Đọc báo in
Tải ứng dụng
Làn đường nào dành cho người đi bộ?
2012-06-17 06:42:00

Theo quy định của ngành Giao thông, khi xây dựng các tuyến đường đều phải có lề đường. Lề đường không những là hành lang bảo vệ con đường, mà còn là nơi đi lại an toàn cho người đi bộ khi tham gia giao thông. Thực tế thì sao?

(BTN)- Cùng với sự phát triển của đất nước, Tây Ninh đang phấn đấu vươn lên bằng chính đôi tay, khối óc và tài nguyên sẵn có của mình. Tiến độ phát triển kinh tế xã hội đi đôi với xây dựng cơ sở hạ tầng đang từng bước hoàn thiện, trong đó có giao thông đường bộ. Tuy nhiên khi xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông, có vẻ như ngành chuyên môn chưa quan tâm đúng mức đến việc tham gia giao thông của người đi bộ. Như vậy người đi bộ phải đi ở làn đường nào, vừa đảm bảo đúng quy định vừa không để xảy ra tai nạn giao thông?

Theo quy định của ngành Giao thông, khi xây dựng các tuyến đường đều phải có lề đường. Lề đường không những là hành lang bảo vệ con đường, mà còn là nơi đi lại an toàn cho người đi bộ khi tham gia giao thông. Thế nhưng, khi nâng cấp, mở rộng các tuyến đường phục vụ phát triển của xã hội, các nhà thiết kế ít khi nhớ đến việc “dành phần” cho người đi bộ. Thật ra, phần nhiều các con đường đi qua thị xã, thị trấn, cũng có vỉa hè cho người đi bộ. Nhưng những tuyến đường khác (kể cả quốc lộ) hiếm hoi lắm mới gặp được tuyến đường có thi công lề đường dành cho người đi bộ. Trong khi đó luật pháp có quy định đầy đủ: Điều 30 Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) quy định: “Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường”. Điều 12 Luật GTĐB quy định xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40.000 đến 60.000 đồng đối với các hành vi vi phạm sau: 1-  Không đi đúng phần đường quy định…”

Đoạn đi qua ấp Hiệp Trường, đơn vị thi công lấy đất lề đường thành những hố sâu ngăn cách ruộng và quốc lộ

Thực tế cho thấy, từ quốc lộ 22B đến các tỉnh lộ trong tỉnh, hầu hết đều không có làn đường dành cho người đi bộ. Mặc dù luật cũng đã quy định: “…trường hợp không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường”. Nhưng đi sát mép đường là đi như thế nào, khi hai bên đường nhựa cỏ mọc um tùm, có nơi cao 0,5m? Vì vậy người đi bộ phải đi trên làn đường dành cho xe máy và thế là tai nạn xảy ra. Một vài ví dụ cụ thể, trưa ngày 1.6.2012, gần ngã tư ấp Hiệp Trường, xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành, chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (là dân địa phương) đang đứng bán chè cho khách hàng sát mép đường (thuộc quốc lộ 22B) bị một xe mô tô chạy cùng chiều đụng phải, tai nạn tuy chưa thiệt về người nhưng chị Huyền phải nằm bệnh viện 4 ngày và hiện nay vẫn chưa đi bán lại được. Rạng sáng ngày 3.6.2012, hai anh Lê Văn Sáng và Nguyễn Thanh Tùng đi bộ tập thể dục buổi sáng (cũng trên quốc lộ 22B), từ hướng Trường Chính trị về ấp Hiệp Trường, đến trước Trường THCS Trưng Vương cũ (hiện đang xây dựng Trường Mầm non Hiệp Tân) bất ngờ bị xe đụng phải, hai anh bị choáng, mất phương hướng nên chẳng biết xe gì đụng mình, vì xe gây tai nạn đã bỏ chạy mất. Tai nạn khiến cho anh Lê Văn Sáng gãy 2 xương quai xanh, đầu may 4 mũi, mình mẩy xây xát, phải nằm điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Anh Nguyễn Thanh Tùng nhẹ hơn nhưng tinh thần hoảng loạn không nhớ được gì, sau 4 ngày điều trị anh Tùng mới dần dần nhớ lại là do xe ô tô tránh đường cho xe container đụng phải.

Ông Ngô Văn Khương, nông dân làm ruộng tại ấp Hiệp Trường vẫn chưa quên, trước đây khi chưa nâng cấp, quốc lộ 22B cũng có lề đường rộng gần 4m. Khi nâng cấp quốc lộ 22B, đơn vị thi công móc lấy đất ngay tại lề đường xuống sâu hơn mặt ruộng, lề đường chỉ còn lại chưa đầy 1m, nơi lấy đất trở thành những hố sâu nằm giữa đồng ruộng và quốc lộ. Lúc đơn vị đang thi công, người dân tại đây đã phản ánh, không đồng ý việc lấy đất tại lề đường vì như thế việc đi lại để làm ruộng vô cùng khó khăn, nhưng đơn vị thi công vẫn cứ thi công và người dân đành cứ phải… chấp nhận. Trước đây, khi thu hoạch lúa, nông dân vác lúa từ ruộng tập trung lên lề đường chờ xe vận chuyển về nhà. Nay lề đường không có, thu hoạch lúa xong phải vác lúa tập trung ngay trên lòng đường chờ vận chuyển, vẫn biết làm như thế là vi phạm Luật Giao thông nhưng không còn cách nào khác.

Ông Nguyễn Văn Thành, nhà ở ấp Long Kim, xã Long Thành Trung, không biết đi xe đạp, xe gắn máy. Trước đây, khi đường sá chưa nâng cấp, ông thường đi bộ về thăm cha mẹ tại ấp Hiệp Hoà, xã Hiệp Tân. Nay ông không dám đi bộ nữa vì: “đường thì rộng, xe cộ nhiều mà hổng có chỗ nào dành cho người đi bộ hết, đi dưới lòng đường thì vi phạm Luật Giao thông và dễ bị tai nạn quá. Thôi, đi xe ôm đỡ lo hơn”, ông Thành lắc đầu ngán ngẫm!

Ở những đường tỉnh như đường 785 thậm chí còn không đủ chỗ cho xe cơ giới lưu thông nói gì đến làn đường cho người đi bộ. Tỉnh lộ 786 thì quá chật hẹp, lại xuống cấp trầm trọng, xe cộ lưu thông tránh nhau đã khó thì người đi bộ dưới lòng đường nguy hiểm biết chừng nào… Việc thiết kế nâng cấp các tuyến đường ở nhiều nơi rất lạ, mỗi lần nâng cấp là đổ chồng lên nền cũ, do đó đường càng ngày càng cao, mặt đường cao hơn ruộng ít nhất cũng 1m, cá biệt có nơi cách đến 2m, gây khó khăn cho nhà nông nhất là đến mùa thu hoạch và tất nhiên là tạo nguy cơ tai nạn rất lớn. Nên chăng, ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa đến làn đường dành cho người đi bộ, cũng là góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.

DUY ĐỨC

 

Từ khóa:
Tin liên quan