Đọc báo in
Tải ứng dụng
Mũ bảo hiểm bảo vệ ai?
2012-07-23 04:20:00

Để đảm bảo an toàn cho người đi mô tô, xe gắn máy, Nhà nước đã có quy định rất cụ thể về tiêu chuẩn chất lượng của mũ bảo hiểm.

(BTN)- Hiện nay mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe gắn máy được bày bán ở nhiều nơi. Không kể các đại lý chuyên doanh, ngay cả các cửa hàng tạp hoá cũng bày bán la liệt đủ loại mũ bảo hiểm, mũ lớn, mũ nhỏ, mũ dày, mũ mỏng, màu sắc khác nhau. Trên các loại mũ được dán nhiều loại nhãn mác và dán nhiều loại tem mà người mua rất khó xác định được chất lượng, khó phân biệt hàng tốt, xấu, thật, giả. Tại cửa hàng bán mũ bảo hiểm của bà Lê Thị N ở thị trấn Tân Châu, khi chúng tôi hỏi về chất lượng của từng loại mũ thì bà N cho biết “tiền nào của nấy”, có loại mũ tốt giá 480.000đ/mũ, có loại vừa vừa 150.000đ/mũ, cũng có loại chỉ 30.000đ/ mũ. Có người chọn mua mũ tốt đắt tiền, nhưng cũng có không ít người chỉ hỏi mua loại mũ rẻ tiền. Do quen biết nên bà N đồng ý cho chúng tôi cân thử trọng lượng của từng loại mũ. Loại mũ bảo hiểm giá 480.000đ có kích thước lớn, mũ đội che kín cả đầu và  tai, có kính chắn gió, trọng lượng 1 kg. Loại mũ 30.000đ là loại mũ nhỏ, khi đội chỉ che được nửa phía trên của đầu, trọng lượng rất nhẹ có 0,2 kg. Chúng tôi đi xem tiếp một số cửa hàng bán mũ bảo hiểm có bày bán các loại mũ có dấu hợp quy CR nhưng lại không có ghi tên và địa chỉ cơ sở sản xuất.

Mũ bảo hiểm được rao bán rong ở chợ, giá rất rẻ, chỉ có 25.000 đồng/ mũ

Ở một số chợ cũng thấy xuất hiện những người đi rao bán mũ bảo hiểm, giá rất rẻ, chỉ có 25.000đ/mũ. Họ dùng mô tô chở khoảng trên 200 chiếc mũ bảo hiểm, đa số là loại mũ có kích thước nhỏ, rất mỏng và rất nhẹ. Tại chợ thị trấn Tân Châu chúng tôi thấy một người phụ nữ đứng bên chiếc xe chở đầy mũ bảo hiểm, chị ta luôn miệng rao: “Mũ bảo hiểm rất đẹp, rất rẻ, chỉ có 25.000đ/mũ, 100.000 đồng 4 mũ…”, chung quanh có mấy bà, mấy chị xem và mua mũ. Chúng tôi đến hỏi mua và xem xét thì thấy các loại mũ có dán nhiều loại tem, nhãn mác khác nhau, nhưng không ghi rõ cơ sở sản xuất, không gắn dấu hợp quy CR. Rõ ràng đây là loại “mũ dỏm” rẻ tiền, chất lượng rất kém, không rõ nguồn gốc, không thể bảo vệ an toàn cho con người nếu chẳng may xảy ra tai nạn giao thông. Một chị mua 3 cái mũ và chỉ trả 70 ngàn đồng, người bán hàng đồng ý ngay. Tôi hỏi: Chị mua để dành hay sao mà mua nhiều vậy? Chị ta trả lời rất tự nhiên: Tôi mua cho tôi và hai đứa con đang học THPT, bọn trẻ nhà tôi thích loại mũ này…

Trang bị mũ bảo hiểm là để bảo vệ an toàn cho cái đầu của mỗi người khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Cần phải hiểu đúng nghĩa “mũ bảo hiểm” có tác dụng bảo vệ cho hộp sọ của con người không bị chấn thương khi xảy ra tai nạn giao thông. Khi bị chấn thương sọ não thì con người dễ bị tử vong, nếu may mắn được chữa trị khỏi thì cũng để lại di chứng nặng nề như bị tâm thần, thân thể bị bại liệt, hoạt động khó khăn, thậm chí có trường hợp phải sống cuộc sống thực vật rất khổ sở… Nhưng có nhiều người ý thức rất kém, không biết bảo vệ và quý trọng tính mạng, sức khoẻ của bản thân, khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông cố tình không đội mũ bảo hiểm. Tai nạn giao thông xảy ra làm kẻ chết, người bị trọng thương khi đó mới hối hận thì đã quá muộn màng.

Mũ bảo hiểm phải đảm bảo chất lượng mới có tác dụng bảo vệ được cái đầu của con người. Vậy mà lại có không ít người, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh đội loại mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng. Những người này đội mũ không phải là để bảo vệ cái đầu của mình, mà chỉ là hình thức đối phó với CSGT… Luật Giao thông đường bộ quy định bắt buộc mọi người khi điều khiển hoặc ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông phải đội mũ bảo hiểm. Điều 11, Khoản 4, điểm d Nghị định 34/CP quy định: Không đội mũ bảo hiểm hoặc không cài quai mũ sẽ bị phạt từ 100 đến 200.000 đồng.

Để đảm bảo an toàn cho người đi mô tô, xe gắn máy, Nhà nước đã có quy định rất cụ thể về tiêu chuẩn chất lượng của mũ bảo hiểm. Mũ bảo hiểm lưu thông trên thị trường thống nhất sử dụng một dấu CR (thay cho dấu CS và tem “đã kiểm tra” trước đây). Dấu hợp quy CR chỉ được gắn trên mũ bảo hiểm đã được chứng nhận hợp quy, nếu gắn trên mũ bảo hiểm chưa được chứng nhận hợp quy là vi phạm quy định QCVN 2: 2008/BKHCN. Đối với mũ bảo hiểm sản xuất trong nước trên vỏ mũ phải ghi nhãn bằng tiếng Việt, tên sản phẩm phải có cụm từ “Mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy”, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất, cỡ mũ, tháng năm sản xuất. Mũ bảo hiểm nhập khẩu cần ghi thêm xuất xứ hàng hoá: tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu và phân phối. Bộ Khoa học và Công nghệ quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy rất cụ thể và chính xác. Ví dụ như: mũ phải có các bộ phận: vỏ mũ, lớp đệm hấp thụ xung động, quai đeo. Đối với loại mũ che cả đầu, tai và hàm khối lượng quy định mũ cỡ lớn 1,5 kg, mũ cỡ trung bình và cỡ nhỏ 1,2 kg. Đối với loại mũ che cả đầu, tai và che nửa đầu quy định mũ cỡ lớn có khối lượng 1 kg, mũ cỡ trung bình và cỡ nhỏ 0,8 kg. Vỏ mũ và lớp đệm hấp thụ xung động phải che chắn được phạm vi bảo vệ, mũ phải chịu được va đập và hấp thụ xung động, độ bền đâm xuyên, phạm vi bảo vệ, tầm nhìn, kính chắn gió, quai đeo và độ ổn định…

Cho đến nay ở Tây Ninh chưa có doanh nghiệp nào sản xuất mũ bảo hiểm, hầu hết các loại mũ bảo hiểm đều mua và nhập ở ngoài tỉnh. Việc quản lý và kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm thuộc thẩm quyền của Chi cục Đo lường Chất lượng, Sở KHCN tỉnh. Hằng năm, Chi cục Đo lường Chất lượng thường xuyên phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công thương, cơ quan Công an tổ chức kiểm tra các cửa hàng buôn bán mũ bảo hiểm ở các huyện, thị trong tỉnh. Điển hình như trong tháng 2.2012, liên ngành đã tổ chức kiểm tra 11 cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm ở 4 huyện Hoà Thành, Tân Biên, Tân Châu và Thị xã. Kết quả kiểm tra 39 mẫu mũ bảo hiểm trong đó có 29 mẫu phù hợp, 10 mẫu không phù hợp, không ghi nhãn hàng hoá và không gắn dấu hợp quy CR. Lấy 3 mẫu mũ bảo hiểm của 3 cửa hàng đem đi xét nghiệm chất lượng kết quả có 2 mẫu không đạt chất lượng theo QCVN 2: 2008/BKHCN. Chi cục Quản lý thị trường Tây Ninh đã quyết định xử phạt hành chính đối với các cửa hàng vi phạm và quyết định không cho lưu thông 8 mẫu mũ bảo hiểm với số lượng gồm 338 cái của 8 cửa hàng, do không có nhãn hàng hoá và không có dấu hợp quy CR.

