Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tai nạn giao thông - một vài vấn đề về đạo lý và pháp lý
2012-06-23 04:45:00

Trong một vụ TNGT (thậm chí chỉ va quẹt) xảy ra, thường không tránh khỏi hậu quả thiệt hại về người, tài sản. Để cứu người, khắc phục hậu quả và có căn cứ giải quyết về sau, rất cần sự có mặt kịp thời của người cứu giúp và người làm chứng…

(BTN)- Trong một vụ TNGT (thậm chí chỉ va quẹt) xảy ra, thường không tránh khỏi hậu quả thiệt hại về người, tài sản. Để cứu người, khắc phục hậu quả và có căn cứ giải quyết về sau, rất cần sự có mặt kịp thời của người cứu giúp và người làm chứng…

Cứu người lại gặp nạn(!?)

Anh Nguyễn Văn L (49 tuổi) kể: Hôm đó tôi đi bằng xe gắn máy từ huyện Tân Châu về Thị xã trên đường 785. Khi qua khỏi núi Phụng (Thạnh Tân, Thị xã), trời tối om, mưa rất lớn, đường lại vắng… Bất ngờ tôi nhìn thấy bên lề đường, có một người đàn ông mặt mày đầy máu nằm bất động cạnh chiếc xe Wave. Tôi liền dừng xe, vì đi một mình nên tôi loay hoay chưa biết làm sao. Lát sau, tôi cùng một người đi đường khác chở người bị nạn đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. Tại đây ê kíp cấp cứu của bệnh viện hỏi người nhà nạn nhân, bí thế tôi phải “làm người thân bất đắc dĩ” để lo tiền thuốc thang, viện phí kịp thời… Sau đó, lực lượng CSGT Thị xã đến. Thấy trên người tôi có dính máu (do ẵm nạn nhân), họ nghi tôi gây ra tai nạn nên tạm giữ chờ điều tra… Rất may sau đó người nhà nạn nhân cùng một số nhân chứng tại hiện trường cho biết, anh ta do say rượu, chạy xe không làm chủ được đã tự té gây tai nạn. Đến lúc này tôi mới được “giải oan” (!?).

Một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết 3 người trong gia đình ở ngã tư Bình Minh.

Một vụ TNGT chết người khác xảy ra ở địa bàn huyện Dương Minh Châu cách nay không lâu, thông tin ban đầu rất mù mờ, chiếc ô tô gây tai nạn đã bỏ chạy, bỏ mặc cho cụ già đi xe đạp chết ngay sau đó… Cuối cùng nhờ có người dân chứng kiến, nhớ được biển số xe tỉnh Đồng Nai và một vài đặc điểm của chiếc xe… Đội điều tra án vào cuộc. Và chỉ trong 24 giờ, các chiến sĩ công an đã đến tận địa bàn tỉnh Đồng Nai truy ra kẻ gây án, khi người ấy chưa kịp xoá vết máu còn dính trên xe… Điều đó cho thấy, nhân chứng trong các vụ TNGT vô cùng quan trọng, tạo điều kiện cho cơ quan công an làm sáng tỏ vụ án. Tại ngã tư Bình Minh (Thị xã), nơi từng là “điểm đen” về TNGT, đã có vụ làm chết cả hai vợ chồng và đứa con 7 tuổi đi mô tô bị xe máy cày cán qua khi đèn tín hiệu từ đỏ chuyển qua xanh, lỗi do tài xế (không có bằng lái) bất cẩn. Tai nạn quá thương tâm! Tại hiện trường, cảnh tượng thật đau lòng: Đứa bé nằm bất động do bánh máy cày cán ngang. Hai vợ chồng trẻ vẫn còn… giãy giụa. Mọi người tụ lại khá đông, nhưng không ai gọi xe, chở người bị nạn đưa đi cấp cứu cho kịp thời… Mãi đến hơn nửa giờ sau, xe của lực lượng Cảnh sát 113 mới đến đưa đi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cũng chính vì gặp quá nhiều phiền phức nên rất ít người tình nguyện cứu giúp. Một người dân sống gần đấy cho biết, mỗi khi tại đây có tai nạn gây thương vong, mấy tài xế chạy xe lôi đậu gần đấy tìm cách bỏ chạy đi mất… vì ngại chở nạn nhân. Nhiều khi không được trả tiền xe, mà còn bị liên luỵ. Anh Lý Hiển, nhà gần đấy cho biết có lần TNGT xảy ra giữa hai mô tô làm ba người bị thương, anh gọi xe lôi đưa đi cấp cứu, đến bệnh viện thì… bị “giữ lại chờ làm rõ” .

