Đọc báo in
Tải ứng dụng
Máy kéo kéo rơ-moóc: “Hung thần” đáng sợ
2012-05-11 05:15:00

Nhiều chủ phương tiện thiếu ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT nên máy kéo kéo rơ-moóc là một trong những nguy cơ gây TNGT đáng quan tâm.

Theo Sở GT-VT, toàn tỉnh Tây Ninh có khoảng trên 5.000 máy kéo các loại. Trong đó, có khoảng phân nửa số máy kéo có rơ-moóc. Máy kéo kéo rơ-moóc từ lâu đã là phương tiện vận tải thiết yếu để vận chuyển nông sản (mía, mì) từ vùng nguyên liệu về các nhà máy chế biến. Tuy nhiên, nhiều chủ phương tiện thiếu ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT nên máy kéo kéo rơ-moóc là một trong những nguy cơ gây TNGT đáng quan tâm.

Chủ phương tiện “ỷ lại”

Theo Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 29.6.2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, từ ngày 1.1.2008, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế ba, bốn bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ. 

Máy kéo là phương tiện vận chuyển mía thiết yếu

Nếu thực hiện đúng Nghị quyết này, toàn tỉnh có khoảng trên 5.000 máy kéo bị cấm lưu thông trên đường, gây tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp và nhu cầu vận chuyển nông sản, nhất là việc vận chuyển mía, mì trong các vụ thu hoạch hằng năm. Có thể nói, nếu cấm máy kéo chở nông sản đúng theo thời hạn mà Nghị quyết số 32/NQ-CP đề ra, không chỉ có nông dân (những người trồng mía, mì), mà nhiều chủ máy kéo và các nhà máy chế biến mía đường, bột mì cũng phải lao đao.

Trước tình hình này, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) xem xét, “châm chước” cho Tây Ninh không cấm máy kéo kéo rơ-moóc chở nông sản nhằm hạn chế thiệt hại lớn cho nền kinh tế tỉnh nhà. Bộ đồng tình với quan điểm của tỉnh, nhưng yêu cầu phải thiết kế cải tạo rơ-moóc máy kéo cho đủ tiêu chuẩn an toàn giao thông (ATGT). Theo Quyết định số 1627/QĐ-UBND ngày 25.7.2008, đến 31.12.2008, chủ rơ-moóc máy kéo phải hoàn tất việc đăng ký và thiết kế cải tạo rơ-moóc máy kéo. Tuy nhiên, hết năm 2008, chỉ mới có… 250 rơ -moóc máy kéo được đăng ký thiết kế cải tạo theo tiêu chuẩn quy định. Đến đầu năm 2009, Sở GT-VT phải xin chủ trương của Bộ GT-VT cho phép gia hạn thời gian hoàn thành việc cải tạo thiết kế rơ-moóc đến cuối tháng 12.2009.

 Dù biết chủ trương, quy định của Bộ GT-VT và UBND tỉnh nhưng rất nhiều chủ phương tiện vẫn “làm ngơ” trước yêu cầu đăng ký, cải tạo rơ-moóc máy kéo. Theo Sở GT-VT, đến cuối năm 2009, mới chỉ có trên 1.300 hồ sơ đăng ký cải tạo thiết kế rơ-moóc máy kéo được Sở phê duyệt. Vẫn còn nhiều rơ-moóc máy kéo chưa được đăng ký, chưa được cải tạo thiết kế. Một lần nữa, Sở GT-VT, Ban ATGT tỉnh lại kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận cho gia hạn thời gian xét duyệt hồ sơ cải tạo, nghiệm thu số lượng phương tiện đã đăng ký phê duyệt thiết kế cải tạo để cấp giấy chứng nhận đến cuối tháng 6.2010. Đến ngày 1.7.2010, toàn tỉnh có 1.509 rơ -moóc máy kéo được phê duyệt thiết kế.

Máy kéo- nỗi lo về ATGT

Như vậy, tỉnh đã quá “châm chước”, tạo điều kiện để chủ rơ-moóc máy kéo chấp hành việc đăng ký cải tạo thiết kế nhằm bảo đảm ATGT khi lưu thông. Thế nhưng, nhiều chủ phương tiện vẫn cố tình không thực hiện quy định của Nhà nước, vẫn sử dụng máy kéo kéo rơ-moóc tự chế lưu thông trên đường, bất chấp nguy cơ có thể xảy ra TNGT.

