Đọc báo in
Tải ứng dụng
Rượu, bia, thủ phạm của nhiều vụ TNGT
2012-05-12 03:05:00

Rượu, bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT bởi vì khi có rượu, bia người lái xe bị tác động mạnh đến hệ thần kinh phản ứng không chính xác, buồn ngủ, thiếu tập trung, hoặc hưng phấn quá độ, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường và TNGT chắc chắn sẽ xảy ra.

Việc dùng rượu, bia trong các ngày lễ, tết đã trở thành phong tục của người Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nói là “rượu lễ, rượu nghĩa” thì đã hàm ý việc uống rượu phải có nghi thức, có phép tắc và phải có chừng mực. Còn việc mượn chén quá đà thì rượu không còn mang tính chất lễ nghĩa nữa mà rượu chỉ còn là chất độc hại, tàn phá cơ thể, ý chí con người, làm suy sụp gia đình; đặc biệt khi người lạm dụng rượu điều khiển phương tiện đi ra đường, thì rượu trở thành nguy cơ lớn nhất gây ra các vụ tai nạn giao thông.

Thật vậy, rượu, bia là nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT bởi vì khi có rượu, bia người lái xe bị tác động mạnh đến hệ thần kinh phản ứng không chính xác, buồn ngủ, thiếu tập trung, hoặc hưng phấn quá độ, phóng nhanh, vượt ẩu, lấn đường và TNGT chắc chắn sẽ xảy ra. Luật Giao thông đường bộ cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu, bia đối với lái xe ô tô khi tham gia giao thông và hạn chế đến mức rất thấp nồng độ cồn trong máu đối với người lái xe gắn máy. Nghị định 34/CP/2010 cũng quy định rõ mức xử phạt tăng nặng với hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu với mức phạt từ 4 đến 6 triệu đồng đối với người điều khiển xe mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu, hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở. Phạt từ 2 đến 3 triệu đồng với người có nồng độ cồn vượt quá 50-80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,25-0,4mg/1 lít khí thở. Tuy nhiên vi phạm vẫn không giảm, thậm chí nhiều người còn tỏ ra coi thường, khi bị cơ quan chức năng xử lý có biểu hiện chống đối, trốn tránh sự kiểm tra. Theo báo cáo của Đội giao thông trật tự Công an huyện Châu Thành, chỉ riêng năm 2011, có 95 vụ TNGT làm chết 22 người, trong đó riêng các vụ do rượu, bia gây ra làm chết 12 người.

Hiện trường một vụ TNGT do rượu, bia gây ra

Theo thống kê của TAND huyện Châu Thành, từ ngày 1.1.2011 đến nay đã xử 132 vụ án hình sự thì có 22 vụ do vi phạm ATGT, trong đó có 10 vụ làm chết người do có rượu, bia. Điển hình là vụ Trần Văn Tình (SN 1991, ngụ ấp Sa Nghe, xã An Cơ), sau khi uống rượu cùng với bạn, Tình điều khiển mô tô biển số 60K2-6910 đi từ hướng UBND xã An Cơ đến ấp Sa Nghe. Khi đến đoạn đường thuộc ấp Vịnh, do có rượu làm mờ mắt, mất phương hướng nên Tình đã chạy xe lấn sang lề trái tông vào mô tô mang biển số 70S2-5523 do Nguyễn Văn Danh (SN 1991, ngụ ấp Tân Trung, xã Tân Thành, Tân Châu) điều khiển đi chiều ngược lại. Hậu quả, Danh tử vong do chấn thương đầu, mặt, nứt vỡ xương phức tạp, dập phù não nặng. Tình đã phải chịu mức án 3 năm tù giam. Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của Trần Văn Tình là 139mg/ 100ml máu.

