Đọc báo in
Tải ứng dụng
Kết hợp du lịch, nâng tầm giá trị nông thôn
2024-09-21 06:59:10

Với việc kết hợp du lịch, nhiều khu vực nông thôn ở Tây Ninh dần được nâng tầm, từ đó thay đổi bộ mặt nhiều điểm vùng sâu, vùng xa, biên giới, góp phần kích thích, khai thác tiềm năng du lịch địa phương.

Tận dụng thế mạnh của tỉnh thuần nông, Tây Ninh đang triển khai Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025, hướng đến đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế nông nghiệp, làng nghề, văn hoá và môi trường sinh thái của các địa phương; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Trồng đậu phộng tại huyện Dương Minh Châu.

Những năm gần đây, nhiều mô hình nông nghiệp độc đáo kết hợp với du lịch trở thành điểm nhấn ấn tượng ở các vùng nông thôn. Trong số đó, vườn dâu tằm hữu cơ của gia đình anh Nguyễn Thanh Vũ, kỹ sư nông nghiệp tại ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu đã và đang trở thành điểm đến tham quan, trải nghiệm độc đáo của các đoàn du khách đến Tây Ninh.

Đoàn du khách tại vườn dâu tằm.

Anh Vũ đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng đồng thời kết hợp du lịch, biến mảnh đất nông nghiệp bình thường ở một huyện biên giới thành điểm tham quan độc đáo dành cho các đoàn du lịch lữ hành trong và ngoài tỉnh. Ở đây, du khách được trải nghiệm hái dâu tằm chín mọng, thưởng thức nước dâu tằm nguyên chất ngọt lịm, nghe kỹ sư nông nghiệp chia sẻ về cách anh đã trồng nên vườn dâu hữu cơ theo quy chuẩn Nhật Bản…

Anh Nguyễn Thanh Vũ- chủ vườn dâu tằm có tên Ba Phong ở huyện biên giới Tân Châu giới thiệu về mô hình vườn dâu hữu cơ trồng theo tiêu chuẩn Nhật Bản.

Ngoài ra, Tây Ninh còn có những vườn nho, táo, dưa lưới, cà chua, khóm (thơm) vô cùng ấn tượng.

Theo kế hoạch của tỉnh Tây Ninh, mục tiêu đến năm 2025, trên địa bàn tỉnh có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hoá, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận, số hoá và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.

Tưới nước cho vườn thơm ở huyện Bến Cầu.

Người dân xâu thuốc lá vàng ở xã Hảo Đước, huyện Châu Thành.

Ngoài ra, phấn đấu mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc thù trên địa bàn huyện; xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh; ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch...

Tận dụng tốt tiềm năng, người dân Tây Ninh có thể đạt được lợi ích kép từ nông nghiệp và du lịch.

Những mục tiêu này đang dần thành hiện thực. Đặc biệt, nếu người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý tận dụng và phát huy tốt hơn nữa những tiềm năng, lợi thế hiện hữu cùng tư duy thay đổi sẽ càng có thêm nhiều điểm đến ấn tượng và bền vững hơn trong tương lai.

Tường Linh

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh