Đọc báo in
Tải ứng dụng
Những “điểm đen” trên hương lộ 2
2012-07-07 05:10:00

Ở tỉnh ta nếu có ai đó “cắc cớ” tổ chức bình chọn về mặt đường xấu thì chắc chắc hương lộ 2, đoạn trên địa bàn từ xã Gia Lộc đến xã Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng) nằm ở tốp dẫn đầu…

(BTN)- Ở tỉnh ta nếu có ai đó “cắc cớ” tổ chức bình chọn về mặt đường xấu thì chắc chắc hương lộ 2, đoạn trên địa bàn từ xã Gia Lộc đến xã Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng) nằm ở tốp dẫn đầu.

Do đặc thù công việc, chúng tôi thường xuyên rong ruổi trên khắp các đường trong tỉnh và quả thật theo quan sát của chúng tôi, chưa có đường giao thông nào xuống cấp trầm trọng như hương lộ 2. Đường xuống cấp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông hiện nay.

Thực trạng đáng lo ngại

Từ cổng văn hoá ấp Suối Cao B (xã Phước Đông, huyện Gò Dầu) đi vào hương lộ 2 khoảng 2 km, đến địa phận ấp Lộc Khê (xã Gia Lộc), người tham gia giao thông bắt đầu gặp nhiều “ổ voi” to tướng nằm ngang đường. Vào những ngày nắng ráo, người đi đường nhìn thấy những “ổ voi” này sâu hay cạn, có thể điều khiển phương tiện giao thông “né qua né lại” được thì còn đỡ nguy hiểm. Những lúc có mưa, nước ứ đọng đầy mặt đường, khiến người tham gia giao thông không biết chỗ nào sâu, chỗ nào cạn, vô tư cho xe chạy ngang, thế là xe bị ngập nước. Xe hai bánh thì dễ bị chao đảo, té ngã. Xe 4 bánh, loại “gầm” thấp thì bị “sạt lườn”, thậm chí, xe bị mắc kẹt, không chạy tới, “de” lui được. Những ngày cuối tháng 5 vừa qua, chúng tôi cùng Hội Bảo trợ người nghèo tỉnh và các nhà hảo tâm đến xã Lộc Hưng làm công tác xã hội từ thiện. Lần nào cũng vậy, mỗi khi đi ngang những “ổ voi” trên con đường này, các tài xế tập trung điều khiển đến đổ mồ hôi hột, nhưng vẫn bị dính bẫy.

Xe tải cày xới trên hương lộ 2

Trên hương lộ 2, đoạn ngang địa phận ấp Lộc Thành (xã Lộc Hưng) cũng có một vài nơi mặt đường bị lún xuống khá sâu. Do đoạn đường này là đường ngắn nhất nối liền huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) đến các xã của huyện Trảng Bàng, Gò Dầu nên có nhiều loại phương tiện tham gia giao thông. Mỗi lần xe cộ chạy đến những chỗ mặt đường bị lún, tài xế thường điều khiển xe từ lề phải chạy lấn sang lề trái để “né” chỗ đường lún. Những khi có xe trái chiều, không “né” được thì đành phải gồng mình “bò” qua chỗ đường lún. Cả hai cách xử lý này đều dễ gây tai nạn giao thông cho chính người điều khiển phương tiện giao thông và cho người tham gia giao thông khác.

Thử tìm nguyên nhân

Một ngày trong tháng 6, chúng tôi trở lại hương lộ 2 để tìm nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp của con đường này. Bỏ công suốt một giờ ngồi quan sát đoạn đường qua ấp Lộc Khê (xã Gia Lộc), chúng tôi thấy có hàng chục chiếc xe tải chở đầy đất chạy qua lại liên tục trên con đường không lớn. Mỗi lần có một chiếc xe tải chạy ngang qua, tôi có cảm giác mặt đường như run lên, vì phải gồng mình chịu trên lưng một sức nặng quá mức. Phải chăng, chính những chiếc xe tải quá nặng này đã góp phần xé nát mặt đường và làm cho “vết thương” trên con đường ngày càng lở loét sâu thêm.

Bà Nguyễn Thị Trô, 55 tuổi, ngụ ấp Lộc Khê, nhà ở ven hương lộ 2, bức xúc kể: Trước đây, đường này là đường đất đỏ. Sau đó được nâng cấp lên thành đường nhựa. Bà con chúng tôi mừng vô kể. Nhưng mừng vui chưa được bao lâu thì mấy năm nay, không biết xe tải ở đâu mà đến đây chở đất vô ra ầm ầm suốt ngày. Những chiếc xe này đã làm hư hết mặt đường, gây khó khăn cho việc đi lại của bà con. “Mới cách đây vài hôm, ban đêm có người đàn bà chạy xe gắn máy ngang đây, vì không biết trên mặt đường có nhiều hố sâu nên bị té gãy tay”, bà Trô nói.

