Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Người đến từ Nhật Tảo, Long An (tiếp theo và hết)
Thứ năm: 11:04 ngày 17/10/2024

- Để kỷ niệm về Hoà thượng được giữ mãi về sau, Ni trưởng đã xây dựng ở chùa Trung một ngôi giảng đường lớn đẹp khang trang. Giảng đường mang tên sư tổ Tâm Hoà.

Đúng vào tháng, năm mà Nguyễn Trung Trực lập chiến công diệt tàu chiến Pháp trên Vàm Nhật Tảo, miền quê này lại sinh ra một người, mà sau này tên tuổi của ông đã được ghi danh vào lịch sử Phật giáo tỉnh Tây Ninh. Tác giả Phan Thúc Duy đã ghi chép lại các câu chuyện về vị hoà thượng này từ khi ông còn tại thế.

Để đến sau khi ông mất đi (1937) mới in ra thành sách “Ngọn đuốc cửa thiền” kể về “Lịch sử đức Như Đạo”- một trong các vị tổ sư trụ trì ở núi Bà Đen, Tây Ninh. Tính ra, sau 2 bậc tiền bối là Huỳnh Công Giản và Huỳnh Công Nghệ, ông chính là nhân vật thứ ba có quê ở Nhật Tảo được vinh danh trên đất Tây Ninh.

Núi Bà Đen. Ảnh: Hải Triều

Theo sách đã kể, thì “Hoà thượng ở núi Điện Bà pháp danh Tâm Hoà tự Chánh Khâm… sanh trưởng tại làng An Lái (Nhật Tảo) tỉnh Tân An…”. Ngài sinh ngày 12.11 năm Tân Dậu (1861). Khi mới thụ thai, thân mẫu của ngài nằm mộng thấy có vị hoà thượng tuổi ngoài tám mươi đến nhà, xin ở tạm một đêm.

Do vậy cha mẹ ngài mới đặt tên cho con là Nguyễn Văn Hoà. Lên 5 tuổi thì cha mất, người mẹ một mình ở vậy nuôi con. Đấy chính là những năm quân Pháp tăng cường càn quét, truy đuổi quân khởi nghĩa của Trương Định, Trương Quyền, Nguyễn Trung Trực và Võ Duy Dương.

Quê hương Nhật Tảo bên bờ sông Vàm Cỏ chìm trong khói lửa. Có năm, mẹ con phải bỏ hết gia sản, tìm phương tị nạn. Đến khi trở về mới dựng lại lều tranh trên nền cũ. Khi ấy, cậu bé Hoà mới 12 - 13 tuổi, đã biết “lội theo sông rạch bắt từ con tôm, con cá… đỡ bớt một tay cho mẹ, còn dư thì bán cùng đắp đổi qua ngày…”.

Đến năm 17 tuổi, trong nhà mới có dư chút ít, đủ mua một chiếc ghe. Từ ấy, chàng trai tên Hoà làm nghề đốn củi ở miệt rừng sác “Lý Nhơn”. Miệt rừng này vốn là nơi hang ổ của các loài ác thú hổ lang nên ít người dám đến. Đây chính là giai đoạn có nhiều chuyện kỳ lạ xảy ra đến với anh. Những chuyện này, nay đã trở nên huyền thoại của một vùng sông nước Nam bộ. Huyền thoại mà hiện thực trong bối cảnh từng có câu ca dao: “Đồng Nai xứ sở lạ lùng/ Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”.

Do vậy mà có lần, anh bị cọp vồ. Nhưng đúng lúc ấy lại có một con gấu ăn ong trên cây rớt xuống. Bạn ghe thừa dịp kéo ngài chạy thoát. Gần bờ lại gặp đàn sấu trườn theo bén gót. Nhưng họ cũng kịp lên ghe. Ra giữa vàm sông lại gặp giông gió nổi lên khiến ghe trôi dạt. May gặp cá ông (cá voi) dìu đỡ…

Đấy là chuyện xảy ra ở vàm sông Cổ Chiên, cách quê nhà đã tới mấy ngày đường… Đến năm 19 tuổi, chàng trai Văn Hoà gặp một vị hoà thượng trên đường. Trao đổi qua lại, chàng mới nhận ra con đường cần đi là theo nghiệp tu hành Phật pháp. Sợ mẹ không đồng ý, một đêm, anh lén đi sau khi đã dành cả một năm lo chu toàn mọi việc nhà cho mẹ.

Con đường anh đi từ Vàm Nhật Tảo tới núi Bà Đen lại là đường bộ. Đấy là: “Cứ lủi thủi mang gói đi hoài. Đến sáng tới sông Bến Lức, qua khỏi sông liền đi đến xế mới tới Chợ Lớn, đi luôn ra Sài Gòn, bắt từ Sài Gòn nhắm đường đi lên Tây Ninh. Ngày đi đêm nghỉ, hồi trước đất địa hoang vu rừng bụi bịt bùng không ai khai phá, cứ theo đường mòn đi thẳng, đi như vậy trọn bốn ngày đêm mới tới quận Trảng Bàng, đi luôn đến hạt Tây Ninh cũng hết vài ngày nữa…”. Đến chùa Trung ở chân núi Bà Đen cũng đã xế chiều.

Thay đổi phục trang vào bái yết đức Phật xong, dùng bữa cơm chay. Ngày sau chàng trai mới lần theo con đường lên núi: “đường đi rất gập ghình, quanh lộn theo lưng núi, có chỗ lại phải vịn đá lần theo từng bước, có chỗ nhiều thứ cây lớn nhỏ chen nhau dày bịt, có chỗ nhiều thớt đá cao lớn dị thường, đứng sựng như tường đồng vách sắt…”.

