Đọc báo in
Tải ứng dụng
Để tai nạn giao thông ở Bến Cầu được kéo giảm bền vững
2012-06-10 05:20:00

Năm 2011, huyện Bến Cầu đã kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông, được UBND tỉnh biểu dương. Tuy nhiên nhiều câu hỏi đặt ra là huyện có yếu tố “may mắn” không? (vì Bến Cầu đang tồn tại nguy cơ lớn là tỉnh lộ 786 đang xuống cấp nghiêm trọng); hay ý thức của người tham gia giao thông nâng lên? Đây là câu hỏi còn bỏ ngỏ dành cho ngành chức năng huyện Bến Cầu.

Để “thiết lập kỷ cương”, trật tự, an toàn giao thông, phấn đấu kéo giảm tai nạn giao thông từ “5% đến 10%” cả ba mặt “số vụ, số người chết, số người bị thương” so với năm 2011, năm 2012, lãnh đạo Bến Cầu xác định vai trò quản lý Nhà nước là nhân tố quyết định, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, không được chủ quan, lơ là,  xem đây là nhiệm vụ chính, trọng tâm để phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Ban ATGT các xã, thị trấn, chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền, làm chuyển biến về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông nhất là đối tượng đi mô tô, xe máy đang chiếm tỷ lệ vi phạm rất cao trong huyện. Chú ý các lỗi dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Xây dựng và hình thành “văn hoá giao thông”…

Bến Cầu diễu hành tuyên truyền đảm bảo trật tự ATGT.

Từ chủ trương chung nêu trên, huyện Bến Cầu xây dựng kế hoạch cụ thể. Về tuyên truyền, ngoài các nội dung tuyên truyền chung như: “Tích cực hưởng ứng Năm ATGT- 2012”, “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ 2011-2020”, “Thiết lập trật tự, kỷ cương giao thông”, “An toàn giao thông- trách nhiệm của mỗi người”, “Tuân thủ quy định khi lái xe”… thay đổi các khẩu hiệu “khuyến cáo” trước đây thành khẩu hiệu “xử phạt”, như: “Điều khiển xe đi không đúng phần đường, làn đường…”, “Lái xe khi đã uống rượu bia…”, “Không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện…”; “Không đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe máy…” sẽ bị phạt với số tiền cụ thể. Lắp đặt thêm các biển cảnh báo như: “Đoạn đường thường xảy ra tai nạn”, “Đoạn đường thường bắn tốc độ” ở các khúc cua nguy hiểm tỉnh lộ 786, các tuyến đường vào thị trấn, trường học, khu đông dân cư để hạn chế tốc độ, đề phòng tai nạn xảy ra.

Các giải pháp tuyên truyền là lựa chọn khẩu hiệu phù hợp để treo băng-rôn, pa-nô, áp phích, phát tờ rơi, nơi tập trung đông dân cư, công ty, xí nghiệp, trường học, chợ, các ngã ba, ngã tư, nơi dễ nhìn, trực quan. Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng. Trực tiếp đến cơ quan, đơn vị, trường học, xí nghiệp, khu dân cư, để tuyên truyền miệng, kết hợp với chiếu phim, phát tài liệu tuyên truyền về trật tự ATGT. Tổ chức các hội thi, hội thảo, đố vui, sáng tác tiểu phẩm về ATGT. Mời đúng đối tượng hộ gia đình thường tham gia giao thông để học tập tuyên truyền (không mời người già, lớn tuổi hoặc trẻ em). Tiếp tục thông báo trên hệ thống loa truyền thanh huyện, xã, thị trấn về người vi phạm trật tự ATGT, công khai hoá người vi phạm trật tự ATGT.

Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm Luật Giao thông

Tăng cường tuần tra, kiểm soát, chú ý nơi thường xuyên xảy ra tai nạn. Hằng tuần vào sáng thứ hai, các trường trung học phổ thông phải tuyên truyền về trật tự ATGT cho học sinh của mình. Mời phụ huynh ký cam kết không giao xe mô tô, xe gắn máy cho con em khi chưa đủ tuổi hoặc không có giấy phép lái xe. Kiên quyết mời các hộ ở gần trường học cam kết không nhận giữ xe cho các em học sinh. Xử lý trách nhiệm của hiệu trưởng nếu để học sinh trường mình vi phạm trật tự ATGT. Tăng cường vai trò lãnh đạo, quy trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, ban, ngành, đoàn thể nếu để cán bộ, công chức, viên chức mình vi phạm trật tự ATGT.

Đối với người trực tiếp lái xe hoặc tham gia giao thông là nhân tố quan trọng; Tích cực vận động mọi người hãy tự giác thực hiện đúng “Những điều cần biết khi tham gia giao thông”, thực hiện nghiêm theo các khẩu hiệu tuyên truyền về bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn huyện. Phải xác định an toàn giao thông là hạnh phúc cho chính mình, gia đình và người thân cũng như thực hiện “Văn hoá giao thông”; Phải tự nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Mỗi cán bộ, gia đình cán bộ, công chức viên chức, các vị đại biểu HĐND phải gương mẫu đi đầu và vận động nhân dân nơi cư trú cùng thực hiện tốt trật tự ATGT. Nên nhớ, tác hại của uống rượu, bia khi lái xe thường dễ xảy ra tai nạn. Luôn đội mũ khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện là để bảo vệ vùng đầu, tránh được chấn thương sọ não cho mình nếu có tai nạn giao thông xảy ra. Lái xe đi đúng phần đường, làn đường là góp phần hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông.

Với các giải pháp đồng bộ được áp dụng từ nhiều phía như kể trên, nên trong những tháng đầu năm 2012 huyện Bến Cầu thực hiện tốt việc bảo đảm trật tự ATGT; đã giảm số vụ, số người chết, bị thương vì tai nạn giao thông, được UBND tỉnh biểu dương trong toàn tỉnh.

Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo trật tự ATGT, qua thực tiễn công tác tại địa bàn huyện Bến Cầu, kiến nghị Sở Giao thông- Vận tải tiếp tục có ý kiến với Bộ Giao thông- Vận tải sớm di dời Trạm thu phí cầu Gò Dầu như đã hứa từ tháng 8.2008. Khu quản lý đường bộ VII cần lắp đặt đèn tín hiệu tại ngã tư đường Xuyên Á với đường An Thạnh Trà Cao nơi “điểm đen” thường xảy ra tai nạn giao thông. Nghiên cứu làm dải phân cách khoảng 9 km từ cầu Gò Dầu đến Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, do đường thông thoáng các loại phương tiện đều chạy nhanh nên tai nạn giao thông xảy ra nhiều. Sớm đầu tư nâng cấp, tu bổ, giặm vá tỉnh lộ 786 huyết mạch của huyện Bến Cầu đang xuống cấp nghiêm trọng. Lắp đặt đèn tín hiệu tại ngã tư UBND xã Long Thuận. Kẻ, vẽ vạch làn đường thị trấn Bến Cầu cho phù hợp với thực tế vì mô tô, xe gắn máy đi lại nhiều hơn xe ô tô nhưng làn đường lại nhỏ hơn như hiện nay.

HÙNG DŨNG

Từ khóa:
Tin liên quan