Đọc báo in
Tải ứng dụng
Sở Thông tin và Truyền thông Tây Ninh đạt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024
2024-10-07 08:07:06

Ngày 5.10, tại Trung tâm Phát thanh Truyền hình Quân đội (Hà Nội), Hội Truyền thông số Việt Nam và Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức lễ trao giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards) năm 2024.

Ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhận Giải thưởng Chuyển đổi số Quốc gia năm 2024.

Đây là giải thưởng thường niên được Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ nhằm tôn vinh những thành tựu chuyển đổi số xuất sắc của các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và cá nhân đã góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Sở Thông tin và Truyền thông Tây Ninh vinh dự đạt giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2024 với “Bộ giải pháp công nghệ số hỗ trợ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại tỉnh Tây Ninh” (giải pháp thuộc hạng mục cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc). 

Giải thưởng Vietnam Digital Awards 2024 tôn vinh 6 đơn vị sự nghiệp, 9 doanh nghiệp và 19 giải pháp chuyển đổi số đã có những đóng góp góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số.

Ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, bộ giải pháp đạt giải thưởng liên quan đến cơ quan nhà nước giúp cho người dân tiếp cận được dịch vụ công của nhà nước nhanh chóng, tiện lợi.

Hiện nay, trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số, việc các ngành, lĩnh vực, địa phương, tổ chức đoàn thể - chính trị của tỉnh cùng xây dựng các app và ứng dụng riêng phục vụ cho mục đích của mình, gây khó khăn trong việc triển khai chuyển đổi số. Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức có quá nhiều tài khoản để nhớ (mỗi app có một tài khoản), dẫn đến không nhớ được gì nên có thể hoặc là để mật khẩu mặc định, hoặc là mỗi lần đăng nhập vào ứng dụng là phải hỏi cán bộ IT của cơ quan, đơn vị gây mất an toàn thông tin.

Ngoài ra, khi sử dụng các ứng dụng triển khai nội bộ thì cài app riêng của từng dịch vụ (nhiều ứng dụng nội bộ), ở vai trò của người dân cũng phải cài nhiều ứng dụng cho nhiều dịch vụ nên trên máy điện thoại dày đặc các ứng dụng.

Giám sát giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông tại Trung tâm giám sát, điều hành tập trung tỉnh Tây Ninh.

Người dân và doanh nghiệp khi muốn sử dụng một dịch vụ công nào do cơ quan nhà nước cung cấp phải cài app riêng hoặc phải truy cập vào các địa chỉ web khác nhau, trên điện thoại nhiều ứng dụng khiến người dân ngại sử dụng các ứng dụng của chính quyền; các cơ quan, tổ chức chính trị xã hội cũng có các hệ thống, ứng dụng riêng, điều này gây khó khăn trong quá trình liên thông dữ liệu, chia sẻ, trao đổi công việc giữa các đơn vị với nhau, mất nhiều thời gian cho công tác tổng hợp, báo cáo số liệu về các chỉ tiêu kinh tế, xã hội cho lãnh đạo tỉnh.

Bên cạnh các vấn đề trên, hệ thống camera giao thông, camera giám sát tại các bộ phận tiếp nhận hồ sơ (bộ phận một cửa) chưa có sự liên kết, thống nhất giữa các đơn vị hành chính, gây khó khăn trong quá trình giám sát hoạt động của cán bộ tại bộ phận một cửa khi phục vụ người dân, doanh nghiệp và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Để giải quyết các vấn đề trên, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo việc xây dựng một bộ giải pháp dùng chung cho toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhằm hỗ trợ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Ông Nguyễn Trung Hiếu cho biết thêm, hệ thống giám sát, phân tích, điều hành thông minh (IOC) đóng vai trò là bộ não trung tâm của bộ giải pháp, bao gồm 3 khối chức năng chính: Trục tích hợp dữ liệu; khối phân tích và khối hiển thị. Trong đó, hệ thống giám sát các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo định kỳ về: ngân sách, đầu tư; chỉ tiêu nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, xuất nhập- khẩu khẩu; chỉ tiêu xã hội, môi trường; chi tiêu y tế, giáo dục, du lịch; giám sát nhóm chỉ số PCI, PAPI Index, ICT Index...

Hiện tại, bộ giải pháp đáp ứng các yêu cầu theo mô hình khuyến nghị của Bộ TT&TT, thực hiện kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu với các hệ thống dùng chung khác mà tỉnh Tây Ninh đang triển khai, như: Hệ thống giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh được tích hợp thông tin các dịch vụ đô thị thông minh chủ yếu, bao gồm các dịch vụ: phản ánh hiện trường (1022), quan trắc chất lượng môi trường, camera giám sát ANTT, ATGT, giám sát thông tin trên môi trường mạng, các dịch vụ y tế, giáo dục,... và tích hợp thông tin, dữ liệu từ các hệ thống chính quyền điện tử như hệ thống văn bản điều hành, cổng dịch vụ công, hệ thống báo cáo, các hệ thống, cơ sở dữ liệu của các ngành, lĩnh vực.

UBND thành phố Tây Ninh ký kết hợp tác chuyển đổi số với Viettel Tây Ninh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.

Các số liệu được tổng hợp và hiển thị trực quan dưới dạng biểu đồ giúp người sử dụng dễ hình dung và so sánh. Việc triển khai Hệ thống giám sát, điều hành đô thị thông minh bước đầu giúp lãnh đạo tỉnh có được cái nhìn tổng quan về các số liệu liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, địa phương cũng như của các ngành, lĩnh vực.

Bộ giải pháp đã và đang được người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đánh giá tốt về chất lượng, tính đơn giản, dễ sử dụng. Ứng dụng đã có hơn 500.000 lượt tải về trên 2 kho ứng dụng Appstore và CHPlay; được các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ đánh giá tốt về chất lượng và thường xuyên sử dụng để giám sát, điều hành tình hình giao thông trên địa bàn tỉnh.

Tâm Giang

Tin liên quan