Một vụ TNGT do máy kéo

Đến nay, sau gần 2 năm ngưng cho đăng ký thiết kế cải tạo rơ-moóc máy kéo, có nhiều vấn đề liên quan đến loại phương tiện này cần được quan tâm nhằm bảo đảm ATGT. Vấn đề thứ nhất là nhiều chủ rơ-moóc máy kéo, sau khi lưu thông trái phép bị ngành chức năng xử phạt hành chính đã tất tả chạy đến Sở GT-VT đề nghị cho phép đăng ký cải tạo thiết kế rơ-moóc. Theo một cán bộ lãnh đạo Sở, toàn tỉnh hiện còn khoảng trên 1.000 rơ-moóc máy kéo chưa đăng ký cải tạo thiết kế lưu thông trái phép. Tuy nhiên, Bộ GT-VT đã “dứt khoát” từ chối, không chấp nhận cho Tây Ninh tiếp tục tổ chức thực hiện cải tạo thiết kế rơ-moóc vì trước đó đã “ưu ái” cho tỉnh trong vấn đề này.

Vấn đề thứ hai là tình trạng máy kéo kéo rơ-moóc chở mía, mì vượt tải trọng cho phép đến mức đáng sợ. Theo quy định, rơ-moóc có kích cỡ lớn nhất được cải tạo thiết kế theo tiêu chuẩn quy định, được cấp phép lưu hành có tải trọng chỉ… 6 tấn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong thời gian qua, cả máy kéo kéo rơ-moóc “hợp pháp” lẫn máy kéo rơ-moóc hoạt động “chui” đều chở mía, mì với tải trọng từ 12 đến trên 15 tấn. So với tiêu chuẩn thiết kế quy định, việc chở quá tải trọng rất dễ dẫn đến nguy cơ TNGT do các sự cố kỹ thuật gây ra. Đồng thời, máy kéo kéo rơ-moóc quá tải cũng là một trong những loại phương tiện đáng lo ngại khi “cày” nát không ít tuyến đường, nhất là đường nông thôn.

Thứ ba là theo quy định, máy kéo kéo rơ-moóc chỉ được chở nông sản (chủ yếu là mía, mì). Thế nhưng, trong thời gian qua, phương tiện này đã được tận dụng để chuyên chở vật liệu xây dựng (cát, đá, sắt, xi măng), chở gỗ… Việc “tận dụng” phương tiện này lưu thông trên nhiều tuyến đường, kể cả các tuyến đường trong khu dân cư đông đúc, đường nội thị đã làm gia tăng nguy cơ ùn tắc giao thông, gây TNGT.

Trong vụ thu hoạch mía vừa qua, chúng tôi đã thử khảo sát lượng máy kéo kéo rơ-moóc “chui” ở một số nhà máy chế biến mía đường và nhận thấy, tỷ lệ phương tiện vi phạm khá cao. Đồng thời, còn có rất nhiều máy kéo kéo rơ-moóc (tất nhiên xe tải cũng không ngoại lệ) chở mía vượt quá tải trọng cho phép. Những phương tiện vi phạm về tải trọng, về thiết kế này thường đi thành đoàn một cách “có tổ chức” và cho “đề lô” đi trước để “do thám”. Khi phát hiện có CSGT, người dò đường lập tức báo tin qua điện thoại di động để tài xế lái máy kéo tấp ngay vào lề đường, rời khỏi phương tiện “trốn mất”. Sau đó, chờ đến khi CSGT đi xa, tài xế mới tiếp tục “hành trình”.

Trước thực trạng và nguy cơ từ máy kéo kéo rơ-moóc vận chuyển nông sản, hàng hoá trong thời gian qua, thiết nghĩ, trong thời gian tới, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các máy kéo kéo rơ-moóc lưu thông, vận chuyển không đúng quy định nhằm bảo đảm trật tự ATGT trong năm ATGT cũng như về sau này.

HOÀNG ĐÌNH BẢO

Một số vụ TNGT nghiêm trọng do máy kéo gây ra hoặc có liên quan đến máy kéo

Lúc 14 giờ ngày 28.11.2009, trên đường Tân Hưng – Mỏ Công (Tân Biên) xảy ra TNGT giữa máy kéo kéo rơ-moóc và mô tô làm 1 người chết.

13 giờ ngày 25.10.2010, một thanh niên thiệt mạng khi điều khiển mô tô va chạm với máy kéo trên đường Ngô Quyền (xã Trường Tây, Hoà Thành).

Sáng ngày 23.7.2011, trên đường liên xã Hoà Thạnh - Biên Giới, đoạn qua xã Hoà Thạnh (Châu Thành), máy kéo kéo rơ-moóc chở vật liệu xây dựng cán chết một phụ nữ.

Hơn 10 giờ ngày 26.12.2011, trên đường 785 (đoạn qua ấp Hội Thạnh, xã Tân Hội, Tân Châu), máy kéo kéo rơ-moóc chở đầy mía đang chạy bỗng dưng chao đảo rồi rơ-moóc lật nhào. Mía từ rơ-moóc đổ xuống đè làm bị thương 2 người đi đường…

 

Từ khóa:
Tin liên quan