Đấy là vào khoảng năm 1880. Khi ấy, đại sư trụ trì ở núi là tổ Trừng Tùng Chơn Thoại- vị tổ thứ 40 của hệ phái Thiền Lâm tế. Năm ấy, chùa Bà (Linh Sơn Tiên thạch tự) còn là “một ngôi tam bảo lợp tranh rất lớn”. Bên cạnh là ngôi “chánh điện thờ đức Linh - Sơn - bồ - tát” (nay là ngôi Điện Bà). Điện Bà còn chưa có ngôi vỏ ca ở trước miệng hang núi như bây giờ.

Vậy nên chánh điện thờ Bà còn như: “Một đống đá in như hình hàm rồng ở giữa lưng chừng núi, ngài bước vào trong thấy có đôi ba người đàn ông và đàn bà đang nguyện hương chiêm bái, còn trên tam cấp là chỗ thờ trướng phủ màn che rất oai nghi trang hoàng mỹ lệ, có ông đạo đứng hầu đánh chuông cho bá tánh lạy…”.

Còn bên chùa lớn, vách trong “ngó thấy tứ phía thờ nhiều Phật tượng phật vàng sáng rỡ, coi ra rất oai nghi…”. Đến nay, ngoài cái vỏ kiến trúc đã có nhiều thay đổi, nhưng phần nội thất cả hai ngôi chùa cùng điện thờ Bà và cung cách thờ phụng vẫn như xưa.

Điện Bà năm 1920

Được sự chỉ bảo của Hoà thượng trụ trì, sư Tâm Hoà quay trở lại chùa Trung. Tại đây ông ra sức dọn sửa cây cối, vườn chùa, tỉa đậu trồng khoai, rau củ để sư tăng công quả trong chùa chi dụng. Ông cũng dành trọn 2 năm lót đá mở đường để có đường dễ lên đến Điện Bà…

Một ngày kia, thấy cảnh chim phượng bay về kèm dắt 3 con chim nhỏ tập bay, mà động lòng nhớ mẹ, ông mới xin phép đại sư cho về quê thăm mẹ. Hơn 1 tháng sau, lại xin phép mẹ để quay về núi Linh Sơn tiếp tục tu hành. Từ đấy, lâu lâu không về thì ông lại được mẹ lên thăm. Vài năm sau, thấy ông có năng lực mở mang, kiến trúc nên Đại sư lại vời ông về chùa Tiên Thạch để lo việc mở mang, tu bổ những ngôi cổ tự.

Phan Thúc Duy viết: “Khi trước trên Điện Bà đá dựng chập chồng, cây mọc bít bùng, tàng che phủ kín, ngài phải xeo đá mấy chỗ cao lấp mấy chỗ hầm, phá cây cối cho trống trải, nên ngày nay mới có cái sân rất bằng phẳng, đặt cất thêm nhà khách, chùa hậu, nhà khối, cái công phá núi dọn rừng mệt nhọc biết bao nhiêu, ngài lại có lòng háo nghĩa, hay thương kẻ khó giúp kẻ người nghèo, nhiều khi Đại sư cho tiền xài, ngài bố thí cho mấy người ấy hết, đến đỗi quần áo tả tơi chầm trước thiếu sau, ngài cũng không lo cho mình lành lẽ, no ấm…”.

Một ngày kia, năm 1910, Đại sư qua đời nhưng có di chúc để lại chỉ định nhà sư Tâm Hoà tiếp nối sự nghiệp, trụ trì trên các chùa núi. Lúc ấy có những vị tuy đạo cao học rộng hơn ngài, nhưng lòng dạ hẹp hòi, nên xảy ra vài việc quyền biến mưu mô. Dù vậy, sự việc cuối cùng được sáng tỏ, đến năm 1919, sư Tâm Hoà mới chính thức nhận quyền trụ trì trên núi. Từ đấy: “rất đặng lòng thập phương bổn đạo, bá tánh lục châu (sáu tỉnh Nam kỳ) đến cúng dập dìu…

Ngoài chăm lo việc đạo đức và hoằng hoá cho bá tánh biết nẻo tu hành, biết đường hoạ phước. Ngoài việc ấy là thi nhân bố đức, xuất tiền ra nuôi những người bệnh tật, đích thân xem sóc thuốc men cơm cháo, các chư sơn thiền đức thảy đều nghe tiếng. Từ ấy về sau thập phương đến viếng cảnh liền liền chẳng dứt.

Mấy ngày rằm và ba mươi ngài thường hay thăng toạ thuyết pháp, giảng kinh cho bá tánh nghe, đặng cải ác tùng thiện…”. Đến các năm 1922 và 1924, ngài cho khởi công xây dựng ngôi chùa và nhà tổ bằng đá núi Bà Đen. Đến năm 1937, công việc chưa xong thì ngài đã qua đời.

Dù vậy, những cấu kiện như cột, kèo bằng đá, có cột đã chạm rồng vẫn được sử dụng vào ngôi chùa mới được trùng tu dưới thời Ni trưởng Thích nữ Diệu Nghĩa. Để kỷ niệm về Hoà thượng được giữ mãi về sau, Ni trưởng đã xây dựng ở chùa Trung một ngôi giảng đường lớn đẹp khang trang. Giảng đường mang tên sư tổ Tâm Hoà. Từ nhiều năm qua, đây là nơi tổ chức Đại giới đàn cho đông đảo các vị tăng, ni các tỉnh phía Nam về tham dự.

Trần Vũ

Tin liên quan