Đọc báo in
Tải ứng dụng
Lời thề trước anh linh liệt sĩ
2020-07-28 14:28:11

Số báo đầu tuần này ra đúng ngày 27 tháng 7, vậy là chắc chắn ông nhà báo sẽ viết về Ngày Thương binh - Liệt sĩ, có đúng vậy không?

- Cũng bình thường thôi, vì số báo phát hành đúng ngày Ngày Thương binh - Liệt sĩ, chẳng lẽ Bàn Dân lại có thể viết chuyện gì khác hơn là chuyện về ngày có ý nghĩa trọng đại, sâu nặng nghĩa tình, đạo lý ấy?!

-Không dám đâu, chẳng qua là tôi muốn hỏi thêm ông là các nước trên thế giới có Ngày Thương binh - Liệt sĩ như nước mình không vậy mà?

-À… câu hỏi này hơi khó à nghen. Bởi vì Bàn Dân cũng như ông thôi, từ hồi nào tới giờ mình vẫn ở trong nước, có định cư ở nước ngoài đâu mà biết. Tuy nhiên, trong thời đại 4.0 này, muốn biết chuyện “ta bà thế giới” thì cứ lên Google mà tra thôi. Mới đây, Bàn Dân cũng có gõ vào chương trình tìm kiếm của Google câu hỏi “Trên thế giới có nước nào có Ngày Thương binh - Liệt sĩ không?” thì thấy trong trang bách khoa toàn thư mở Wikipedia chỉ có ngày Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7 của nước mình thôi. Ngoài trang bách khoa toàn thư mở này ra, trong vô số kết quả tìm kiếm của Google trả về, tất cả đều chỉ nêu thông tin về Ngày Thương binh - Liệt sĩ của nước ta mà thôi, không thấy có nước nào khác.

-Vậy là rõ quá rồi, có thể nói là trên thế giới chỉ có nước ta mới có ngày “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, phải vậy không ông?

-Vâng, qua tìm kiếm trên mạng internet thì cứ xem như vậy đi. Sao ông còn gì thắc mắc nữa không?

-Thắc mắc thì tôi không còn gì thắc mắc, nhưng… có chuyện này tôi cảm thấy hơi lạ cũng định hỏi thăm ông đây?

-Số là cách nay khoảng 10 ngày, tôi thấy Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, thấy có đăng bài nêu rõ chỉ đạo của ông Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bảo phải sửa ngay các bia mộ có từ “liệt sĩ vô danh”. Nhưng vì tôi hơi vội, chỉ đọc lướt qua nên chưa hiểu rõ lắm, ông có nắm vững vấn đề này xin giải thích giùm.

-Ông cho rằng chuyện ấy “hơi lạ” là lạ làm sao, ông giải thích với Bàn Dân trước đã?

-Theo tôi thấy trong văn học, nghệ thuật nước ta xưa nay vẫn có cụm từ “liệt sĩ vô danh” chứ đâu phải là không có. Tôi nghĩ rằng xưa nay ngay chính những người chiến sĩ hy sinh trên chiến địa cũng xem nhẹ cái chết, chỉ nói là “say nằm bãi cát”, “tuý ngoạ sa trường…” thôi. Mà trong lịch sử dựng nước và giữ nước của nước ta có rất nhiều “chiến sĩ vô danh”, đâu phải tất cả mọi người hy sinh đều xác định được tên tuổi?

-Ông nói không sai, nhưng Bàn Dân nghĩ ông phải xác định hai cụm từ “chiến sĩ vô danh” và “liệt sĩ vô danh” có gì khác nhau không? Theo suy nghĩ của Bàn Dân, thì từ “chiến sĩ” trong cụm từ trên là dùng cho những người của cả hai bên, vì lẽ từ “chiến sĩ” đơn thuần có nghĩa là “người lính”. Còn từ “liệt sĩ” mà chúng ta đang sử dụng hiện nay được xác định rõ là: “Người đã hy sinh vì nước vì dân trong khi làm nhiệm vụ”. Mà đối với một “người đã hy sinh vì nước vì dân trong khi làm nhiệm vụ” thì trách nhiệm của cả nước ta ngày nay là không được quên, dù người đó hy sinh đã lâu, khi hy sinh chưa được mọi người biết đến tên tuổi, cũng không được nói là “vô danh” mà phải nói là “chưa xác định thông tin” mới đúng.      

-À, vậy thì tôi hiểu rồi, ghi trên bia mộ “liệt sĩ chưa xác định thông tin” thay cho bia mộ “liệt sĩ vô danh” cũng có nghĩa “trước sau gì cũng phải tích cực tìm kiếm thông tin để xác định tên của liệt sĩ”, phải vậy không ông?

-Chắc chắn vậy rồi, và đó không phải là một lời hứa suông, mà là một lời thề trước anh linh liệt sĩ đó ông ạ!

BÀN DÂN

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh