Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Mai một nghề rèn Lộc Trát
Thứ tư: 07:45 ngày 06/09/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
- Một buổi sáng cuối tháng 7.2017, tôi có dịp ghé thăm ấp Lộc Trát, thuộc xã Gia Lộc, huyện Trảng Bàng. Nơi đây từng có nghề rèn nổi tiếng, sản phẩm được bán ở nhiều nơi trong tỉnh, thậm chí có lúc còn được xuất sang Campuchia.

Một lò rèn Lộc Trát.

Vậy mà giờ đây, xóm ấp thưa vắng. Đây đó chỉ còn vài lò rèn với chỉ một, hai người bên bễ lò phập phù lửa đỏ. Ghé thăm một lò ở kề con đường liên ấp. Vì thấy có cả nhóm trẻ em túm tụm dưới bóng cây. Ngay cạnh đấy là lò của anh Phan Văn Dũng, người đàn ông cởi trần để lộ những bắp thịt săn chắc dưới làn da bóng lưỡng mồ hôi.

Lò của anh Dũng vẫn còn đầy đủ đồ nghề. Nào búa, nào đe, bếp lò vừa nhóm sục lên một làn khói trắng. Dưới bàn tay anh là khoảng một chục lưỡi dao phay đang chuẩn bị đem tôi. Lát sau thì mẻ than đã hừng hực đỏ. Anh Dũng tay cời than, tay cầm cây kẹp dài gắp từng lưỡi dao dúi vào đống than hồng. Xoay trở vài lần cho chín hồng đều khắp, rồi anh mới gắp và nhúng từng lưỡi dao vào chiếc thùng nước tôi để ngay bên cạnh. Một tiếng xèo vui như tiếng chảo dầu sôi ai vừa thả rau xào. Một đụn khói trắng nghi ngút. Lưỡi dao được gắp lên để trở lại màu xanh ánh thép. Anh Dũng bảo, thế này chỉ cần mài chuốt thêm chút ít, tra cán nữa là xong.

Mặc dù anh Dũng bảo anh đã tuổi 42, chỉ vì người có bệnh nên phải gắng gượng mà theo nghề của cha ông truyền lại, nhưng qua câu chuyện thì biết người đàn ông mái tóc sớm hoa râm này vẫn còn yêu nghề lắm. Đấy là khi anh kể về những ưu điểm của dao cuốc làng rèn Lộc Trát. Anh bảo: về nguyên liệu thì phải tìm mua loại thép nhíp xe (đã qua sử dụng); dao, cuốc loại này lúc nào cũng sáng xanh, sắc ngọt và hầu như không bị mẻ bao giờ.

Hỏi anh hiện ấp Lộc Trát còn bao nhiêu lò? Anh nói chỉ còn 24 hộ làm nghề nhưng cũng phập phù bữa làm, bữa nghỉ. Tiện hỏi luôn thu nhập ngày công, anh cười buồn: chỉ khoảng 150.000 đồng, thua cả phụ hồ. Nên hỏi mấy ai còn muốn theo và giữ nghề rèn nữa? Thanh niên đa số đã về thành phố hoặc đến các khu công nghiệp học hành, làm việc. Làng rèn xưa, quanh đi quẩn lại chỉ còn mấy anh già.

Tôi về tìm đọc lại bản “Điều tra khảo sát và đề xuất các giải pháp để phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Tây Ninh” do Sở Công nghiệp (nay là Sở Công Thương) lập tháng 10.2003. Tại phần I, mô tả thực trạng các làng nghề Tây Ninh, trong đó, làng nghề rèn được kể đầu tiên, số 1.

Xin lược trích vài đoạn: “Nghề rèn các loại công cụ cầm tay được tập trung sản xuất nhiều nhất ở ô Lò Rèn, ấp Lộc Trát, xã Gia Lộc… Nghề này đã có trên 100 năm, được lưu truyền từ đời này sang đời khác… Hiện có ở đây là 75 cơ sở, tất cả đều hoạt động sản xuất theo hình thức hộ gia đình…  sản xuất thường xuyên liên tục từ 10-12 tháng trong năm… thu nhập bình quân của người lao động là 6,6 triệu đồng/người/năm. Quá trình sản xuất hiện nay còn lạc hậu, kỹ thuật đơn giản, chủ yếu dựa vào sức người, chưa được đầu tư máy móc thiết bị… Sản phẩm gồm nhiều loại công cụ như: rựa, dao, liềm, cuốc, xẻng. Hằng năm ở đây có khả năng cung cấp trên 700.000 sản phẩm các loại… Sản phẩm được tiêu thụ ở các tỉnh: Long An, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Campuchia, một phần nhỏ ở tỉnh Tây Ninh chủ yếu là Gò Dầu và Hoà Thành…”.