Thực tế hiện nay việc quản lý và kiểm tra, đánh giá chất lượng mũ bảo hiểm, ngay cả với các cơ quan chức năng ở địa phương cũng rất khó khăn, mũ thật, mũ giả bán tràn lan, khó phân biệt. Người dân mua mũ để sử dụng lại càng khó khăn trong việc lựa chọn hàng thật hay hàng giả. Để bảo vệ an toàn tính mạng và sức khoẻ của bản thân và gia đình, mọi người nên mua và sử dụng mũ bảo hiểm khi biết rõ nguồn gốc, cơ sở sản xuất, trên vỏ mũ có ghi nhãn hàng hoá và gắn dấu hợp quy CR.

Xin nêu ra hai trường hợp tai nạn giao thông liên quan đến mũ bảo hiểm để mọi người xem xét:

Vào khoảng hơn 19 giờ ngày 12.3.2012, anh Nguyễn Văn Ba (SN 1986, thường trú xã Tân Hội, Tân Châu) điều khiển mô tô đi trên đường 785 thuộc địa phận xã Tân Hội. Trong trạng thái say xỉn, anh Ba đã tông xe mô tô vào em Phạm Văn Hải (SN 1999) đi xe đạp cùng chiều. Tai nạn xảy ra làm hai xe và hai người ngã văng xuống đường nhựa, em Hải bị gãy tay, còn anh Nguyễn Văn Ba bị đập đầu xuống đường, chiếc mũ bảo hiểm đội trên đầu bị vỡ làm nhiều mảnh, anh bị chấn thương ở đầu, chảy máu tai, máu miệng và khi đưa đến bệnh viện thì anh Ba đã chết. Kiểm tra cái mũ bảo hiểm của anh Ba đội đã bị vỡ thì thấy mũ có kích thước nhỏ, mũ rất mỏng, rất nhẹ, trên vỏ mũ không có ghi nhãn hàng hoá và không gắn dấu hợp quy CR.

Ngày 26.2.2012, ông Phạm Văn Canh (SN 1960, thường trú xã Tân Hội, Tân Châu) điều khiển mô tô trên đường 785 đi từ Thị xã về Tân Châu, trong trạng thái say xỉn và phóng xe tốc độ nhanh. Đến khu vực xã Tân Phú, ông Canh đã tông xe mô tô vào chiếc xe lôi chạy cùng chiều. Cú va chạm rất mạnh làm mô tô ngã xuống đường, ông Canh bị ngã văng và bay đi cách xa khoảng 5m, đầu ông đập xuống đường nhựa, nằm bất tỉnh, trong khi đó chiếc mũ bảo hiểm của ông vẫn dính chặt trên đầu và không bị vỡ. Nhiều người dân đã đưa ông đi bệnh viên cứu chữa, nhưng mọi người đều nói ông ta chắc chết, không cứu được. Chiều ngày hôm sau đã thấy ông Canh trở về nhà và đi lại, chuyện trò bình thường. Bạn bè và bà con lối xóm đến thăm hỏi, ông ân hận nói với mọi người: Lỗi tại tôi, uống quá chén, say xỉn vẫn còn đi xe mô tô tham gia giao thông. Ông cầm chiếc mũ bảo hiểm và nói như khoe với mọi người: Chiếc mũ này to và nặng như cái nồi cơm điện, nhưng tôi đội trên đầu lâu ngày cũng quen, tôi mua nó tới 470.000đ. Mũ chất lượng tốt thiệt, bị tai nạn như thế mà đầu tôi không bị chấn thương. Tôi còn sống là nhờ cái mũ bảo hiểm này!

CÔNG HUÂN

 

Từ khóa:
Tin liên quan