Đọc báo in
Tải ứng dụng
Khảo sát, đánh giá hoạt động các thiết chế văn hoá tại Dương Minh Châu
2022-01-09 16:15:38

Ngày 7.1, Đoàn khảo sát, đánh giá hoạt động các thiết chế văn hoá cơ sở cấp xã, ấp do ông Nguyễn Nam Giang- Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại huyện Dương Minh Châu.

Quang cảnh buổi làm việc.

Đến nay, toàn huyện có 41 thiết chế gồm: 1 trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh huyện; 11 Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng xã, thị trấn; 28 nhà văn hoá ấp, liên ấp và 01 nhà văn hoá người Tà-mun.

Thông qua chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, hệ thống thiết chế văn hoá cơ sở được đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn theo quy định. Chất lượng hoạt động Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Học tập cộng đồng các xã, thị trấn; Nhà Văn hoá ấp, nhà văn hoá người Tà Mun từng bước được nâng cao; các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì, phát triển. Nhiều câu lạc bộ được hình thành, như: bóng đá, bóng chuyền, đờn ca tài tử, dưỡng sinh, khiêu vũ... Nhờ đó số lượt người đến tham gia các hoạt động ngày càng tăng.

Tuy nhiên, việc sử dụng và quản lý các thiết chế văn hoá thể thao tại địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn hạn chế như: trang thiết bị, cơ sở vật chất tại các trung tâm còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế cho hoạt động; không có công trình phụ; nhiều trung tâm đã xuống cấp; một số trung tâm nằm ở vị trí không thuận lợi nên khó thực hiện các hoạt động, kêu gọi đầu tư; hoạt động của các trung tâm văn hoá, nhà văn hoá vẫn chưa thường xuyên, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay…

Kết luận buổi giám sát, ông Nguyễn Nam Giang đề nghị lãnh đạo huyện cần quan tâm đến các nội dung liên quan đến các thiết chế văn hoá tại địa phương bao gồm: bộ máy, phương thức hoạt động, cơ sở vật chất và quy chế hoạt động tại các trung tâm văn hoá, sinh hoạt học tập cộng đồng.

Huyện cần rà soát quỹ đất và quy hoạch, tập trung các nguồn lực bảo đảm diện tích đất xây dựng trung tâm văn hoá, nhà văn hoá, tránh để các ấp phải sinh hoạt ghép hoặc hoạt động nhà văn hoá liên ấp… Các khu vui chơi trẻ em, khu vực học tập, sinh hoạt có thể xã hội hoá, lồng ghép các hoạt động kinh doanh để có nguồn kinh phí hoạt động.

Riêng về nhà văn hoá người Tà-mun cần tập trung nguồn lục hỗ trợ, nghiên cứu và có chính sách ưu tiên dân tộc, đảm bảo các hoạt động học tập; giữ gìn bản sắc, văn hoá, phong tục tập quán vốn có của đồng bào dân tộc.

K.K

Tin liên quan