Xem thế, cũng biết là cách nay 14 năm, làng rèn Lộc Trát vẫn còn “sung mãn”. Nhưng trong ký ức của anh Dũng thì lúc anh vừa mới lớn và nhận biết, nghĩa là cách nay khoảng trên 30 năm: làng rèn Lộc Trát có cả trăm hộ dân thì cả trăm hộ đều làm nghề. Và cách nay độ 10 năm, đến làng rèn vẫn thấy không khí lao động còn vui vẻ lắm! Nhớ nhất là ở một nhà kia, chị vợ làm thợ cả, còn anh chồng chỉ ngồi bên cạnh phụ vợ công việc quai búa. Đi dọc xóm Lò Rèn, thỉnh thoảng lại nghe rộ lên những trận cười đùa vui vẻ. Cả nhà xúm xít bên nhau quanh bếp lò rừng rực than hồng.

Thế mà nay, sau 14 năm thực hiện đề án hẳn hoi, sao làng rèn lại trở nên đìu hiu, thưa vắng? Có vài lý do sau đây. Thứ nhất là nghề rèn không có tương lai, nên lớp trẻ không chịu nối nghiệp. Thứ hai, như anh Dũng phân tích rằng: nghề rèn chỉ cần được Nhà nước hỗ trợ vốn, nguyên liệu than và sắt, công cụ bảo vệ đôi tay, trong khi dự án trên lại bắt dân phải chuyển đổi phương thức làm ăn, nghĩa là phải sắm máy móc (dập, hàn) để làm ăn lớn.

Quả nhiên, khi xem lại phần IV- Những giải pháp chủ yếu để phát triển làng nghề của dự án, có câu: “khuyến khích các cơ sở sản xuất làng nghề đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị, hiện đại hoá công nghệ, kết hợp công nghệ tiên tiến với công nghệ cổ truyền đa dạng…”.

Bế tắc chính là ở câu này đây! Dự án đòi đổi mới và hiện đại hoá, còn người thợ như anh Dũng lại bảo: mình làm toàn sản phẩm nhỏ (như các loại dao) cần chi đến máy! Xã phổ biến sẽ hỗ trợ tới 6 triệu đồng khi mua máy giá 10 triệu đồng, dân nghe xong bỏ về ngay, vì biết có sắm máy cũng chỉ là để đấy, không ai cần dùng đến. Chuyện xã tổ chức họp, vận động người dân xóm Lò Rèn cũng mới diễn ra gần đây thôi, vào cuối tháng 6 vừa qua.

Làng nghề rèn ở Lộc Trát đang mai một, sau khoảng hơn một thế kỷ sinh ra và tồn tại. Khoảng 10 năm trước, còn có thể được thấy những cỗ đe sắt lún mòn, hoặc đôi ống thụt bễ lò bằng gỗ nguyên cây sạm đen mòn mỏi, như là những chứng tích của một thời người Gia Lộc theo ông đại Hương cả Đặng Văn Trước về đây mở đất lập làng.

Nay đã không thấy nữa. Và sự đổi mới cũng chỉ là vài công cụ nhỏ, như chiếc máy quạt bễ thay cho ống thụt. Gia Lộc đang tích cực xây dựng nông thôn mới. Vậy nên dù đi trong xóm lò rèn Lộc Trát, hay các ấp Gia Huỳnh, Lộc Khê, Gia Tân… đều thấy đường quê ngõ xóm trải vữa xi măng sạch đẹp khang trang.

Trường tiểu học Lộc Trát cũng đẹp đẽ và tươi mới nằm ngay đầu lối vào xóm ấp. Điều đáng ngạc nhiên là trong bản đề án Xây dựng nông thôn mới của xã Gia Lộc, giai đoạn 2011- 2020, được lập tháng 11.2013 lại không hề nhắc đến làng nghề rèn Lộc Trát. Trong phần II- Thực trạng; tại tiêu chí số 13- về hình thức tổ chức sản xuất, chỉ nhắc đến 4 hợp tác xã dịch vụ thuỷ lợi và một hợp tác xã môi trường thuỷ sản.

Cũng tiêu chí này ở phần III- Nội dung nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, chỉ có thêm một hợp tác xã dịch vụ thuỷ lợi nữa mà thôi. Vậy có thể nói là với xã Gia Lộc đã không còn nữa cái tên làng nghề rèn Lộc Trát. Nói cách khác là làng rèn ấy đã không có chỗ trong nông thôn mới của xã Gia Lộc.

TRẦN VŨ

Tin liên quan