Đọc báo in
Tải ứng dụng
Nhiều nông dân ở Hiệp Thạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng
2020-01-23 17:19:54

Địa hình bằng phẳng, một mặt tiếp giáp với sông Vàm Cỏ Đông, bên trong nội đồng có hệ thống kênh mương thủy lợi lòng hồ Dầu Tiếng luôn đảm bảo đủ nước tưới vào mùa khô. Nhờ vậy mà đất nông nghiệp ở địa phương này phù hợp với nhiều loại cây trồng.

Xã Hiệp Thạnh (Gò Dầu) có diện tích tự nhiên hơn 3.874 ha, trong đó đất nông nghiệp gần 3.426 ha, chiếm trên 88%. Ngoài vùng chuyên canh lúa ở các cánh đồng trũng ven sông rạch, các cánh đồng vùng gò giồng phù hợp với các loại hoa màu, nhất là phù hợp với nhiều loại cây ăn trái.

Thực hiện cơ cấu lại trong nông nghiệp, theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích đất trồng, những năm qua nhiều hộ nông dân ở đây mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, từ đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao hơn, nhất là các loại cây ăn trái.

Nông dân xã Hiệp Thạnh trồng khóm.

Ông Phạm Thành Thuế- Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh cho biết, trong vòng hai năm nay, nông dân đã trồng mới 25 ha sầu riêng, nâng tổng số diện tích đất trồng sầu riêng hiện có lên 75 ha. Đây là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao nhất ở địa phương. Nhưng nhiều nhất hiện nay ở đây diện tích đất trồng nhãn. Tính đến nay, trên địa bàn có 180 ha đất trồng nhãn.

Ngoài ra, ở địa phương còn vườn chôm chôm,với khoảng 15 ha và các loại cây khác như thanh long, mít, quýt, vú sữa, chanh, bưởi da xanh...mỗi loại có diện tích từ 2 ha đến 5 ha. Đáng lưu ý, trong năm 2019, một số nông dân Hiệp Thạnh đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nhà máy chế biến thực phẩm trồng mít Thái và khóm (dứa, thơm).

Mít Thái được một số hộ nông dân ấp Tầm Lanh đăng ký với nhà máy trồng 4,2 ha và đã xuống giống cách đây vài tháng. Còn khóm được trồng ở cánh đồng ấp Chánh. Để hỗ trợ nhau trong sản xuất, những người đăng ký trồng khóm ở ấp Chánh đã thành lập tổ liên kết với 5 thành viên và diện tích đất trồng 4 ha liền kề nhau.

Hiện nay, các thành viên trong tổ đang xuống giống cây khóm. Đáng lưu ý, để có con đường giao thông nội đồng đến cánh đồng trồng khóm, các thành viên trong tổ liên kết sẵn sàng hiến đất làm mới một con đường dài 450 mét, rộng 3 mét.

Ông Thuế cho biết thêm, có thể mở rộng vùng nguyên liệu khóm ở khu vực ấp Chánh này được khoảng 30 ha; khu vực trồng mít Thái ở Tầm Lanh có khả năng mở rộng diện tích lên 20 ha. Lãnh đạo xã luôn tạo điều kiện và khuyến khích nông dân ở đây tiếp tục đăng ký mở rộng diện đất trồng khóm. Hiện nay, một bộ phận nông dân Hiệp Thạnh vẫn tiếp tục đầu tư chuyển đổi cây trồng trên các diện đất sản xuất lúa kém hiệu quả.

Vườn cây ăn trái ở xã Hiệp Thạnh.

Dự kiến đến cuối năm 2020, diện tích đất trồng sầu riêng trên địa bàn tăng lên 120 ha; diện tích đất trồng nhãn 250 ha. Hai loại cây ăn trái chính này tập trung nhiều tại các ấp Xóm Bố, Tầm Lanh và một phần ở ấp Cây Da. Các loại cây ăn trái khác như thanh long, xoài, mít, cây có múi... phát triển phù hợp theo từng vùng đất. Cụ thể như cây bưởi phát triển 10 ha ở ấp Chánh; cây khóm 20 ha, tập trung tại ấp Chánh và một phần ấp Cây Da; các loại cây ăn trái khác mỗi loại từ 30 đến 45 ha.  

Nhìn chung, nhờ chuyển đổi cây trồng hợp lý, một bộ phận nông dân xã Hiệp Thạnh nâng cao thu nhập, cuộc sống gia đình ổn định. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi cây trồng, nông dân ở đây cũng còn những khó khăn nhất định, nhất là khâu đầu ra sản phẩm. Chỉ trừ số diện tích mít Thái và khóm vừa mới xuống giống là có hợp đồng với nhà máy bao tiêu sản phẩm, còn lại các loại trái cây khác do nhà vườn chủ yếu “tự sản, tự tiêu”, giá cả không ổn định, người trồng không chủ động định giá sản phẩm mình mà luôn do thương lái quyết định.

Để nông dân an tâm và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất sản xuất lúa và hoa màu kém hiệu quả, cần có sự hỗ trợ của các ngành chức năng, như tuyên truyền vận động, hướng dẫn kỹ thuật, tạo điều kiện về giống, vốn sản xuất, nhất là ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm dài lâu...  

N.H

Tin liên quan