Khi chúng tôi có mặt ở con đường này thì thấy, hầu hết các “ổ voi” đã được dùng đất lắp lại. Nhưng trên thực tế, việc lắp đất theo kiểu “chữa cháy” này lợi bất cập hại. Thứ nhất, đất lắp mặt đường không lấy đâu xa mà dùng xe móc đất từ bên lề đường đắp lên. Cách làm này, vô tình làm phá vỡ hành lang an toàn của con đường, về lâu dài sẽ dẫn đến giảm tuổi thọ con đường. Thứ hai, những chỗ được dặm vá bằng đất, chẳng những không khô ráo, sạch sẽ mà còn trở nên lầy lội mỗi khi trời đổ mưa. Hầu hết các phương tiện giao thông khi đi ngang qua những chỗ dặm vá này đều “né” sình lầy, chạy lấn sang phía trái chiều, vô tình khiến cho việc đi lại càng “lộn xộn” hơn.

Ở những chỗ mặt đường bị lún thuộc địa phận ấp Lộc Thành (xã Lộc Hưng), ngoài việc có nhiều xe tải chở đất chạy xuôi ngược trên đường, còn có xe chở hàng nông sản, xe ô tô các loại chở khách du lịch, xe buýt đi từ Hoà Thành đi Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) và ngược lại v.v… Tất cả những phương tiện có trọng tải cao này khiến cho hương lộ này trở nên quá tải.

“Né” đường lún, xe ô tô chỉ còn cách chạy lấn sang lề trái.

Thử quan sát tình hình giao thông ở đây, chúng tôi thấy ở những nơi mặt đường hư hỏng nặng, các xe phải chạy lấn xa ra ngoài lề đường. Tình trạng này rất dễ gây sạt lở đường hoặc phương tiện giao thông lật nhào xuống ruộng lúa. Về đêm hương lộ này không có đèn chiếu sáng nên nhiều người đi đường không khỏi bị tai nạn. Chị Mỹ Ngân, bán quán nước giải khát gần một nơi đường lún cho biết: “Nhiều người đi ngang đây đã bị té. Gần đây, nửa đêm, tôi đang ngủ, bỗng nghe có người té cái rầm trước cửa. Tôi ra xem thì thấy một người đàn ông bị ngã, xe gắn máy hư hỏng nặng, may mà ông ta chỉ bị trầy xước chứ không ảnh hưởng đến tính mạng”.

Ngoài những “điểm đen” kể trên, trên hương lộ 2 còn một số nơi khác, mặt đường cũng lún. Những chỗ lún nhẹ, không biết cơ quan, đơn vị hay cá nhân nào, đã cất công lấy đất sét dặm vá. Tuy nhiên, tình hình sau khi dặm vá cũng giống như đoạn đường ngang ấp Lộc Khê: Giao thông càng khó khăn hơn vì bị nhão nhoẹt, trơn trợt mỗi khi trời đổ cơn mưa. Và ngay trước cửa chợ Lộc Hưng- nơi có mật độ giao thông cao nhất- cũng có một “ổ khủng long” nằm “chình ình” giữa ngã ba. Khi chúng tôi đến đây, thấy nước đọng vũng ở “ổ khủng long” này. Mỗi lần có xe ô tô chạy ngang nước văng tung toé. Còn các tay lái xe gắn máy, mô tô thì thi nhau lạng lách để tránh vũng nước.

Nhằm hạn chế tai nạn giao thông, những năm qua tỉnh ta đã có nhiều hoạt động thiết thực như tuyên truyền luật giao thông, văn hoá giao thông, cấm uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông, không chạy xe quá tốc độ v.v… Những hoạt động này đã và đang góp phần nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Tuy nhiên, có một điều phải nhìn nhận rằng, cho dù ý thức người tham gia giao thông đã được nâng cao, nhưng kết cấu hạ tầng giao thông không đảm bảo (đường hẹp, bị xuống cấp, thiếu đèn chiếu sáng…) cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông. Vì vậy, thiết nghĩ ngành Giao thông Vận tải cần có biện pháp khắc phục những đoạn đường hẹp, hư hỏng mới đảm bảo được an toàn cho người đi lại trên đường và góp phần kéo giảm được tai nạn giao thông.

Thảo Nguyên

 

 

Từ khóa:
Tin liên quan