Đọc báo in
Tải ứng dụng
Một con đường không ai quản lý về trật tự an toàn giao thông (?!)
2012-07-09 04:18:00

Trên địa bàn huyện Dương Minh Châu có một con đường khá đẹp, nhưng lại không được công nhận là đường giao thông công cộng, đó là đường trên mặt đập phụ hồ Dầu Tiếng (đường bờ đê).

(BTN)- Trên địa bàn huyện Dương Minh Châu có một con đường khá đẹp, nhưng lại không được công nhận là đường giao thông công cộng, đó là đường trên mặt đập phụ hồ Dầu Tiếng (đường bờ đê). Mấy năm gần đây đơn vị khai thác Công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng-Phước Hoà được Nhà nước đầu tư kinh phí duy tu, nâng cấp bờ đập phụ, từ cống số 1 (đập chính) đến cống số 3 (trên địa bàn xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu) với chiều dài hơn 20km. Ngoài việc gia cố thân đập, trên mặt đập được rải đá phún (cứng hoá) tạo cho mặt đập bằng phẳng, bề rộng 6 mét, hai bên có xây “gờ” bằng bê tông xi măng để chống xói mòn và làm tăng vẻ đẹp của con đập. Đơn vị chủ quản còn thiết kế xây dựng hàng chục đoạn đường ngang bằng bê tông xi măng vắt ngang qua bờ đập để người dân và các phương tiện dễ dàng đi lại. Các đoạn đường ngang đều có biển cấm xe ô tô có trọng tải từ 3 tấn trở lên lưu thông (qua đường ngang và lưu thông trên mặt bờ đập). Nếu thi hành đúng như biển cấm, xe ô tô trọng tải dưới 3 tấn và các phương tiện khác cùng người đi bộ đương nhiên được phép lưu thông trên đoạn đường ngang và trên mặt bờ đập. Trong nhiều năm qua người dân cũng đã lưu thông trên con đường này bằng xe mô tô, xe đạp và cả xe ô tô 4 chỗ ngồi.

Chỉ cấm xe có trọng tải từ 3 tấn trở lên lưu thông trên bờ đập.

Được biết, bờ hồ và trong lòng hồ (từ cống số 1 đến cống số 3) thuộc phạm vi quản lý hành chính của 3 xã thuộc huyện Dương Minh Châu là Phước Minh, Phước Ninh và Suối Đá. Thế nhưng, thời gian qua trên đoạn đường này đã xảy ra một số vụ va chạm giao thông gây thương tích do người dân lưu thông trên bờ đập, thì chính quyền các địa phương lại không biết dựa vào cơ sở nào để xử lý, đành phải “dừng lại” ở việc hoà giải, vì cho rằng vụ việc xảy ra trên đoạn đường không thuộc thẩm quyền địa phương quản lý (?!).

Tại địa bàn ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá, suốt chiều dài hơn 4 km trên mặt bờ đập, từ nhiều năm nay người dân dùng vải mủ trải rộng gần hết bề mặt bờ đập làm sân phơi xác mì, chỉ chừa một lối nhỏ. Việc lưu thông trên đoạn đường này vì thế mà rất khó khăn, nhưng không ai ngăn cấm, không ai nhắc nhở, việc phơi xác củ mì gây cản trở và nguy hiểm cho người tham gia giao thông, làm mất cảnh quan, vẻ đẹp của bờ đập.

Tại khu vực thuộc địa bàn ấp Phước Bình 2, xã Suối Đá có hơn 30 hộ gia đình cất nhà, chòi ở trong lòng hồ, hằng ngày phải thường xuyên đi lại qua đoạn đường này, kể cả trẻ em đi học ngoài bờ hồ. Ngoài ra có hàng trăm người dân từ nhiều nơi khác đi lại qua đoạn đường này vào trong lòng hồ làm ăn, nhất là vào mùa nước hồ xả cạn.

Bờ đập thành sân phơi xác củ mì từ nhiều năm nay.

