Đọc báo in
Tải ứng dụng
Hãy bắt đầu từ ý thức chấp hành Luật Giao thông cho trẻ em
2012-05-24 05:45:00

Vấn đề tai nạn giao thông lâu này đã và đang là nỗi bức xúc của toàn xã hội. Trong đó ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông.

Vấn đề tai nạn giao thông lâu này đã và đang là nỗi bức xúc của toàn xã hội. Trong đó ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông. Dù là vô ý, hay cố ý không chấp hành những quy định của pháp luật khi lưu thông trên đường đều có thể gây ra tai nạn. Hẳn là tình trạng ý thức tham gia giao thông của người dân Việt Nam còn thấp thì ai cũng biết. Khi đi trên đường, chúng ta dễ dàng bắt gặp những hình ảnh như mạnh ai người nấy chạy, phóng nhanh, vượt ẩu, người đi bộ sang đường bất kể xe cộ, phương tiện quay đầu xe vô tội vạ, bất chấp các quy định, kể cả an toàn tính mạng của chính mình…

Một quy định của Luật Giao thông hết sức đơn giản mà ai cũng biết khi lưu thông giao thông trên đường đó là vấn đề chấp hành tín hiệu đèn giao thông tại những giao lộ. Tín hiệu đèn vàng thì người điều khiển phương tiện giao thông phải giảm tốc độ, tín hiệu đèn xanh thì được phép lưu thông, tín hiệu đèn đỏ thì phải dừng lại. Nhưng thường thì người điều khiển phương tiện giao thông hay làm ngược lại, khi đèn vàng thì tranh thủ phóng nhanh sợ chuyển sang đèn đỏ, còn đèn đỏ thì lại vượt… Rõ ràng chỉ một quy định hết sức đơn giản, dễ thực hiện nhưng vẫn còn nhiều người cứ phớt lờ như không hiểu gì cả.

Rất nhiều hình ảnh trẻ em không đội mũ mỗi khi tan trường

Trong một buồi chiều đi làm về trên đoạn đường Nguyễn Thái Học ở thị xã Tây Ninh, tình cờ tôi bắt gặp hai hình ảnh mà làm tôi phải suy nghĩ. Hình ảnh thứ nhất, tại ngã tư đường Hoàng Lê Kha và Nguyễn Thái Học, khi đèn tín hiệu giao thông báo hiệu đèn đỏ, thì một ông bố chở sau một đứa trẻ mặc đồng phục của một trường tiểu học vượt lên, hai bố con cười thích thú… trước sự chứng kiến của mọi người. Với hành vi này, đứa trẻ sẽ hiểu rằng “vượt đèn đỏ là một thành tích” là việc có thể làm; trong khi hành vi của người lớn đã hoàn toàn trái ngược với những gì cô giáo dạy trong trường về việc chấp hành tín hiệu đèn giao thông… Lưu thông tiếp một đoạn đến khu vực ngã tư Ao Hồ, giao lộ Nguyễn Thái Học và Lạc Long Quân, khu vực giáp ranh giữa Thị xã và huyện Hoà Thành, gặp tín hiệu đèn đỏ, mọi người lưu thông trên đường dừng lại, trong dòng người có một phụ nữ chở đứa trẻ phía sau cũng mặc đồng phục của một trường tiểu học dừng lại. Đứa trẻ liền hỏi mẹ sao mẹ không vượt đèn đỏ, hôm trước ba vẫn chạy qua mà? Nghe đứa trẻ nói như thế, người phụ nữ giải thích rằng ba làm như thế là không đúng, phải chấp hành đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ, cũng giống như cô giáo hôm trước đã từng dạy con rằng, khi điều khiển giao thông gặp đèn vàng thì giảm tốc độ chậm lại, đèn đỏ thì phải dừng lại, đèn xanh thì mới được phép lưu thông… Hai hình ảnh giáo dục trẻ em chấp hành Luật Giao thông hoàn toàn trái ngược nhau.

Trong dòng người hối hả của buổi chiều đi làm về, tôi lại tiếp tục bắt gặp trong những giờ tan học tại những trường tiểu học trong khu vực nội thị, đó là nhiều hình ảnh trẻ em không đội nón bảo hiểm khi ngồi trên xe gắn máy, mô tô. Những hình ảnh này làm tôi lại nhớ lại một thông tin trên một tờ báo đã đưa là Bộ Giao thông -Vận tải phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và Quỹ Phòng, chống thương vong châu Á vừa tổ chức lễ tổng kết hoạt động năm 2011 và phát động tuyên truyền năm 2012 về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em. Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giao thông -Vận tải đã kêu gọi hợp tác nhằm nâng cao tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em trong Năm An toàn giao thông 2012. Song những hình ảnh trẻ em không đội nón bảo hiểm ở tỉnh ta còn nhiều quá, hầu như rất ít trẻ em đội nón bảo hiểm.

Mặc dù, Luật Giao thông đường bộ đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2008; bên cạnh đó Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ cũng có quy định về việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em nhưng thực tế do nhận thức và ý thức trách nhiệm của cha mẹ còn thấp, đã không giáo dục và rèn luyện thói quen sử dụng bảo hiểm cho trẻ em. Bởi nhiều bậc phụ huynh cho rằng sử dụng mũ bảo hiểm cho trẻ em là rất bất tiện, thậm chí ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của con mình (?!). Nhận thức như thế là hoàn toàn sai lầm, bởi người lớn cần mũ bảo hiểm thì trẻ em càng phải được bảo vệ như thế, vì cơ thể trẻ em vốn rất yếu ớt so với người lớn.

Những hình ảnh tình cờ tôi bắt gặp trên đường, là những cách cư xử khác nhau của ông bố và bà mẹ, dù rất đơn giản, nhỏ nhặt nhưng đã ươm mầm cho việc hình thành ý thức và những hành vi giao thông khác nhau của những đứa trẻ. Hy vọng người lớn sẽ mẫu mực trong việc chấp hành những quy định như điều khiển phương tiện giao thông theo đúng tín hiệu đèn giao thông. Thể hiện thái độ nghiêm túc hơn là cho trẻ có thói quen sử dụng nón bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật, không nên có nhận thức đội mũ bảo hiểm cho trẻ em chỉ để “đối phó” với cảnh sát giao thông, mà đó là việc làm để đảm bảo an toàn cho chính con em của mình và hình thành cho trẻ ý thức giao thông đúng đắn. Đó chính là trách nhiệm của người lớn, hãy giúp con em của mình có ý thức chấp hành Luật Giao thông ngay từ khi chúng còn bé, đang hình thành ý thức, nhân cách. Mỗi bậc phụ huynh hãy gương mẫu, là tấm gương thật sự về ý thức giao thông cho trẻ em mỗi khi lưu thông trên đường. Bởi thực trạng về giao thông cũng phản ánh sự văn minh của xã hội, và mỗi người hãy có ý thức nhiều hơn nữa góp phần tạo nên sự trật tự an toàn khi lưu thông trên đường. Làm được như vậy, sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông, bảo vệ được tính mạng của mình và của người khác.

Mai Tuấn Kiệt

Từ khóa:
Tin liên quan