Dù cách hành xử của một vài người thực thi pháp luật về giao thông, có thể có “chuyện này chuyện nọ”, khiến một số người ngán ngại khi cứu nạn. Tuy nhiên trong thực tế cũng có rất nhiều người tốt bụng, khi ra đường thấy người khác gặp nạn liền ra tay cứu giúp một cách vô tư. Bởi tính mạng con người là vô giá, cứu người là nghĩa cử cao cả từ bản chất của đạo lý, tình người của dân tộc ta.

Người canh gác “ngã tư tử thần”

Như đã nêu ở phần trên, ngã tư Bình Minh, nơi giao nhau giữa QL22B, đường Tua Hai và đường vào xã Bình Minh (Thị xã) tình hình trật tự ATGT rất phức tạp. Khi có tai nạn hay va quẹt giao thông, do địa điểm xảy ra ở vùng ngoại ô, cho nên lực lượng CSGT thường đến trễ. Do vậy, việc tạm giữ đối tượng, bảo vệ hiện trường là rất cần thiết về sau…

Ngã 4 Bình Minh (Thị xã)

Tại góc ngã tư này, anh Nguyễn Thảo Anh, một thanh niên sống bằng nghề rửa xe cũng hay “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Anh kể, ngay khi xe tông nhau, anh có mặt kịp thời, phân tích lỗi phải để hoà giải hai bên (nếu chỉ sây sát nhẹ), còn nếu gặp những tai nạn nghiêm trọng thì điện báo Cảnh sát GT-TT Thị xã. Trong thời gian chờ, yêu cầu đôi bên bảo vệ hiện trường. Nếu có người bị thương, anh liền gọi xe đưa đi cấp cứu. Trước nay anh đã từng ra tay hoà giải, đưa cấp cứu hàng chục vụ như vậy. Anh tâm sự: “Thấy tôi làm công không, bỏ chuyện nhà lo việc bao đồng, chẳng được lợi gì… vợ con tôi cằn nhằn lắm. Nhưng tôi nghĩ cốt là để cứu người và kịp thời phân định đúng-sai. Sau đó nhận được lời cảm ơn của người bị nạn là hạnh phúc lắm rồi”. Anh không chỉ sẵn sàng tham gia làm chứng cung cấp thông tin cho việc điều tra, cho cơ quan báo chí kịp thời, mà nhiều lúc còn rượt đuổi bắt kẻ gây tai nạn rồi bỏ chạy. Cách nay không lâu, tại đây có ba xe gắn máy đụng nhau. Nguyên nhân do một xe chạy ẩu gây ra, hai thanh niên đi xe ấy bỏ chạy hướng về xã Bình Binh… Thấy vậy, Thảo Anh liền lấy mô tô rượt theo yêu cầu họ quay trở lại hiện trường, chờ Công an Thị xã đến xử lý. Một người khác ngụ trên đường Tua Hai (KP2, P1, TX) cũng thường ra tay cứu nạn. Đó là ông Ngọc và mấy người con trai trong gia đình. Nhà ông có chiếc xe tải. Hễ nghe có người bị thương do tai nạn, gia đình ông liền bỏ hàng hoá xuống xe chở nạn nhân đi bệnh viện…

Trong một vụ TNGT (thậm chí chỉ va quẹt) xảy ra, thường không tránh khỏi hậu quả thiệt hại về người, tài sản. Pháp luật về hình sự và dân sự sẽ xử lý mỗi khi có sự kiện pháp lý xảy ra. Để cứu người, khắc phục hậu quả và có căn cứ giải quyết về sau, rất cần sự có mặt kịp thời của người cứu giúp và người làm chứng…

Cơ quan chức năng nói gì?

Theo thiếu tá Nguyễn Thanh Bình - Đội phó Đội tuyên truyền, điều tra, giải quyết TNGT và xử lý vi phạm thuộc Phòng CSGT- Công an Tây Ninh, để làm rõ nguyên nhân trong những vụ TNGT thì cần phải có nhân chứng khách quan. Theo quy định, thì cán bộ thụ lý vụ án có thể lấy lời khai tại hiện trường (khi nhân chứng có ở hiện trường) hoặc có thể mời họ đến cơ quan công an làm việc. Trong trường hợp nhân chứng không còn ở hiện trường thì cán bộ điều tra vụ án phải đến tận nhà để ghi lời khai. Còn việc người dân phản ánh, khi làm nhân chứng trong những vụ TNGT thường bị cơ quan công an “làm khó” mời lên mời xuống nhiều lần, ảnh hưởng đến việc làm ăn của họ là không đúng. Nếu thực tế có xảy ra như vậy lỗi thuộc về cán bộ thụ lý án…

- Khoản 1, Điều 134, BLTTHS quy định về người làm chứng: Trong trường hợp người làm chứng đã được Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc họ vắng mặt gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố thì cơ quan đã triệu tập người làm chứng, có thể ra quyết định dẫn giải.