Trong 2 năm qua đã có 4 vụ người điều khiển mô tô té ngã bị thương phải đi cấp cứu, phương tiện hư hại do các bãi phơi xác củ mì và các vật dụng trên bề mặt bờ đập làm cản trở. Cuối năm 2010, anh Hồ Bá Chủ, ngụ tại khu phố 3, thị trấn Dương Minh Châu đi mô tô trên bờ đập, do tránh xe đi ngược chiều xe anh Chủ cán phải vật dụng phơi xác mì bị té ngã gãy chân; người chủ phơi xác mì đã thoả thuận “bồi dưỡng” cho anh Chủ 1 triệu đồng, một kg đường, 1 hộp sữa. Nhận thấy có báo Công an địa phương cũng khó có cơ sở để giải quyết, đồng thời gia đình anh Chủ cũng không muốn làm lớn chuyện, nên đành chấp nhận thiệt thòi. Ngày 26.4.2012, cũng tại đoạn đường này chị Nguyễn Thị Hồng, nhà ở trong lòng hồ đi chợ bằng mô tô, do đường phơi xác mì chỉ còn lối nhỏ, khi tránh xe mô tô ngược chiều xe chị Hồng cán phải cục đá người phơi xác mì dùng để “dằn” manh phơi và đã té ngã, bị chấn thương khá nặng, đến nay vẫn còn phải tiếp tục điều trị. Khi vụ việc xảy ra, Công an xã Suối Đá có đến xác minh hiện trường vụ tai nạn, nhưng không có hướng xử lý cụ thể. Khi thấy chị Hồng bị tai nạn, có Công an xã đến, những người phơi xác mì vội vàng thu lượm toàn bộ vật dụng và đá “dằn” vứt xuống ven bờ đập (!). Gia đình chị Hồng rất nghèo, Ban ấp Phước Bình 2 có ý định đến “vận động” người chủ phơi xác mì “giúp đỡ” chị Hồng chữa trị vết thương, nhưng còn ngại vì không biết việc “vận động” như thế có đúng quy định hay không?

Đặc biệt, về ban đêm nếu ai đi xe trên đoạn đường này sẽ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, vì dụng cụ, xác mì và đá “dằn” để ngổn ngang rất dễ làm người đi xe té ngã. Ông Nguyễn Văn Đảnh- Trưởng ấp Phước Bình 2 bức xúc phản ảnh: “Đã nhiều lần tôi báo cáo sự việc lên xã Suối Đá, được giải thích là “đường bờ đập không phải đường giao thông công cộng, không thuộc thẩm quyền xử lý của xã”, ấp càng không có quyền ngăn cấm người dân đi lại, cũng như không thể ngăn cấm việc một số người chiếm dụng mặt đường làm sân phơi xác mì”. Còn Công ty khai thác Công trình thuỷ lợi Dầu Tiếng-Phước Hoà tuy là đơn vị chủ quản, nhưng không có trách nhiệm giải quyết các vụ tai nạn giao thông. Trao đổi việc này với bà Trần Mỹ Trang - Chủ tịch UBND xã Suối Đá, bà cũng bày tỏ bức xúc với chúng tôi, nhưng cũng không biết xử lý theo “văn bản” nào, chỉ biết báo cáo lên cấp trên và cũng không nhận được hướng dẫn nào làm cơ sở để xã xử lý, hay cấm người dân không được chiếm dụng mặt đường làm sân phơi.

Thiết nghĩ, nếu không công nhận đường trên mặt đập là đường giao thông thì phải có biển cấm lưu thông. Còn nếu để cho người dân lưu thông thì phải có quy định cụ thể. Việc để cho người dân dùng bề mặt bờ đập làm sân phơi, không chỉ là cản trở giao thông mà còn vi phạm quy định về bảo vệ đê điều. Khi người dân bị tai nạn giao thông gây thương tích, dù xảy ra ở đâu thì Công an và chính quyền địa phương cũng phải có trách nhiệm, không thể nói “đường ấy không thuộc thẩm quyền quản lý”.

NGUYỄN TRẦN VĂN

 

Từ khóa:
Tin liên quan