Đọc báo in
Tải ứng dụng
Giải pháp để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông
2012-08-26 05:04:00

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT, một trong những “liều thuốc” chính góp phần không nhỏ để nâng cao ý thức chấp hành Luật của người dân là hiệu quả của công tác xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATGT.

(BTN)- Những năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) cũng như thiệt hại do TNGT gây ra ở tỉnh ta liên tục tăng. Cụ thể trong năm 2010 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1.150 vụ, làm chết 209 người, làm bị thương 1.436 người. So với năm 2009 tăng 110 vụ, tăng 28 người chết, tăng 110 người bị thương. Đến năm 2011, tai nạn giao thông tiếp tục tăng cả ba mặt so với năm 2010, cụ thể: tăng 124 vụ, tăng 23 người chết và tăng 268 người bị thương. Cũng theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2012 trên địa bàn toàn tỉnh Tây Ninh xảy ra 308 vụ, làm chết 87 người, bị thương 401. Trong đó nguyên do người điều khiển xe say rượu bia, không làm chủ tốc độ 49 vụ, đi không đúng phần đường quy định 71 vụ, chuyển hướng thiếu quan sát 47 vụ. Đồng thời lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn tỉnh đã tiến hành lập biên bản trên 30 ngàn trường hợp, trong đó lỗi quá tốc độ 12.760 trường hợp, quá nồng độ cồn 16.435 trường hợp, không đội mũ bảo hiểm 1.003 trường hợp, đi không đúng phần đường quy định 1.915 trường hợp.

Tuyên truyền...

Từ thực trạng trên, cho thấy nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng TNGT trong những năm qua ở tỉnh ta bao gồm cả khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân khách quan là do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh tăng nhanh, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tuy thường xuyên được nâng cấp, cải tạo nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu lưu thông của phương tiện. Đáng lo ngại hơn là nguyên nhân chủ quan, do ý thức chấp hành Luật Giao thông của người tham gia giao thông còn thấp. Trong đó các hành vi vi phạm Luật Giao thông thường dẫn đến TNGT chủ yếu là: không làm chủ tốc độ, điều khiển phương tiện trong tình trạng đã say rượu bia, tránh vượt không đúng quy định, đi không đúng phần đường, không đội mũ bảo hiểm… Hiện nay hơn 70% số vụ tai nạn giao thông xảy là do người điều khiển mô tô, xe máy gây ra. Nguyên nhân chính tác động đến hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của người điều khiển xe máy là do đã có uống rượu, bia, không làm chủ tốc độ. Bất kể là những ngày vui, lễ hội hay lúc bình thường, tệ nạn nhậu nhẹt diễn ra thường xuyên, nhiều người điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng có hơi men nên đã gây ra thảm cảnh. Một thực trạng đáng lưu ý nữa là nhiều thanh niên “choai choai” chưa có giấy phép lái xe, nhưng vẫn đèo ba, bốn người phóng ra đường, lạng lách, đánh võng, cố “thể hiện mình” gây mất an toàn giao thông. Theo thống kê có đến 20% người tham gia giao thông, điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe.

Trước đây tai nạn giao thông thường xảy ra ở các khu đô thị, thì nay ở các vùng nông thôn tai nạn cũng xảy ra khá phổ biến với tính chất ngày càng nghiêm trọng. Nhiều người lý giải do đường sá nhiều “ổ gà, ổ voi” nên dễ xảy ra tai nạn. Nhưng đó không phải là tất cả, cái chính là do một vài năm trở lại đây lượng xe máy tăng nhanh, theo thống kê của Phòng CSGT- Công an Tây Ninh thì mỗi tháng có khoảng trên 4.500 xe mô tô, xe gắn máy được cấp biển số mới. Ngoài ra, do công tác nâng cấp đường bộ còn chưa đồng bộ, mặt đường thì tốt, nhưng đường hẹp, cùng với đó là có khá nhiều trường hợp người lái xe không thành thạo và “mù” luật, không hiểu cả tín hiệu giao thông trên các biển báo đường bộ... cũng làm số vụ tai nạn ngày càng tăng. Trước đây ở làng quê đáng sợ nhất là “xe công nông” (các loại xe cải tiến, xe thô sơ), thì nay tai ương thường xuyên rình rập lại thuộc về mô tô, xe máy. Những chiếc xe máy giá rẻ khi mới mua còn “tàm tạm”, chứ khi đã sử dụng một hai năm thì thật là kinh khủng, xe đi lắc lư, chao đảo, hệ thống phanh không bảo đảm... Hẳn nhiên, bất cứ người tham gia giao thông nào cũng đều không muốn để xảy ra tai nạn, nhưng việc ý thức chấp hành Luật Giao thông thì lại không phải ai cũng nghiêm túc thực hiện. Biết rõ nguy cơ, nhưng khi tham gia giao thông, nhiều người lại không chấp hành tốt để hạn chế nó, phổ biến là tệ nạn uống rượu bia đã say mèm nhưng vẫn lên xe phóng bạt mạng.

