Đọc báo in
Tải ứng dụng
Kỳ 2: Doanh nghiệp trông xăng dầu giảm giá, công nhân chờ tăng lương
2022-07-01 23:59:05

Giá xăng dầu tiếp tục tăng lên một ngưỡng mới kéo theo hệ luỵ là nguyên liệu đầu vào, dịch vụ logistics đều tăng khiến doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, phải cố gắng cân đối, giảm bớt chi phí để duy trì sản xuất.

Người dân mua sắm hàng bình ổn giá trong siêu thị Co.opMart Tây Ninh.

Chi phí sản xuất tăng cao

Giá xăng dầu có tác động rất lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN trên các lĩnh vực, bởi giá các mặt hàng, dịch vụ, cước phí sẽ tăng theo. Phải dừng hoạt động trong thời gian dài vì ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang trên đà phục hồi thì lại gặp khó vì xăng, dầu tăng giá kỷ lục. Tính đến chiều 1.7, mỗi lít RON 95-III có giá 32.500 đồng; dầu diesel- nhiên liệu sử dụng nhiều nhất trong vận tải- ở mức 30.010 đồng 1 lít, tăng 20%.

Theo đại diện một đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tại huyện Tân Châu, ước tính chi phí xăng, dầu cho mỗi chuyến xe chạy tuyến Tây Ninh - TP. Hồ Chí Minh khoảng 1 triệu đồng, chưa kể các chi phí vận hành. Tức là trung bình, tiền nhiên liệu chiếm trên 50% chi phí vận hành cho mỗi chuyến xe của hãng, chưa tính đến phần khấu hao tài sản.

Trước tình hình giá xăng dầu tăng quá cao, theo tính toán, giá vé phải tăng khoảng 20%-30% mới đủ bù chi phí. Trong bối cảnh cạnh tranh và chia sẻ khó khăn với hành khách, việc tăng giá ngay lập tức là chưa thể. Do đó, trong một số thời điểm ít khách, doanh nghiệp thực hiện phương án dồn chuyến, dồn khách để tiết giảm chi phí.

Không riêng doanh nghiệp vận tải, nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất tại các khu công nghiệp cũng đang đau đầu với bài toán cân đối chi phí đầu vào và lợi nhuận để có dư, thực hiện tăng lương cho người lao động theo quy định từ ngày 1.7.

Theo một doanh nghiệp chuyên sản xuất và gia công các mặt hàng thể thao tại Khu công nghiệp Phước Đông, giá nhiên liệu tăng đồng nghĩa với chi phí sản xuất tăng theo, nhưng đơn giá các đơn hàng không được tăng lên mà phải thực hiện theo hợp đồng trước đó.

Hiện doanh nghiệp đang trông đợi chính sách của Chính phủ hạ nhiệt giá xăng dầu, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này, tiếp tục khôi phục, phát triển sản xuất. Nếu chậm hạ giá xăng dầu, các loại hàng hoá, dịch vụ sẽ thiết lập mặt bằng giá mới theo đà tăng của giá nhiên liệu.

Người lao động “trông chờ” tăng lương

Đề xuất tăng lương của Hội đồng Tiền lương quốc gia vừa được Chính phủ thông qua. Sau hơn hai năm giữ nguyên, từ 1.7, mức lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh tăng thêm 6%, tương đương mức tăng từ 180.000 đồng đến 260.000 đồng/tháng, tuỳ vùng.

Mặc dù Hội đồng Tiền lương đã thông qua phương án điều chỉnh lương, song đến nay, nhiều cán bộ Công đoàn, công nhân rất lo lắng vì doanh nghiệp vẫn chưa có thông báo chính thức về việc sẽ nâng lương theo lộ trình.

Chị Nguyễn Thị Vân- công nhân tại Khu công nghiệp Phước Đông cho biết, mới đây, chị được thông báo là doanh nghiệp chưa có kế hoạch tăng lương từ ngày 1.7, vì mức lương tối thiểu của người lao động tại công ty đã cao hơn mức lương tối thiểu vùng của Nhà nước. “Mức lương hiện tại không đủ để trang trải cuộc sống, nên nếu doanh nghiệp không tăng lương, tôi sẽ cân nhắc chuyển sang chỗ khác có thu nhập cao hơn”- chị Vân nói.

Theo cán bộ Công đoàn của một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Trảng Bàng, từ cuối năm 2021 đến nay, đời sống công nhân, người lao động rất khó khăn do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 vừa qua và vật giá leo thang nên họ đều trông chờ được tăng lương để cải thiện phần nào đời sống.

Công đoàn đã họp, thảo luận với lãnh đạo doanh nghiệp về vấn đề tăng lương cho người lao động. Tuy nhiên, tình hình sản xuất của doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, các đơn hàng từ đầu năm 2022 đến nay đều được gia hạn theo giá cũ do đã ký hợp đồng từ trước. Các bộ phận kinh doanh của doanh nghiệp đang tìm cách thương thảo với đối tác để bảo đảm lợi nhuận, có nguồn tăng lương cho người lao động.

Nỗ lực bình ổn giá cả mặt hàng tiêu dùng thiết yếu

Giữa lúc nhiều hàng hoá thiết yếu tăng theo đà tăng của giá xăng dầu, Saigon Co.op - đơn vị quản lý hơn 100 siêu thị trên toàn quốc và hệ thống siêu thị khắp các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh vẫn đang có nhiều chương trình khuyến mãi cho các sản phẩm do đơn vị phân phối đến tay người tiêu dùng, bảo đảm mức giá bình ổn, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng.

Ông Trần Thanh Thiên- Phó Giám đốc siêu thị Co.opMart Tây Ninh cho biết, trước áp lực tăng giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thời gian gần đây, việc tăng giá các sản phẩm thuộc nhiều ngành hàng là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, phía Saigon Co.op đã làm việc với nhà cung cấp để giảm nhịp điều chỉnh giá, giữ giá bình ổn và duy trì lượng hàng ổn định trong khoảng thời gian nhất định sắp tới nhằm chia sẻ áp lực với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các hệ thống siêu thị của Saigon Co.op cũng liên tục phối hợp với nhà cung cấp thực hiện khuyến mãi diện rộng, phủ đều tất cả các ngành hàng.

Theo ông Thiên, nhân Ngày Quốc tế Hợp tác xã năm 2022, từ 30.6 đến 13.7, toàn hệ thống siêu thị Co.opMart thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá hấp dẫn như: chương trình “Gắn bó thân thiết - ưu đãi gia tăng” áp dụng với các sản phẩm thực phẩm công nghệ, hoá phẩm, may mặc và đồ dùng sẽ giảm giá lên đến 35% dành cho thành viên; chương trình “Mừng Quốc tế Hợp tác xã - Săn deal thật đã” giảm từ 28.000 đồng chỉ còn 0 đồng cho một số sản phẩm OCOP và thực phẩm công nghệ, một số sản phẩm giảm giá sâu khi mua sản phẩm thứ 2 cùng loại; chương trình khuyến mãi “Size to giá hời” áp dụng cho các sản phẩm hoá phẩm; chương trình “Đồng giá kỷ lục” với các mức đồng giá 9.000 đồng, 99.000 đồng, 199.000 đồng... Trong đó, mức đồng giá 99.000 đồng áp dụng cho các sản phẩm mang nhãn hiệu Co.op Select (sản phẩm do Saigon Co.op hợp tác với doanh nghiệp nổi tiếng sản xuất).

Minh Dương

Tin liên quan