Đọc báo in
Tải ứng dụng
Đổi mới tư duy theo hướng đột phá
2020-07-20 01:02:00

Định hướng của tỉnh trong quá trình cơ cấu lại kinh tế giai đoạn 5 năm tiếp theo là tiếp tục đổi mới tư duy theo hướng đột phá, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng phát triển, tạo động lực mới cho sự phát triển đồng bộ, nhanh và bền vững.

Thu hoạch lúa bằng phương tiện cơ giới. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

Cơ cấu lại kinh tế, Tây Ninh xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm là cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tín dụng.

Thời gian qua, tỉnh đã cơ cấu lại đầu tư công theo hướng sửa đổi quy chế phân cấp quản lý, trước hết là đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ, bảo đảm nguyên tắc chỉ quyết định đầu tư đối với dự án đã đủ thủ tục theo quy định và khi đã xác định rõ nguồn, mức vốn và khả năng cân đối nguồn vốn.

Đến nay, các quy hoạch xây dựng tại các huyện, thành phố dần được hoàn thiện, cập nhật, bổ sung, điều chỉnh bảo đảm tính khả thi và đồng bộ. Các địa phương đã triển khai thực hiện các đồ án quy hoạch làm cơ sở cho đầu tư xây dựng hạ tầng, chỉnh trang và phát triển đô thị cũng như làm cơ sở thu hút đầu tư.

Từ đó, công tác quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị đạt nhiều kết quả đáng kể, tỷ lệ đô thị hoá tăng đột biến từ 22,3% năm 2016 lên 48,5% năm 2020; hoàn thành 100% công tác phát triển đô thị cho 9 đô thị hiện hữu trên địa bàn tỉnh (gồm thành phố Tây Ninh là đô thị loại II; các đô thị Trảng Bàng, Hoà Thành và Gò Dầu là đô thị loại IV; 5 đô thị loại V là các thị trấn thuộc các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu, Dương Minh Châu).

Một số đô thị có tốc độ đô thị hoá nhanh như Trảng Bàng, Gò Dầu và thành phố Tây Ninh đã được tập trung nguồn lực chỉnh trang và thu hút được nhiều dự án thương mại, siêu thị, nhà ở thương mại, góp phần thay đổi rõ nét bộ mặt đô thị.

Nhìn chung, công tác đầu tư công trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Việc phân khai, giao kế hoạch tuân thủ các thủ tục, chỉ đạo của Trung ương góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, bảo đảm bố trí vốn tập trung, khắc phục được tình trạng dàn trải, thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tỉnh cũng hoàn thành kế hoạch thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2017 - 2020 tại các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

Tỉnh thực hiện cơ cấu lại hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) theo đúng tiến độ và đúng quy định. Các QTDND chú trọng tăng trưởng vốn điều lệ phù hợp với mức độ phát triển nhằm nâng cao năng lực tài chính và mở rộng quy mô hoạt động theo định hướng.

Ngoài các hoạt động huy động, cho vay truyền thống, một số QTDND còn tham gia liên kết với ngân hàng, các hợp tác xã thực hiện dịch vụ chuyển tiền điện tử, thu hộ, chi hộ cho các thành viên thông qua hệ thống CF-eBank nhằm đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ của quỹ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và phục vụ thành viên…

Hướng đi của tỉnh trong thời gian gần đây là thực hiện cơ cấu lại kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý trên cơ sở cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế; phát triển các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao, từng bước thay thế các ngành công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp để trở thành các ngành kinh tế chủ lực...

Từ đó, từng bước củng cố nội lực của nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Định hướng của tỉnh trong quá trình cơ cấu lại kinh tế giai đoạn 5 năm tiếp theo là tiếp tục đổi mới tư duy theo hướng đột phá, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng phát triển, tạo động lực mới cho sự phát triển đồng bộ, nhanh và bền vững.

Tỉnh hướng đến mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, giảm sự phụ thuộc nhiều vào yếu tố vốn, tài nguyên, lao động trình độ thấp; khuyến khích ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng lợi thế của tỉnh làm động lực cho tăng trưởng.

Đồng thời, tỉnh quyết tâm không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập cho người lao động; thực hiện tốt chăm lo sức khoẻ người dân; đổi mới giáo dục đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao và trọng dụng nhân tài.

Giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, cụ thể:

Cơ cấu lại ngành công nghiệp, tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường, ít phát thải, tiết kiệm năng lượng, sử dụng đất đai và lao động.

Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư lớn có công nghệ tiên tiến, sản phẩm có chất lượng và thị trường ổn định. Tiếp tục phát triển một số khu công nghiệp mới gắn với phát triển đô thị mới và điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát phù hợp với tình hình mới, tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước.

Công nhân lao động trong KCN Phước Đông.

Nâng cao hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, tập trung vào các hàng hoá có lợi thế xuất khẩu, các thị trường tiềm năng và các thị trường khác nhằm đa dạng hoá thị trường xuất khẩu.

Đầu tư xây dựng nâng cấp các bến bãi, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật các cửa khẩu, thúc đẩy giao thương, trao đổi hàng hoá qua biên giới. Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, xác định du lịch là một trong những trọng tâm đột phá phát triển, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển hàng hoá quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với bảo quản, chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, phù hợp với nhu cầu thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Định hướng các vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với đầu tư hạ tầng thúc đẩy phát triển một số vùng sản xuất. Từng bước phát triển nông nghiệp gắn với du lịch, trong đó tập trung phát triển các loại rau quả sạch, hữu cơ.

Phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc sản xuất nông nghiệp theo mô hình tập trung quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận đất đai để thực hiện đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là tạo bước đột phá về xây dựng chính quyền điện tử theo hướng hiện đại và hiệu quả. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hoá dịch vụ hành chính công. Tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…

Bảo Tâm

Thời gian qua, chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Tây Ninh và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được thực hiện tích cực và chủ động.

Đến nay, tỉnh Tây Ninh đã ký kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với nhiều tỉnh, thành và tổ chức lớn trong nước. Các hoạt động hợp tác kinh tế trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - du lịch, xúc tiến thương mại đầu tư, thông tin truyền thông...

Sau thời gian triển khai, chương trình hợp tác toàn diện giữa Tây Ninh với các tỉnh và tập đoàn kinh tế lớn đã đạt được một số kết quả ban đầu trong việc thiết lập các dự án, các đề xuất đầu tư mới và phát triển thêm các tuyến giao thông kết nối liên vùng có ý nghĩa quan trọng.

Có nhiều dự án lớn được nghiên cứu đề xuất và thực hiện bởi các nhà đầu tư lớn như VinGroup, SunGroup, TTC Group, Vinamilk, Saigon Co-op, FLC, Nafood... mở ra cơ hội và động lực mới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và tạo thêm nguồn thu ngân sách cho tỉnh, góp phần phát triển ngành dịch vụ du lịch và tiêu thụ sản phẩm trong vùng.

Tin liên quan