 ...nhưng phải kết hợp xử lý nghiêm

Một vấn đề nữa không thể không nói đến là việc một số gia đình chiều chuộng con cái quá mức, con không có bằng lái, không hiểu biết luật, kỹ năng lái xe yếu vẫn cho đi xe. Hiện nay, mỗi khi ra đường, chúng ta không khó bắt gặp hình ảnh những người điều khiển xe tham gia giao thông là những cô, cậu còn nhỏ tuổi, thậm chí không hiếm trường hợp chạy xe lạng lách, đánh võng… gây tình trạng hoảng hốt cho người đi đường. Có một lần đi đường, tôi bắt gặp cảnh một thanh niên tuổi chưa đầy 20 chở người mẹ đằng sau. Cậu thanh niên đi chiếc xe tay ga phóng từ trên vỉa hè xuống lòng đường do không làm chủ được tay lái, đã va quẹt vào một bác đang đi trên đường, cậu thanh niên nằm lăn quay ra đường, rất may là người chỉ bị xây xát nhẹ. Rõ ràng lỗi là do cậu thanh niên gây ra. Thế mà gia đình cậu thanh niên nọ lại giữ xe, yêu cầu bác kia phải bồi thường và sửa chữa xe. Để tránh lôi thôi, người bị va quẹt đã phải chấp nhận yêu cầu của gia đình cậu thanh niên và đưa xe đi sửa mất 700.000 đồng. Nhìn nhận vấn đề này, lỗi phần lớn chính là từ gia đình các em. Bởi lẽ ra những cô, cậu bé chưa hiểu Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng lái xe yếu, gia đình không nên cho lái xe ra đường. Và khi con cái đã có lỗi, người làm cha, làm mẹ phải nghiêm khắc với con, đằng này lại khăng bảo vệ con mình, như vậy chẳng khác nào… “khuyến khích” con em mình tiếp tục sai trái. Sửa xe xong, trước khi ra về, người bị va quẹt chỉ nói “khéo” với mẹ cậu bé: “Chị về cố gắng bảo cháu đi học Luật Giao thông, thi lấy cái bằng lái và rèn kỹ năng đi xe cho cháu nhiều hơn nữa”.

Từ thực trạng trên, hằng năm tỉnh ta đã vạch ra những chương trình hành động, biện pháp cụ thể nhằm khắc phục những nguyên nhân dẫn đến TNGT. Theo đó, một trong những công tác chính thường xuyên được đẩy mạnh trong những năm qua là tuyên truyền, tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm về TTATGT. Thế nhưng kết quả lại… nằm ngoài mong đợi bởi số vụ TNGT cũng như thiệt hại do TNGT gây ra vẫn chưa được kéo giảm một cách vững chắc. Điều này cũng có nghĩa là ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông phần nào có chuyển biến nhưng không tích cực lắm. Thiết nghĩ bên cạnh việc phổ biến hướng dẫn thực hiện luật giao thông, cần đặc biệt quan tâm kỹ năng, kỹ xảo của người lái xe mô tô, xe máy. Khi ngành chức năng tổ chức các lớp huấn luyện lái xe máy, cấp bằng lái nên chú ý vấn đề này. Có những cái chết thương tâm do không hiểu luật, do kỹ năng xử lý tình huống kém, đã lao xe vào ô tô, cột điện... Để hạn chế tai nạn giao thông, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của mình và của toàn xã hội, hơn ai hết mỗi người dân khi tham gia giao thông hãy ý thức và nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông! Mỗi gia đình, các bậc phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội hãy giáo dục tuyên truyền, nhắc nhở người thân trong gia đình chấp hành tốt luật giao thông!

Đồng thời, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về TTATGT, một trong những “liều thuốc” chính góp phần không nhỏ để nâng cao ý thức chấp hành Luật của người dân là hiệu quả của công tác xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATGT. Điển hình như trên địa bàn thị xã Tây Ninh, cách đây vài tháng khi lực lượng tuần tra mỏng, phần lớn chốt đèn tín hiệu trong nội thị không có Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, lập tức tình trạng vi phạm quy định đội mũ bảo hiểm, chở ba, nhất là vượt đèn đỏ... diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi lực lượng CSGT được tăng cường tuần tra, đứng chốt tại các đèn tín hiệu, số người vi phạm luật tại các khu vực này giảm rõ rệt. Hay như việc tăng cường công tác TTKS và xử lý vi phạm về TTATGT của CSGT ở huyện Hoà Thành không chỉ khiến cho người tham gia giao thông lo sợ bị xử phạt nên chấp hành nghiêm Luật Giao thông, mà còn tạo thói quen tốt về ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nguyên nhân khách quan khác cũng dẫn đến hiệu quả công tác tuần tra còn hạn chế như: nhân lực, phương tiện, công cụ hỗ trợ… còn thiếu, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Do đó, để ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng cao, ngoài việc tuyên truyền giáo dục pháp luật về ATGT, rất cần có sự tăng cường nhiều mặt để đẩy mạnh có hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Có như vậy, mục tiêu kiềm chế TNGT trong thời gian tới mới chuyển biến tích cực hơn.

Trịnh Minh Thiện

Từ khóa:
Tin liên quan