Đọc báo in
Tải ứng dụng
Chuyện “người trong cuộc”
2012-09-09 06:12:00

Điều quan trọng nhất sau đó là tôi đã rút ra nhiều bài học quý báu cho mình.

(BTN)- Cách đây khoảng 6 năm, tôi bất ngờ bị vướng vào một vụ tai nạn giao thông. Nhưng sau vụ này, tôi lại thấy mình vô cùng “may mắn”. Nhưng điều quan trọng nhất sau đó là tôi đã rút ra nhiều bài học quý báu cho mình.

Một vụ tai nạn

Chiều hôm đó, vào khoảng cuối hè, tôi đi công tác ở Bến Cầu về. Đến xã Long Giang, tiện đường ghé thăm một người bạn. Anh này vốn là tay có tửu lượng rất khá, có thể uống cả lít rượu đế. Trong khi tôi chỉ là “tay mơ”, uống chừng vài ly là đã ngà ngà. Hôm đó may cho tôi là anh bạn này đã nhậu từ trưa nên đã thấm mệt. Dù vậy, anh vẫn quyết rủ tôi “lai rai” bởi hai người khá lâu không gặp. Tôi từ chối mãi không được, đành chiều bạn, ra quán cháo lòng gần ngã ba Long Giang kêu hai tô cháo, hai xị đế.

Tuy nhiên, vì anh bạn đã khá say, còn tôi thì mệt vì suốt cả ngày làm việc vất vả nên đề nghị “uống được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu”. Vậy là, hai người uống chừng xị rưỡi rượu rồi ra quán nước gần đó hàn huyên. Khoảng gần 18 giờ, thấy trời chuyển mưa, tôi vội vã chia tay bạn, phóng xe nhanh về hướng Thị xã.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do con người

Qua cầu Gò Chai một đoạn, đến khu vực ấp Thanh Trung (xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) thì xảy ra tai nạn. Đoạn đường qua nơi này rất hẹp, lại tối om. Mặt khác, hai bên lề đường trồng có khá nhiều cây tràm vàng, tán lá um tùm làm hạn chế tầm nhìn của người đi đường. Thời điểm vừa sập tối, ở những tuyến đường đi qua các cánh đồng thường có nhiều côn trùng bay vào mắt người đi đường nên tôi phải liên tục dụi mắt, có khi phải dừng xe lại để “bóc” mấy con côn trùng chết tiệt ra. Phần vì trời tối, đèn xe mờ, phần vì tầm quan sát bị hạn chế, phần vì có uống chút rượu và vì mệt nên tôi có cảm giác là đà, giống như buồn ngủ, không thực sự tỉnh táo nên lại càng muốn đi nhanh về đến nhà.

Đang phóng xe với tốc độ khoảng trên 50km/giờ thì phía trước có một xe máy chạy ngược chiều pha đèn vào mắt. Xe vừa chạy qua, tôi bỗng giật mình thảng thốt khi thấy phía trước cách chừng 5 mét có bóng người đi xe đạp vừa từ lề trái sang bên lề phải. Khi tôi chợt nhận ra điều đó thì cũng là lúc xe tôi lao đến... Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ cảm giác lúc đó. Một tia điện chạy rất nhanh trong đầu tôi: Mình tiêu rồi. Tôi không còn kịp để đạp thắng xe nữa. Lúc xe tôi va vào người đi xe đạp phía trước cũng đồng thời là lúc tôi văng xuống đường. May mắn làm sao, trong lúc thập tử nhất sinh này, tay tôi phản xạ theo quán tính, kịp ôm lấy đầu lộn nhào trên đường, quần áo rách bươm, khắp người bị sây sát nhưng không bị thương tích đáng kể.

Tôi lồm cồm ngồi dậy, thấy chiếc xe gắn máy của mình đổ nhào giữa đường, cách chỗ tôi nằm khoảng 6, 7 mét. Cách chiếc xe chừng 3m, một bóng người nằm sóng soài bên lề, cạnh đó là chiếc xe đạp. Lúc này, một cảm giác chới với, tuyệt vọng chợt đến: Số phận của tôi đang phụ thuộc vào vận mệnh của người nằm kia. Tôi lao nhanh về phía nạn nhân. Người nằm bất động là một phụ nữ trung niên. Lúc tôi đỡ bà ngồi dậy, chợt thấy máu từ một bên tai bà chảy ra ướt đẫm tay tôi. Trời ạ, ai cũng biết là người bị chấn thương đầu đến mức chảy máu lỗ tai thì coi như khó tránh khỏi lưỡi hái tử thần. Một lần nữa, tôi lại điếng hồn!

