Đọc báo in
Tải ứng dụng
Đừng giỡn mặt với tử thần
2012-05-24 04:35:00

Trên thực tế, những người tham gia giao thông trên sông nước chưa chú trọng đến việc bảo vệ tính mạng của chính mình và người khác…

Hầu như năm nào cũng vậy, tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa cướp đi mạng sống của không ít người. Thế nhưng, trên thực tế, những người tham gia giao thông trên sông nước chưa chú trọng đến việc bảo vệ tính mạng của chính mình và người khác…

Sang sông Vàm Cỏ Đông: Không ai mặc áo phao

Để hạn chế tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa, ngày 15.6.2011, Phòng Cảnh sát giao thông- Công an Tây Ninh tổ chức lễ cấp phát áo phao cho tất cả các chủ phương tiện vận chuyển hành khách ở các bến phà, bến đò ngang trên sông Vàm Cỏ Đông, đoạn chảy qua địa phận Tây Ninh. Tại buổi lễ, Thượng tá Nguyễn Văn Lá- Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông- Công an tỉnh yêu cầu thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên trên các phương tiện vận chuyển hành khách chấp hành tốt các quy định như: Hướng dẫn cho hành khách mặc áo phao khi xuống phương tiện; Kiên quyết không chở người khi chưa mặc áo phao… Dù đã được ngành chức năng trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ như vậy, nhưng những người điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ và tất cả khách sang sông đều không chấp hành.

Trong hồ Dầu Tiếng, ngư dân phó mặc mạng sống cho sự “hên xui”

Ngày 8.5.2012, chúng tôi đi tìm hiểu thực tế dọc theo dòng Vàm Cỏ Đông, thì thấy tất cả những người điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ và khách sang sông đều không ai mặc áo phao. Ở thượng nguồn dòng sông, chỉ tính riêng đoạn qua xã Phước Vinh đã có 4 bến đò ngang, là các bến Cây Sao, Bực Lở, Băng Dung, Cây Ổi từ xã Phước Vinh qua xã Biên Giới (cùng huyện Châu Thành), tất cả khách và người điều khiển đò không có ai mặc áo phao.

Càng xuôi về hạ lưu, sông Vàm Cỏ Đông càng rộng ra. Các chiếc đò cũng chở nặng hơn, nhưng việc thực hiện những quy định khi sang sông gần như bị “phớt lờ”. Đò Bến Đình mỗi ngày đưa hàng ngàn lượt khách từ xã Cẩm Giang (huyện Gò Dầu) sang xã Tiên Thuận (huyện Bến Cầu). Trên đò có nhân viên cầm 7 chiếc áo phao… máng lên tay lái mô tô cho khách. Chúng tôi chú ý và thấy nhân viên này chỉ đi máng lên thôi, chứ không nhắc nhở hành khách phải mặc áo. Về phía người điều khiển phương tiện giao thông và các nhân viên đều không hề mặc áo phao.

Ở bến đò ngang Lộc Giang có 3 chiếc đò liên tục đưa khách từ xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng) sang xã Lộc Giang (huyện Đức Huệ, Long An) và ngược lại. Trưa ngày 1.5.2012, chúng tôi thử đi trên chiếc đò mang biển số TN- 0359, từ Trảng Bàng sang Long An, trên đò chở hơn 20 người và cũng không ai đụng tới áo phao. Chẳng những không mặc áo phao, người điều khiển chiếc đò này còn ở trần trùng trục khi lái đò qua sông.

Giao thông trong hồ Dầu Tiếng: Càng đáng lo ngại

So với những chuyến đò ngang sông Vàm Cỏ Đông thì tình hình đi lại trên mặt nước lòng hồ Dầu Tiếng càng đáng lo ngại hơn. Mặt hồ rộng mênh mông như biển, nước trong hồ tù đọng lâu năm, lạnh đến cóng chân, khiến những tay bơi cừ khôi nhất cũng thấy e ngại. Sóng gió trong “biển hồ” này hay nổi lên bất thường. Chỉ cần một đám mây kéo đến, hoặc một cơn gió nổi lên là mặt hồ dậy sóng. Đặc biệt, sóng ở đây không theo chiều hướng nào cả, nó dập vào bờ rồi dội ra, tạo thành những đợt sóng đan xen, trái ngược nhau. Hiện nay trong hồ ước tính có khoảng 50 chiếc ghe, vỏ lãi đang hoạt động đánh bắt cá, chở hàng nông sản và đò đưa khách từ đất liền qua lại đảo Nhím. Các chiếc đò chở khách ở đây đều chở nhiều người, hàng hoá và chạy tốc độ cao, nhưng bản thân người điều khiển phương tiện và hành khách đều phong phanh áo vải. Các chiếc đò này chẳng hề trang bị phao cứu sinh gì cả. Những chiếc đò nhấp nhô trên mặt hồ, giống như những chiếc lá rơi lênh đênh giữa biển nước mênh mông.

