Đọc báo in
Tải ứng dụng
Chỉ điều khiển xe khi không có giọt rượu nào trong máu
2012-06-10 05:07:00

Hiện nay, bình quân trên cả nước có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông, 11% số người tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia.

Năm 2012 đã được Chính phủ chọn là “Năm An toàn giao thông” với nhiều biện pháp đồng bộ nhằm tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt việc thiết lập kỷ cương, trật tự an toàn giao thông trong phạm vi cả nước với mục tiêu là giảm tai nạn giao thông cả về số vụ, số người chết, số người bị thương; cải thiện cơ bản tình trạng ùn tắc giao thông và vi phạm pháp luật giao thông.

Trong một lần đến thăm và phát biểu trực tiếp trên kênh VOV Giao thông của Đài Tiếng nói Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông đang là một vấn đề bức xúc của xã hội. Nhiều năm qua, nước ta đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm ùn tắc và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tai nạn giao thông vẫn còn nghiêm trọng, trung bình mỗi ngày cướp đi sinh mạng của hơn 30 người và làm bị thương hàng chục người khác. Đây là gánh nặng cho nhiều gia đình và xã hội. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo quyết liệt đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và lâu dài mà Chính phủ đã đề ra; Các lực lượng chức năng đồng loạt ra quân thực hiện kế hoạch hành động “Năm An toàn giao thông” với quyết tâm cao nhất, thiết lập trật tự, kỷ cương an toàn giao thông trong phạm vi cả nước, phấn đấu hằng năm giảm từ 5% đến 10% số vụ tai nạn, số người chết, bị thương do tai nạn giao thông.

Một vụ tai nạn nghiêm trọng tại huyện Tân Châu thời gian qua.

Hiện nay, bình quân trên cả nước có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông, 11% số người tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia. Theo nghiên cứu Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng chất có cồn dù chỉ một lượng rất nhỏ cũng làm tăng khả năng va chạm đối với người điều khiển phương tiện, bởi chất có cồn không chỉ làm giảm tầm nhìn, thời gian xử lý mà còn tác động đến việc phán đoán tình huống. WHO cũng đánh giá, tại nhiều quốc gia, vấn đề này chưa được hiểu một cách đúng mức, vì thế cộng đồng chưa nhận thức được sự nghiêm trọng của việc lạm dụng rượu, bia.

Uống rượu, bia là thói quen của nhiều người. Tuy nhiên, lạm dụng rượu, bia lại vô cùng nguy hiểm, không chỉ gây tổn hại cho sức khoẻ mà sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, có thể cướp đi tính mạng hoặc để lại thương tật suốt đời. Tác động dẫn đến tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia đó là người điều khiển phương tiện không làm chủ được bản thân, thần kinh bị kích thích cao độ, khi điều khiển phương tiện thường bị lảo đảo và lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao, tránh vượt sai quy định, đi sai làn đường, khả năng phán đoán tình huống kém hơn so với lúc bình thường… Bởi vậy tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra thường rất nghiêm trọng.

Mỗi người tham gia giao thông cần hiểu rõ được tính nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện giao thông trong khi nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép. Hãy nhớ khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia thì không lái xe”; Thiết nghĩ lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhất là thường xuyên kiểm tra nồng độ cồn, tập trung ở những nơi được coi là điểm đen về tai nạn giao thông. Tuyên truyền rộng rãi các quy định về nồng độ rượu, bia khi điều khiển phương tiện cơ giới tham gia giao thông (quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy là 50mg/100ml hoặc 0,25mg/lít khí thở và bằng 0 đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng). Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành tăng cường tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, hành vi cho người dân. Đưa tiêu chí “Nói không với rượu, bia khi điều khiển các phương tiện giao thông” vào một trong những tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá, ấp- khu phố văn hoá, tổ chức, đơn vị tiên tiến hằng năm... Hạn chế tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia là vấn đề của toàn xã hội. Mỗi cá nhân, gia đình, địa phương và các cơ quan chức năng cần phải phối hợp chặt chẽ giáo dục quản lý và xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm; nhưng trên hết, ý thức người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu, bia gây ra.

Tai nạn giao thông vẫn luôn chực chờ hằng ngày, hằng giờ. Số người bị tai nạn, thậm chí bị chấn thương sọ não do điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia luôn ở mức báo động. Chúng ta hãy nhớ: “Tai nạn giao thông không trừ một ai” nhất là những người đã có nồng độ cồn trong máu.

Hiền Lâm

 

Từ khóa:
Tin liên quan