Tôi vừa lay người phụ nữ này, vừa bảo những người đang đứng quanh: Phải nhanh chóng đưa bà đi cấp cứu ngay! Một vài người vội đỡ người phụ nữ ngồi dậy. Tôi vội dựng chiếc xe gắn máy của mình lên, đẩy lại chỗ người phụ nữ thì bất ngờ có vài người quát: “Không được dựng xe, để yên đó, định chạy trốn hả” rồi kè sát vào tôi. Lúc này, tôi bỗng dưng thấy mình bình tĩnh lạ thường, trả lời một cách cương quyết: “Chuyện đúng sai vẫn còn chưa rõ, bây giờ cứu người là quan trọng nhất, mọi người đỡ bà cụ lên xe, tôi chở, một người ngồi phía sau ôm bà, đến bệnh viện tôi giao xe cho mấy anh giữ”. Trong số này có người thân của nạn nhân, họ vội làm theo lời tôi. Tôi chở nạn nhân thẳng đến khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. Lúc đi được một đoạn, tôi bỗng nghe tiếng rên vì đau đớn của người phụ nữ. Tôi khấp khởi hy vọng: Bà đã tỉnh lại, mong là sẽ không đến nỗi nào!

Hạ tầng giao thông kém cũng là nguyên nhân gây TNGT

May mắn cho người phụ nữ này, mà cũng may mắn cho tôi là bác sĩ xác định vết thương gây chảy máu tai chỉ là vết thương bên ngoài, ở vùng vành tai chứ không phải chấn thương não. Sự xác nhận thương tích ban đầu của bác sĩ đối với tôi còn quý hơn vàng ngọc, cứu tôi khỏi cơn tuyệt vọng. Ngoài vết thương không nghiêm trọng ở vùng đầu, tai, người phụ nữ trên còn bị gãy xương cổ chân phải.

Những điều rút ra từ vụ tai nạn

Sau vụ tai nạn, tôi rút ra được rất nhiều điều. Trước hết là tình người trong cơn hoạn nạn. Đáng ngạc nhiên là cho đến sau này, giữa tôi và người phụ nữ nọ chưa hề tranh cãi ai là người có lỗi trong vụ tai nạn “may mắn” đó. Tôi thừa nhận mình có uống chút rượu, có hơi cảm thấy buồn ngủ trong khi điều khiển xe trong điều kiện tầm quan sát rất hạn chế nên đã không tránh được xe bà. Còn bà thì lại cho rằng do đường quá tối, lúc đạp xe qua đường không chú ý quan sát phía sau nên không phát hiện có xe máy đang đi tới. “Chỗ đó xảy ra tai nạn hoài con à, đường tối quá, lại hẹp nên dễ đụng nhau khi lách tránh” - bà nói. Bà cũng không “bắt đền xe lớn gây tai nạn cho xe nhỏ” như thường tình vẫn thế. Trong suốt quá trình điều trị, biết tôi nghèo, lương sinh viên mới ra trường thấp nên bà rất hạn chế nhận tiền thuốc thang của tôi, dù rằng gia đình bà cũng chỉ đủ ăn đủ mặc. Tôi còn nhớ, có lần, tôi đưa bà 400 ngàn, bà ép tôi nhận lại một nửa. “Con cất đi, khi nào túng quá cô sẽ nhờ con phụ thêm”. Quả thật, tôi không nghĩ là ở đời còn có người nhân hậu như thế!

Ai cũng biết khẩu hiệu “không được lái xe khi đã uống rượu, bia”, bởi nếu chủ quan thì tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, dù rằng “chỉ uống chút chút” mà trường hợp của tôi là dẫn chứng cụ thể. Để tránh tai nạn xảy ra khi lưu thông vào ban đêm, người đi đường cần đeo kính, vừa chắn bụi, vừa ngăn chặn côn trùng bay vào mắt; không nên điều khiển xe máy có đèn quá mờ. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần thường xuyên phát quang dọc các tuyến đường để bảo đảm tầm nhìn không bị che chắn. Hạ tầng giao thông kém cũng là một nguyên nhân gây nên tai nạn giao thông nên ngành chức năng cần ưu tiên đầu tư các tuyến đường hẹp, xuống cấp; gắn đèn đường ở những nơi quá tối, khó lưu thông.

HOÀNG ĐÌNH BẢO

 

Từ khóa:
Tin liên quan