Đò Cây Ổi thuộc dạng “3 không”

Anh Nhiều (45 tuổi), kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá trong hồ Dầu Tiếng hơn 20 năm nay, cũng phó mặc số phận của mình cho sự “hên xui”. Hầu như ngày nào cũng vậy, mặt trời vừa xuống là anh vác lưới xuống chiếc vỏ lãi nhỏ rồi một mình nổ máy ra khơi. Anh đánh cá suốt đêm, đến 8 giờ sáng hôm sau mới trở về. “Phiêu du” trên mặt nước đã mấy nghìn đêm như thế, nhưng chưa bao giờ ngư dân này mặc áo phao. Dụng cụ có thể dùng để cứu sinh duy nhất của anh Nhiều là cái can nhựa, loại 10 lít, anh đem theo dùng để đựng nước uống. Người đàn ông này chỉ vào cái can nhựa, thổ lộ: “Tôi chỉ biết bơi chút chút. Nếu có sự cố gì thì nắm vào quai cái can nhựa này”. Tôi không dám hình dung trong đêm tối mịt mùng giữa hồ Dầu Tiếng, nếu gặp giông gió lật thuyền, không biết những người đánh cá như anh Nhiều xoay sở ra sao?

Người dân qua lại trên sông: Còn giỡn mặt với tử thần

Ngoài những phương tiện giao thông đường thuỷ nội địa có tổ chức kinh doanh kể trên, hằng ngày còn rất nhiều người dân tự dùng xuồng ghe đi lại trên sông nước. Những người này hoàn toàn không trang bị phao cứu sinh hay áo phao gì cả. Bà Dung, 58 tuổi, quê ở xã Thanh Điền (huyện Châu Thành), lập gia đình và cùng chồng về sinh sống ở xã Phước Vinh. Vợ chồng bà canh tác hơn một ha đất trồng lúa ven sông Vàm Cỏ Đông. Ruộng lúa của bà cách nhà khoảng 1 km. Vào mùa vụ, vợ chồng bà và người con trai thường xuyên dùng ghe xuồng đến ruộng. Bà Dung kể: “Chồng và con tôi biết bơi chút ít, còn tôi không biết bơi lội gì hết. Lúc nào xuống ghe tôi cũng sợ nhưng vì cuộc sống nên phải ráng đi”. Biết sợ như thế, nhưng bà Dung vẫn không hề nghĩ đến áo phao hay vật gì đó có thể làm phao cứu sinh.

Trên thực tế, những năm qua trên sông Vàm Cỏ Đông và trong hồ Dầu Tiếng đã từng xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ, thậm chí dẫn đến tử vong. Theo thống kê của Ban An toàn giao thông tỉnh, trong năm 2011, tỉnh ta đã xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa, làm chết 4 người. Nguyên nhân do phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn kỹ thuật và người điều khiển phương tiện không có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn. Gần đây nhất, ngày 7.4.2012, trên sông Vàm Cỏ Đông, khu vực giáp ranh giữa xã Lộc Giang (huyện Đức Hoà, Long An) và xã An Hoà (huyện Trảng Bàng) đã xảy ra vụ chìm xuồng làm 3 công nhân ở Khu công nghiệp Trảng Bàng thiệt mạng.

Thay lời kết

Từ thực tế cho thấy, so với giao thông đường bộ thì tai nạn giao thông đường thuỷ dễ dẫn đến tử vong hơn. Cụ thể, nếu người tham gia giao thông đường bộ bị tai nạn ngã ra đường, nạn nhân này có thể không chết. Nhưng, người tham gia giao thông đường thuỷ bị ngã xuống sông mà không biết bơi thì rất dễ “tiêu đời”. Vì vậy, ngành chức năng cần tăng cường tuần tra, nhắc nhở, xử phạt mạnh hơn nữa đối với những chủ đò, phà không chấp hành quy định về an toàn giao thông đường thuỷ. Đồng thời cần có biện pháp bắt buộc những cá nhân tham gia giao thông đường thuỷ, dù bằng phương tiện nào cũng phải mặc áo phao hoặc trang bị những phương tiện cứu hộ phù hợp.

Đại Dương

 

Từ khóa:
Tin liên quan