Đọc báo in
Tải ứng dụng
Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh tiểu học
2020-10-28 17:50:38

Bộ GD&ÐT vừa ban hành dự thảo thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục.

Các em học sinh thực hành kỹ năng dập tắt lửa khi xảy ra hoả hoạn. Ảnh: Ngọc Bích

Mục đích công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm giúp người học tự nhận thức về khả năng, sở thích và nguyện vọng nghề nghiệp của bản thân, có kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp để phát huy được năng lực định hướng nghề nghiệp, việc làm phù hợp.

Theo dự thảo, đối với cấp tiểu học, giáo dục học sinh nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, các nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội. Hướng dẫn học sinh tham gia các công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường. Rèn luyện, bồi dưỡng cho học sinh các kỹ năng cơ bản như kỹ năng quản lý bản thân, kỹ năng xã hội, tìm hiểu về gia đình, cộng đồng.

Ðối với cấp trung học cơ sở, giáo dục học sinh hình thành thái độ và ý thức đúng đắn về lao động, nghề nghiệp, việc làm, hướng dẫn học sinh khám phá khả năng, sở thích và nguyện vọng nghề nghiệp của bản thân. Rèn luyện, bồi dưỡng cho học sinh các kỹ năng thiết yếu về nghề nghiệp, việc làm như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng khám phá bản thân. Ở cấp học này, nhà trường có trách nhiệm tạo môi trường cho học sinh làm quen, trải nghiệm thực tế một số nghề cơ bản phù hợp với điều kiện của nhà trường.

Ðối với cấp trung học phổ thông, giáo dục học sinh hình thành phẩm chất, năng lực cốt lõi nâng cao khả năng, sở thích và nguyện vọng nghề nghiệp đã xác định. Hướng dẫn học sinh khai thác hệ thống thông tin về các cơ sở giáo dục đại học, chương trình đào tạo điều kiện, tiêu chuẩn và cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Cung cấp cho học sinh thông tin và xu hướng phát triển của các ngành, nghề trong xã hội. Rèn luyện, bồi dưỡng cho học sinh kiến thức, kỹ năng thiết yếu phù hợp với nhóm ngành nghề đã lựa chọn gồm kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng tự học. Cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm cho học sinh, tổ chức cho học sinh tìm hiểu, trải nghiệm thực tế đối với nhóm ngành, nghề, việc làm tương ứng với nguyện vọng nghề nghiệp, việc làm phù hợp với điều kiện của nhà trường.

Ðối với cơ sở giáo dục đại học, cung cấp cho sinh viên thông tin về việc làm, thông tin tuyển dụng, yêu cầu về kỹ năng, thái độ của các nhóm ngành nghề và của đơn vị sử dụng lao động. Thông tin về nhu cầu thị trường lao động liên quan đến ngành đào tạo. Tư vấn phương pháp học tập, nội dung, đặc điểm của ngành và trình độ đang được đào tạo. Ðào tạo, bồi dưỡng cho sinh viên kỹ năng thiết yếu để hình thành thái độ học tập, làm việc phù hợp theo các nhóm kỹ năng chính: Nhóm kỹ năng nhận thức, nhóm kỹ năng xã hội, nhóm kỹ năng quản lý bản thân, nhóm kỹ năng nghề nghiệp, việc làm. Cơ sở đào tạo có trách nhiệm hỗ trợ sinh viên thực hành, thực tập tại các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Khảo sát, thống kê về việc làm của người học sau khi tốt nghiệp. Ðánh giá nhu cầu nguồn nhân lực đối với ngành, nghề mà nhà trường đào tạo và thông tin phản hồi của đơn vị sử dụng lao động về chất lượng, khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của người học sau khi tốt nghiệp.

Về hình thức triển khai, cấp tiểu học tích hợp, lồng ghép vào các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Tổ chức cho học sinh tìm hiểu nghề nghiệp, việc làm hiện có ở Việt Nam và trên thế giới thông qua các tài liệu giáo dục hướng nghiệp. Tổ chức cho học sinh tìm hiểu về các nhóm nghề nghiệp, việc làm tại cộng đồng tối thiểu 1 lần/năm học. Tổ chức tư vấn, đánh giá năng khiếu của học sinh thông qua quá trình học tập, rèn luyện và các bài kiểm tra, đánh giá năng lực.

