Đọc báo in
Tải ứng dụng
Huyện Châu Thành: Khách sang sông không mặc áo phao
2012-09-05 05:09:00

Hơn một tháng sau khi thông tư của Bộ GT-VT ban hành, chúng tôi đi tìm hiểu thực tế ở 4 bến đò ngang của huyện Châu Thành. Kết quả thật bất ngờ: Tất cả các bến đò ngang sông Vàm Cỏ Đông của huyện này đều không chấp hành quy định về việc mặc áo phao.

(BTN)- Theo quy định mới của Bộ Giao thông -Vận tải (GT-VT), bắt đầu từ ngày 15.7.2012, chủ phương tiện vận tải hành khách ngang sông phải có trách nhiệm trang bị áo phao, dụng cụ nổi cá nhân và phải bảo đảm đầy đủ về số lượng, chất lượng. Chủ phương tiện, thuyền viên, người lái chở khách ngang sông phải có trách nhiệm từ chối chuyên chở đối với những hành khách không mặc áo phao hoặc không sử dụng công cụ nổi cá nhân theo hướng dẫn. Đồng thời, chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông khi hành khách không mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi. Thanh tra giao thông và chính quyền địa phương phải thường xuyên kiểm tra, đình chỉ phương tiện không trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi cá nhân.

Hơn một tháng sau khi thông tư của Bộ GT-VT ban hành, chúng tôi đi tìm hiểu thực tế ở 4 bến đò ngang của huyện Châu Thành. Kết quả thật bất ngờ: Tất cả các bến đò ngang sông Vàm Cỏ Đông của huyện này đều không chấp hành quy định về việc mặc áo phao.

Khách sang phà Cây Ổi không hề được nhắc nhở phải mặc áo phao

Tại bến đò Cây Sao, từ ấp Phước Trung (xã Phước Vinh) sang ấp Tân Định, xã Biên Giới (cùng huyện Châu Thành), có một chiếc “trẹt” bằng gỗ mang biển số TN 0352 thường xuyên đưa khách qua lại. Trên chiếc “trẹt” này, từ hành khách cho đến người điều khiển phương tiện, đều không ai mặc áo phao. Khi chúng tôi hỏi vì sao không ai mặc áo khi sang sông? ông Đào Ngọc Vân - chủ “trẹt” và là người điều khiển phương tiện ấp úng trả lời: “Có nhắc nhở, nhưng không ai chịu mặc”. Mặc dù ông Vân nói vậy, nhưng quan sát thực tế chúng tôi thấy trên chiếc “trẹt” chỉ có duy nhất một cái áo phao cũ kỹ để ở phía sau. Cạnh đó cũng có một số áo phao khác, nhưng tất cả đều bị… nhét trong bao tải. Điều đó cho thấy các áo phao này ít khi được lấy ra. Như vậy thì làm sao hành khách có thể mặc được?

Xuôi về phía hạ lưu sông Vàm Cỏ Đông, chúng tôi đến bến đò Bực Lở. Bến đò này đưa khách từ ấp Phước Lộc (xã Phước Vinh) sang ấp Rạch Tre (xã Biên Giới) và ngược lại. Trên bến đò có treo bảng nội quy rất nghiêm túc: “Xuống đò, quý khách phải mặc áo phao theo đúng quy định”. Thế nhưng, thực tế lại không phải như vậy. Khi chúng tôi có mặt ở đây thì thấy trên chiếc “trẹt”, chiều ngang 2,4 mét, dài 6 mét chở một xe mô tô, một người đàn ông và hai trẻ em, nhưng tất cả những người trên phương tiện giao thông này đều “phong phanh áo vải”. Có một vài cái áo phao tả tơi, bạc màu treo lủng lẳng trên thành đò, nhưng không đụng tới. Anh Trần Minh Tân, chủ đò phân trần: “Áo phao bị hư hết rồi. Chúng tôi đã đề nghị Sở GT-VT cấp áo mới, nhưng cả tháng nay chưa có”.