Vụ thứ 2 là Trần Minh Tân (SN 1991, ngụ ấp Thanh Trung, Thanh Điền), trong lúc đang uống rượu với bạn thì mẹ ruột của Tân kêu đi rước cha dượng. Chở cha dượng đến khu vực ấp Thanh Trung, xã Thanh Điền, do đã có rượu nên Tân lấn sang trái và đụng vào mô tô do Lê Thành Thạo điều khiển chở theo sau là chị Đoàn Thị Thu Nhiên. Tai nạn xảy ra làm Thạo bị thương còn chị Nhiên bị khuyết sọ vùng thái dương đỉnh trái, mất 72% sức lao động và ảnh hưởng chức năng thần kinh. Đối với Trần Minh Tân, chẳng những nồng độ cồn trong máu của Tân là 189mg/100ml máu (gấp hơn ba lần mức tối đa) mà Tân còn điều khiển mô tô khi không có giấy phép lái xe. TAND huyện Châu Thành đã tuyên phạt Trần Minh Tân 4 năm tù giam.

Về phía nạn nhân thì sao? Thật khó tưởng tượng nổi hậu quả để lại cho người bị tai nạn giao thông. Chúng tôi tới gia đình cô Đoàn Thị Thu Nhiên, ở ấp Cây Xoài, xã Thạnh Phước, huyện Gò Dầu. Bà Hồ Thị Huyền Trân (SN 1967) là mẹ của cô Nhiên tiếp chúng tôi trong nước mắt. Đang là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh năm cuối, chỉ còn 4 tháng nữa Nhiên sẽ trở thành cô giáo. Sau vụ TNGT, Nhiên bị dập não thái dương, phải ráp hộp sọ nhân tạo, tay phải không có cảm giác. Gia đình đã chạy chữa hết gần 200 triệu đồng nhưng kết cục Nhiên vẫn phải sống đời thực vật, mọi sinh hoạt hằng ngày như ăn, uống, tắm rửa đều phải do tay mẹ lo. Bà Trân cho biết, mỗi lần tắm rửa cho con là mỗi lần bà phải khóc, sợ nhất là mỗi khi Nhiên lên cơn động kinh, mắt trợn trừng, bọt mồm bọt mép sùi ra, Nhiên còn la hét rất to, vang động cả đêm khuya. Mỗi lần như vậy bà con lối xóm lại phải chạy tới phụ giúp chăm sóc cho Nhiên! “Có mình nó là con gái, nuôi con từ nhỏ đến lớn, sắp có công ăn việc làm, nay lại không thành người, tôi đứt từng khúc ruột”- tiễn chúng tôi, ông Đoàn Văn Phê (SN 1965) ba của cô Nhiên nói nghẹn ngào.

Được tiếp xúc với một phạm nhân đang thụ án tại Trại tạm giam Công an Châu Thành, chúng tôi được biết Lê Minh Tuấn (SN 1994, ngụ ấp Thanh Hùng, xã Thanh Điền, Châu Thành), sau khi đi đám giỗ nhà ông ngoại về, Tuấn còn sang Long Vĩnh uống rượu tiếp với bạn, trên đường về trong cơn say Tuấn đã gây ra TNGT hậu quả nghiêm trọng. Trong trại giam, Tuấn mới thấy hối hận. Tuấn buồn rầu nói: “Vì rượu mà tôi phải vô đây, thật đáng sợ! Một phút sai lầm mà đã gây ra bao nhiêu đau khổ cho bao nhiêu người khác, bản thân mình phải mang án tù”.

Ngày 31.8.2010, ông Jean-Marc. Olive- Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: Việt Nam là một trong 10 nước có TNGT cao nhất. Theo ông, rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây TNGT tại Việt Nam. Cùng với việc phát động Năm ATGT, mỗi người phải tự ý thức và điều chỉnh hành vi uống rượu, bia. Thay đổi phong tục, thói quen là điều không dễ, đòi hỏi phải có một quá trình, song thiết nghĩ mỗi chúng ta suy nghĩ và lựa chọn giữa “nhiệt tình” trên bàn nhậu hay là an toàn sức khoẻ, tính mạng cho bản thân, gia đình và cộng đồng? Mặt khác, cơ quan chức năng phải xử lý quyết liệt bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật tạo tính răn đe, chặn đứng tình trạng lạm dụng rượu khi điều khiển phương tiện giao thông.

Hà Quang

 

Từ khóa:
Tin liên quan