Như vậy, người biết được sự việc trong án hình sự (TNGT) đều phải có nghĩa vụ trả lời cho cơ quan pháp luật…

- Điều 102, BLHS quy định về “Tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” như sau: Người nào thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù và có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Điều luật này mang tính bắt buộc mọi công dân, cũng nhằm răn đe, giáo dục sâu rộng về đạo đức… Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần phải khuyến khích, tạo điều kiện cho họ thực hiện nghĩa vụ công dân của mình…

Thiếu tá Bình còn cho biết, theo Điều 38- Luật Giao thông đường bộ quy định “Trách nhiệm  của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra TNGT” như sau: Những người có mặt tại nơi xảy ra tai nạn có trách nhiệm bảo vệ hiện trường; giúp đỡ, cứu chữa kịp thời người bị nạn; báo tin ngay cho cơ quan công an, y tế hoặc UBND nơi gần nhất; bảo vệ tài sản của người bị nạn và cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; người điều khiển phương tiện khác khi đi qua nơi xảy ra vụ tai nạn, có trách nhiệm chở người bị nạn đi cấp cứu (trừ những phương tiện được quyền ưu tiên, xe chở người được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao…). Việc cấp cứu người bị nạn là trách nhiệm của mọi người, nếu có ai đó đưa nạn nhân đến bệnh viện, thì cán bộ công an hay bệnh viện phải hỏi để nắm thông tin để biết rõ, để phân biệt với đối tượng gây tai nạn, và có thể đề nghị địa phương khen thưởng. Chẳng hạn vụ TNGT đường thuỷ xảy ra cách nay không lâu (đoạn sông Vàm Cỏ Đông, chảy qua xã Cẩm Giang, Gò Dầu), Phòng CSGT- CATN, đã đề nghị địa phương khen thưởng cho một thanh niên đã cứu sống 5 người khác. Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi, hầu như việc khen thưởng cho những công dân tốt từ những vụ TNGT đường bộ thì ít được quan tâm, trong khi tai nạn xảy ra nhiều và phức tạp (!?).

Chung quanh vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với BS. Lê Hồng Phước - Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh. Ông cho biết, bình quân hằng năm bệnh viện tiếp nhận khoảng hơn 10.000 ca cấp cứu, trong đó TNGT là 6.663 ca (gần hai phần ba). Khi bệnh nhân bị TNGT, nếu được cấp cứu và điều trị kịp thời và đúng cách sẽ giảm được mức độ tổn thất, thương vong cho người bệnh. Trường hợp là chấn thương sọ não, bệnh nhân càng cần phải được cấp cứu thật nhanh chóng, tuỳ vào loại tổn thương sọ não, nếu phải phẫu thuật thì phẫu thuật đúng lúc mới có nhiều hy vọng cứu sống người bệnh và giảm thiểu di chứng về sau. Trong chuyên môn gọi đây là “thời gian vàng để cứu bệnh nhân”. Qua ý kiến của BS Phước, ta thấy rằng việc cấp cứu kịp thời trong TNGT, chỉ có thể là những người có mặt tại hiện trường mới có thể tranh thủ để tận dụng được “thời gian vàng” này.

 Ngoài ra, BS Phước còn cho biết, trong trường hợp các cán bộ công an đề nghị BV cung cấp các chi tiết có liên quan tới bệnh nhân bị TNGT, chúng tôi sẽ đáp ứng các yêu cầu dựa trên tinh thần thoả thuận trước đây giữa ngành Y tế và ngành Công an. Nếu người đi đường đưa bệnh nhân vào cấp cứu, BV không có quy định giữ người để điều tra. Tuy nhiên, trong thời gian qua, có trường hợp người gây tai nạn nhưng lại mạo nhận là “người đi đường” đưa bệnh nhân đến cấp cứu để rồi cuối cùng bỏ trốn. Do đó BV khuyến cáo các tua trực, nếu người đưa đến có vẻ khả nghi là người gây tai nạn (vẻ mặt hốt hoảng, trên người có dấu vết thương tích), bác sĩ trực phải ghi lại họ, tên, địa chỉ, số CMND của họ. Trường hợp người đi đường có tấm lòng đưa người bị nạn vào cấp cứu, họ luôn sẵn sàng hợp tác với bệnh viện, cung cấp đúng họ tên, địa chỉ để liên lạc khi cần. Đa số các trường hợp chính những người đưa bệnh nhân vào cấp cứu tìm cách nhắn tin, liên lạc với người nhà nạn nhân.

Lê Minh

 

 

 

Từ khóa:
Tin liên quan