Cấp trung học cơ sở tích hợp, lồng ghép vào các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở. Tổ chức cho học sinh tìm hiểu nghề nghiệp, việc làm hiện có ở Việt Nam và trên thế giới thông qua các tài liệu giáo dục hướng nghiệp. Tổ chức cho học sinh tìm hiểu về các nhóm nghề nghiệp, việc làm tại cộng đồng tối thiểu 1 lần/năm học. Tổ chức tư vấn cho học sinh khám phá năng lực bản thân; hướng dẫn học sinh phát triển năng khiếu, năng lực nghề nghiệp thông qua các bài kiểm tra, đánh giá năng lực. Tổ chức bồi dưỡng, rèn luyện kiến thức, kỹ năng về nghề nghiệp, việc làm cho học sinh thông qua các câu lạc bộ, các hoạt động ngoài giờ chính khoá, hoạt động phối hợp với các đối tác. Tổ chức hội chợ giới thiệu ngành nghề, thông tin việc làm, doanh nghiệp, thị trường lao động cho học sinh, tối thiểu 1 lần trong năm học.

Ðối với cấp trung học phổ thông, tích hợp, lồng ghép vào các môn học chính khoá và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông. Tổ chức cho học sinh tìm hiểu những yêu cầu về phẩm chất, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ đối với các ngành nghề, việc làm hiện có ở Việt Nam và trên thế giới thông qua các tài liệu giáo dục hướng nghiệp. Tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm thực tế việc làm, tham gia các hoạt động xã hội tối thiểu 2 lần/năm học. Tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, việc làm cho học sinh lớp 12, tối thiểu 1 lần trong năm học.

Ðối với cơ sở giáo dục đại học, tích hợp thông tin tuyển dụng của các đơn vị sử dụng lao động, thông tin về nhu cầu thị trường lao động liên quan đến ngành, trình độ đào tạo trên hệ thống thông tin hỗ trợ sinh viên. Tổ chức hoạt động hội thảo, hội nghị, diễn đàn cho sinh viên, tối thiểu 1 lần/năm học. Tổ chức ngày hội việc làm, tuyển dụng cho sinh viên năm cuối, tối thiểu 1 lần/trong năm học. Tổ chức rèn luyện kỹ năng tìm việc làm cho sinh viên thông qua hoạt động tư vấn, các câu lạc bộ hướng nghiệp, việc làm và các hoạt động ngoại khoá. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho sinh viên thông qua hình thức sinh hoạt câu lạc bộ, các hoạt động ngoại khoá và hoạt động đào tạo, thực hành, thực tập tại doanh nghiệp, hoạt động phối hợp với các đối tác.

 Cơ sở giáo dục phổ thông bố trí giáo viên kiêm nhiệm để triển khai công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm cho học sinh. Giáo viên kiêm nhiệm công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm chủ trì tham mưu hiệu trưởng nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai công tác công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm của nhà trường. Phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Giáo viên kiêm nhiệm công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm được hưởng các chính sách theo quy định của pháp luật, theo quy chế chi tiêu nội bộ của trường học; được bồi dưỡng, tập huấn theo quy định.

Ðối với các cơ sở giáo dục đại học, thành lập mới hoặc kiện toàn đơn vị/bộ phận thực hiện công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm cho sinh viên. Bố trí nhân sự có kinh nghiệm, năng động, tâm huyết; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ phụ trách công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm. Biên soạn, thẩm định và cung cấp cho sinh viên các tài liệu, chương trình bồi dưỡng về ngành, nghề đào tạo của nhà trường; bồi dưỡng các kỹ năng nghề nghiệp, việc làm cho sinh viên.

Ngày 11.11.2020 là thời hạn cuối để các địa phương gửi ý kiến đóng góp về Bộ GD&ÐT.

Ð.V.T

Tin liên quan