Đọc báo in
Tải ứng dụng
Cắt giảm TTHC, nâng cao hiệu quả phục vụ
2021-04-23 12:38:50

Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục cắt giảm từ 27 thủ tục hành chính (TTHC) xuống còn 25 TTHC, góp phần giảm đáng kể thời gian nộp hồ sơ và nhận kết quả cho doanh nghiệp và người dân.

Giảm văn bản hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT

Việc ban hành Quyết định số 222/QĐ-BHXH có ý nghĩa quan trọng trong công tác cải cách hành chính. Các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam được quy định tại một văn bản thay vì tại 3 văn bản như trước đây, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong việc tìm hiểu, tra cứu các TTHC về BHXH, BHYT. Để tra cứu các TTHC, người dân và doanh nghiệp có thể truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/; Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam tại địa chỉ https://baohiemxahoi.gov.vn/; Cổng thông tin điện tử của BHXH các tỉnh, thành phố; bảng niêm yết công khai TTHC tại bộ phận một cửa cơ quan BHXH cấp tỉnh, cấp huyện; Trung tâm Phục vụ hành chính công tại địa phương.

Theo Quyết định số 222/QĐ-BHXH, có thêm hai TTHC bị bãi bỏ, gồm: một TTHC thuộc lĩnh vực thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH TNLĐ-BNN đã được quy định chi tiết tại các TTHC liên quan, đó là thủ tục “Hoàn trả tiền đã đóng đối với người tham gia BHXH tự nguyện, người có từ 2 sổ BHXH trở lên có thời gian đóng BHXH, BHTN trùng nhau, người tham gia BHYT theo hộ gia đình, người tham gia BHYT được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng”; một TTHC thuộc lĩnh vực thực hiện chính sách BHYT do không thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam, đó là “khám, chữa bệnh BHYT”.

Như vậy, hiện mỗi lĩnh vực thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, BH TNLĐ-BNN và lĩnh vực thực hiện chính sách BHYT chỉ còn 3 TTHC, thay vì 4 thủ tục như trước.

Đồng thời, trong 25 TTHC, có 24 TTHC được thay thế trên cơ sở tiếp tục điều chỉnh quy trình nghiệp vụ, đơn giản hoá thành phần hồ sơ, thiết kế lại biểu mẫu kê khai theo quy định của pháp luật và thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.

Mục tiêu vì sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Quyết định số 222/QĐ-BHXH được ban hành dựa trên cơ sở các quy trình nghiệp vụ đã được điều chỉnh, đơn giản hoá theo quy định của pháp luật và theo thẩm quyền giải quyết của cơ quan này.

Việc ban hành quyết định không chỉ góp phần tiếp tục hoàn thiện công tác cải cách hành chính của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mà còn đem lại nhiều ý nghĩa thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Đối với các TTHC thuộc lĩnh vực thực hiện chính sách BHXH, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian xử lý những công việc liên quan đến báo cáo các trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ - BNN trong tháng gửi cơ quan BHXH để giải quyết chế độ cho người lao động.

Chẳng hạn, với hồ sơ đề nghị hưởng chế độ đối với trường hợp người lao động đang làm việc bị TNLĐ hoặc BNN đã được bỏ thành phần hồ sơ là bản sao biên bản điều tra tai nạn lao động, biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản đo đạc môi trường lao động có yếu tố độc hại, sổ BHXH.

Với hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ và BNN đối với người lao động, mẫu văn bản đề nghị của đơn vị đơn giãn hơn, bỏ yêu cầu người khai phải viết rõ nội dung và thay bằng hình thức lựa chọn đánh dấu vào các ô có chứa nội dung phù hợp.

Đối với mẫu danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khoẻ, đã bỏ xác nhận của người lập biểu và công đoàn cơ sở (chỉ yêu cầu duy nhất một chữ ký xác nhận của đơn vị).

Đặc biệt là đã bỏ việc phải gửi bản giấy cho cơ quan BHXH qua dịch vụ bưu chính khi thực hiện qua giao dịch điện tử với các hồ sơ như: tờ khai của thân nhân khi thực hiện “Giải quyết chế độ tử tuất”; giấy uỷ quyền khi thực hiện “Giải quyết hưởng trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu”.

Các sửa đổi này giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian để xử lý những công việc liên quan đến báo cáo các trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm ốm đau, thai sản, TNLĐ - BNN trong tháng gửi cơ quan BHXH để giải quyết chế độ cho người lao động.

Đối với TTHC thuộc lĩnh vực thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, người sử dụng chỉ cần khai báo 5 tiêu thức trong tổng số 13 tiêu thức của mẫu tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh BHXH, BHYT (mẫu TK3-TS) khi cập nhật các nội dung thay đổi về thông tin của đơn vị; chỉ cần rà soát để xác nhận 6 tiêu thức trong tổng số 19 tiêu thức của mẫu tờ khai cá nhân tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS) của người lao động khi cập nhật thay đổi thông tin của người lao động.

Sự thay đổi này giúp doanh nghiệp giảm được thời gian kê khai lại các tiêu thức khác trong mẫu tờ khai khi có thay đổi thông tin so với việc áp dụng quy định trước đó.

Thực hiện Nghị định số 166/2016/NĐ-CP ngày 24.12.2016 của Chính phủ quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BH thất nghiệp, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 838/QĐ-BHXH ngày 29.5.2017 tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc thực hiện kê khai nộp BHXH qua hình thức giao dịch điện tử, rút ngắn thời hạn giải quyết TTHC của doanh nghiệp, người dân.

BHXH Việt Nam tiếp tục hướng dẫn thực hiện Quyết định số 222/QĐ-BHXH, trong đó có hình thức giao dịch điện tử trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có, đồng thời tiếp tục được nâng cấp về phần mềm giao dịch điện tử, đặc biệt là nâng cấp về phần mềm kê khai nộp BHXH của ngành BHXH lên phiên bản web để hỗ trợ miễn phí đối với các doanh nghiệp khi đăng ký thực hiện giao dịch với cơ quan BHXH.

Các doanh nghiệp chỉ cần sử dụng phương tiện điện tử có kết nối internet là có thể thực hiện kê khai “Nộp BHXH” trực tuyến. Với việc ứng dụng CNTT, triển khai giao dịch điện tử sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm lựa chọn thực hiện kê khai nộp BHXH, giảm tập trung vào thực hiện kê khai qua hỗ trợ của dịch vụ I-VAN, giảm thời gian chờ đợi của doanh nghiệp.

Có thể nói, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả công tác cải cách TTHC, bộ TTHC của ngành đang ngày càng được đơn giản hoá. Nếu như năm 2015, bộ TTHC của ngành là 114 thủ tục thì đến nay đã cắt giảm xuống còn 25 thủ tục. Kết quả cải cách TTHC này của ngành đã góp phần giúp doanh nghiệp và người dân giảm đáng kể thời gian, chi phí trong các giao dịch với cơ quan BHXH.

Với phương châm lấy người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT làm trung tâm phục vụ, công tác cải cách TTHC, ứng dụng CNTT luôn được ngành BHXH Việt Nam xác định là nhiệm vụ trọng tâm hướng tới nền hành chính phục vụ. Thời gian qua, toàn ngành đã không ngừng nỗ lực để đạt được nhiều kết quả tích cực, được Chính phủ cùng cộng đồng DN cũng như người dân ghi nhận, đánh giá cao.

TT&PTĐT

Báo Tây Ninh
Báo Tây Ninh
Tin liên quan