Đọc báo in
Tải ứng dụng
Suy nghĩ về một số giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông
2012-10-31 09:24:00

Để kiềm chế sự gia tăng của tai nạn giao thông, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành đồng bộ các biện pháp, trước hết phải xoá bỏ, khắc phục hạn chế những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, nhất là con người, phương tiện và phát triển hạ tầng cơ sở giao thông.

(BTN)- Tai nạn giao thông hiện là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nước ta. Qua thống kê mỗi ngày có đến gần 30 người chết vì tai nạn giao thông, hằng năm xảy ra hàng chục ngàn vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết cả chục ngàn người và làm hàng chục ngàn người khác bị thương. Thống kê riêng ở Tây Ninh của cơ quan chức năng cho thấy, trong 3 năm 2009, 2010 và 2011 trung bình mỗi tháng có đến hơn 17 người chết vì TNGT đường bộ. Cụ thể trong năm 2009, TNGT đã xảy ra 1.053 vụ, làm chết 181 người, làm bị thương 1.329 người. Năm 2010 xảy ra 1.147 vụ, làm chết 205 người, làm bị thương 1.436 người. Đến năm 2011 số vụ TNGT xảy ra là 1.274 vụ, làm chết 232 người và bị thương 1.704 người. Bên cạnh đó là những thiệt hại rất nặng về kinh tế, bao gồm chi phí khắc phục thiệt hại về người và tài sản. Qua phân tích đánh giá cho thấy, tai nạn giao thông xảy ra nhiều là do các nguyên nhân: thứ nhất, do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; thứ hai, do hệ thống tổ chức giao thông đường bộ không hợp lý, còn thiếu sót, bất cập; thứ ba, do mật độ phương tiện tham gia giao thông trên đường giao thông công cộng tăng nhanh; thứ tư, do công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng chưa được duy trì thường xuyên hoặc xử lý chưa nghiêm; thứ năm, do công tác tuyên tuyền pháp luật về ATGT của một số nơi chưa được chú trọng thường xuyên …

Kiểm tra hành chính người vi phạm trật tự ATGT. Ảnh minh hoạ

Theo đánh giá của Uỷ ban ATGT quốc gia về tổng kết thiệt hại tài sản do tai nạn giao thông gây ra hằng năm là khoảng 15.000 tỷ đồng. Và chỉ riêng số tiền điều trị cho các trường hợp bị tai nạn giao thông đã bằng với tổng số tiền để điều trị cho tất cả các bệnh nhân khác trong xã hội. Để kiềm chế sự gia tăng của tai nạn giao thông, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành đồng bộ các biện pháp, trước hết phải xoá bỏ, khắc phục hạn chế những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, nhất là con người, phương tiện và phát triển hạ tầng cơ sở giao thông.

Thứ nhất, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn Luật Giao thông đường bộ cho nhân dân, vì qua phân tích các vụ tai nạn giao thông cho thấy, trên 80% số vụ tai nạn giao thông xảy ra là do con người tham gia giao thông gây ra, đó là nguyên nhân chính quyết định đến vấn đề tai nạn giao thông tăng hay giảm. Có thể nói ai cũng biết vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, uống rượu, bia rồi điều khiển phương tiện… hoặc là đưa các phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật vào tham gia giao thông… là rất nguy hiểm và sẽ dẫn đến tai nạn giao thông nhưng vẫn cố tình vi phạm. Vì thế chúng ta phải đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như tuyên truyền trực tiếp cho mọi người, nội dung tuyên truyền dễ hiểu, phù hợp với từng thời điểm, từng đối tượng. Đặc biệt, ngành Giáo dục cần sớm đưa môn học Luật Giao thông vào học chính khoá từ bậc tiểu học. Vì đây là biện pháp sâu rộng nhất, thiết thực nhất nhằm giáo dục cho công dân từ khi còn là học sinh thực hiện ngay khi đi từ nhà đến trường, từ trường về nhà. Khi tuyên truyền cần chú ý tập trung nhiều đối với người điều khiển xe cơ giới, người sinh sống, làm ăn trên các trục giao thông… Tuyên truyền cho những người đi xe môtô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện cần nghiêm túc trong thực hiện đội mũ bảo hiểm và cài quai đúng quy cách để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ cho chính mình và người thân khi tham gia giao thông.

Hai là cần chú trọng công tác tổ chức giao thông để chủ động phòng ngừa tai nạn giao thông: Hiện nay ý thức của người tham gia giao thông chưa tự giác cao, hoặc thiếu hiểu biết về Luật Giao thông, về hệ thống biển báo giao thông và hạ tầng cơ sở còn lạc hậu hoặc chưa đồng bộ, thì việc tổ chức giao thông đã và đang có tác dụng lớn có thể ngăn ngừa được tai nạn giao thông xảy ra. Trong đó cần chú ý: Tại những nơi đoạn đường cong thường xảy ra tai nạn giao thông nên làm tường hộ lan để tránh cho các phương tiện đi đến đây bị lao ra khỏi đường; Tại một số nút giao thông, việc thiết kế vòng xuyến, tiểu đảo không phù hợp với thực tế cần điều chỉnh cho phù hợp để người tham gia giao thông dễ nhận biết và phương tiện qua lại an toàn; tại những đoạn đường thường xảy ra tai nạn giao thông thường xuyên lắp đặt mới và kiểm tra các biển báo hạn chế tốc độ, biển cảnh báo hoặc sơn các gờ giảm tốc để hạn chế tốc độ của các phương tiện khi qua đây. 

Ba là cần tăng cường công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm hành chính về giao thông. Đây là hoạt động công khai của lực lượng CSGT, cần phải được tiến hành một cách thường xuyên trên các tuyến đường trọng điểm và vào các giờ thường xảy ra tai nạn giao thông. Với cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát giao thông (TTKSGT) phải mạnh và trong sạch, sẽ làm tăng tính tự giác, ngăn ngừa hạn chế các trường hợp vi phạm lĩnh vực TTATGT, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là đối với các lỗi là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT sẽ tạo tâm lý an tâm cho người tham gia giao thông trên các tuyến đường. Sự có mặt thường xuyên của lực lượng CSGT trên các tuyến hoặc thường xuyên kiểm tra tốc độ còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm hình sự, chặn đứng được các hành vi: đua xe, chạy xe lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ… Phải đưa ra truy tố, xét xử nghiêm đối với các trường hợp vi phạm TTATGT để xảy ra TNGT gây hậu quả nghiêm trọng làm chết người hoặc bị thương nhiều người mà lỗi chính là do người điều khiển phương tiện, có như vậy mới có tác dụng răn đe phòng ngừa TNGT hiệu quả.

Kế đến là cần phải tăng cường trang bị phương tiện, công cụ hiện đại cho lực lượng làm nhiệm vụ giữ gìn TTATGT. Và cuối cùng là các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về TTATGT. Cần khắc phục việc buông lỏng quản lý Nhà nước về TTATGT cả về giao thông động và giao thông tĩnh: về hành lang ATGT, về TTATGT đô thị, về phát triển mạng lưới giao thông, về quản lý phương tiện giao thông, về tăng cường phương tiện giao thông công cộng, về quản lý kiểm định đối với phương tiện cơ giới, về đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe… Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTATGT, nhất là Luật Giao thông đường bộ để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về TTATGT bằng pháp luật. Bên cạnh đó phải huy động được sức mạnh của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong công tác đảm bảo TTATGT.  

Minh Thiện

Từ khóa:
Tin liên quan