãi xung quanh các gia đình, đường làng, ngõ xóm cũng là một trong những vấn đề nhứt nhối đối với xã Tân Hiệp. Hiện nay, có dịp điều khiển phương tiện giao thông dọc theo các đường giao thông chính trong các ấp Thạnh An, Tân Bình, Tân Trường của xã Tân Hiệp, chúng tôi đều thấy trước cổng các cơ quan và các đầu đường hẻm đều có đặt thùng rác chuyên dụng. Ở các đầu đường có gắn bảng với nội dung: “Mô hình tuyến đường không rác” do Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Câu lạc bộ Thể dục dưỡng sinh hoặc Đoàn thanh niên ấp thực hiện và quản lý.

Những thùng chứa rác thải sinh hoạt ở ấp Tân Trường.

Thử ghé vào ấp Tân Trường tìm hiểu vấn đề này, ông Bùi Nguyên Tĩnh- Bí thư ấp Tân Trường cho biết, trước đây, trên địa bàn ấp có hơn 10 hố rác tự phát ở các trảng, ao hồ và có nhiều rác vứt bừa bãi ven đường giao thông. Những hố rác này nhiều bốc mùi hôi thối, rất ô nhiễm môi trường.

Ông Tĩnh nhớ lại: “Tước tình hình đó, tôi báo cáo lên Đảng ủy, UBND và Mặt trận xã để tìm hướng giải quyết. Lãnh đạo xã ủng hộ cao và cho chủ trương giải quyết”. Trở về địa phương, ông Tĩnh cùng với Trưởng Ban Quản lý ấp lần lượt tổ chức họp dân cư 10 tổ trong ấp để bàn bạc, thống nhất cách xử lý rác và liên hệ với Hợp tác xã Thương mại- Dịch vụ- Nông nghiệp huyện Tân Châu (HTX) để thu gom rác cho các hộ dân.

Đầu năm 2019 bắt đầu thực hiện, mỗi hộ dân đóng góp 100.000 đồng để mua thùng đựng rác chuyên dụng và đóng tiền thu gom rác cho HTX 20 ngàn đồng/tháng. Những thùng chứa rác này đặt tại đầu các ngã tư (mỗi ngã tư cách nhau chỉ vài chục mét). Hằng ngày các hộ dân đem rác thải sinh hoạt của gia đình bỏ vào thùng và mỗi tuần 2 lần, HTX đem xe chuyên dùng đến thu gom, vận chuyển rác đưa về bãi rác tập trung để xử lý.

Đối với những hố rác tự phát và rác thải ven đường, các hội, đoàn thể huyện, ấp ra quân dọn dẹp. Loại rác nào thiêu hủy được thì đốt tại chỗ, những loại rác khác bỏ vào thùng, chờ HTX để thu gom, chở đi. “Nhờ vậy, từ đó đến nay, trên địa bàn ấp không còn tình trạng rác thải bừa bộn như trước đây”, ông Tĩnh cho hay.

Ở các đầu đường gắn bảng với nội dung: “Mô hình tuyến đường không rác, do Hội Phụ nữ thực hiện và quản lý”.

Nói về chuyện rác thải sinh hoạt, ông Nguyễn Thế Tường (sinh năm 1964, ngụ ấp Tân Trường) kể, những năm trước, gia đình ông thường hay đem rác thải sinh hoạt ra sau vườn đốt. Mỗi lần đốt rác như vậy khói bay lên cũng gây ô nhiễm môi trường. Trong xóm đã từng xảy ra một số vụ xích mích như người này đem bịch rác vứt qua cổng nhà người khác, hoặc đốt rác gây khó chịu cho nhà kế bên. Vì vậy, khi được ấp phát động phong trào chung tay xử lý rác, gia đình ông liền tham gia. Ông Tường nói: “Với số tiền thu gom rác 20 ngàn đồng/tháng, bà con ở đây vui vẻ chấp nhận”.

Ông Nguyễn Xuân Trường- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết thêm, hiện nay công thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn xã vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trong năm 2019, có 500/1.700 hộ dân trên địa bàn xã hợp đồng với HTX thu gom rác thải sinh hoạt. Dự kiến trong năm 2020 xã sẽ vận động 60% hộ dân trong xã đăng ký tham gia thu gom rác. Ngoài ra, xã còn phát động các ấp trồng hoa kiểng ven đường để giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp.

Đại Dương

Tin liên quan