Cách bến đò Bực Lở một đoạn là bến đò Băng Dung. Bến đò này cũng đưa khách qua lại dòng sông, từ ấp Phước Lộc sang ấp Rạch Tre. Khi chiếc đò mang biển số TN 0128, rời bến từ phía ấp Rạch Tre đưa khách qua ấp Phước Lộc, trên đò không ai mặc áo phao. Đi được một đoạn, nhìn thấy bên bờ ấp Phước Lộc có nhiều người đưa máy quay phim, máy ảnh lên ghi hình, người điều khiển phương tiện mới cho đò chạy chậm lại và hối thúc hành khách mặc áo phao vào. Tuy nhiên, có lẽ do quá bối rối nên… chính bản thân người lái đò quên mặc áo phao. Đò cập bến, chờ cho hành khách lên bờ hết, chúng tôi hỏi về việc thực hiện quy định mới của Bộ G-TVT, anh Nguyễn Văn Hên - chủ đò trả lời là có biết quy định này, nhưng hành khách không ai chịu mặc áo phao, còn bản thân anh thì trả lời tỉnh bơ: “Chủ đò mà mặc làm chi?”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Phước Vinh Đỗ Trọng Vân cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo Công an xã và các bộ phận chuyên môn thường xuyên nhắc nhở ba bến đò này thực hiện quy định an toàn khi hành nghề đưa khách sang sông theo quy định của Bộ GT-VT. Tuy nhiên, hiện nay các bến phà vẫn còn hạn chế là chưa trang bị đủ áo phao cho bà con. Chúng tôi đề nghị Cảnh sát giao thông đường thuỷ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở ba bến đò Cây Sao, Băng Dung, Bực Lở. Nếu các bến đò này không chấp hành quy định mặc áo phao thì xử lý thật nghiêm”.

Quy mô nhất ở thượng nguồn dòng sông Vàm Cỏ Đông là bến phà Cây Ổi. Hằng ngày, bến phà này có hằng trăm lượt khách từ ấp Cây Ổi (xã Hoà Thạnh) sang các xã Phước Vinh (huyện Châu Thành), Hoà Hiệp (huyện Tân Biên) và ngược lại. Mặc dù có lượng khách khá đông như vậy, nhưng trên chiếc phà này chỉ nhắc nhở hành khác mặc áo phao khi có đoàn kiểm tra hoặc phóng viên tác nghiệp. Mới đây, khi chúng tôi đi trên chuyến phà này thì không hề được người điều khiển phương tiện nhắc nhở mặc áo phao hoặc sử dụng công cụ nổi cá nhân theo quy định. Tất cả hành khách cùng đi cũng không ai đụng đến áo phao. Đến chuyến sang sông kế tiếp, khi thấy chúng tôi đưa máy quay phim, chụp ảnh lên, người điều khiển phà mới nhắc nhở hành khách mặc áo phao vào và mọi người đều răm rắp chấp hành. Điều này cho thấy không phải hành khách không mặc áo phao mà hoàn toàn vì người điều khiển phương tiện không tuyên truyền, nhắc nhở. Chủ phà Cây Ổi- Nguyễn Văn Oanh tỏ thái độ bực dọc khi thấy chúng tôi ghi hình tại bến phà. Trả lời về việc thực hiện quy định mới của Bộ GT-VT, ông Oanh đổ cho hành khách: “Tôi có nhắc nhở hành khách mặc áo phao, nhưng không ai thực hiện”.

Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Thạnh Nguyễn Thị An cho biết: “Thời gian qua chúng tôi đã hai lần tổ chức kiểm tra hoạt động của bến phà này. Lần thứ nhất, trên phà có 25 áo phao theo quy định, nhưng không có phao cứu sinh. Lần hai có đủ áo phao và phao cứu sinh như cả hai lần đều không có ai mặc áo phao khi sang sông, kể cả người lái phà. Đến tháng 11 năm nay là hết hợp đồng, nếu chủ phà không thực hiện đúng quy định, chúng tôi sẽ cắt hợp đồng”.

Hiện nay đang là mùa mưa bão. Nước sông dâng cao. Sông Vàm Cỏ Đông trở nên sâu và rộng hơn. Điều đó khiến cho mức độ nguy hiểm trên sông Vàm càng tăng lên. Thế nhưng, trên thực tế, người điều khiển các chuyến đò, phà ở thượng nguồn dòng sông này vẫn chưa có ý thức chấp hành nghiêm những quy định của Bộ GT-VT. Đây là vấn đề chính quyền địa phương và ngành chức năng cần xem xét, chấn chỉnh.

Trường Sơn

Từ khóa:
Tin liên quan