Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tây Ninh: Xây dựng kế hoạch hỗ trợ chứng nhận VietGAP cây ăn trái
2020-08-20 08:54:26

UBND tỉnh vừa phê duyệt kế hoạch hỗ trợ chứng nhận VietGAP cây ăn trái trên địa bàn tỉnh năm 2020, với mục tiêu xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh gắn theo yêu cầu thị trường, liên kết với sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Thực hiện Đề án “Cơ cấu lại nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, phấn đấu đến cuối năm 2020, diện tích sản xuất một số loại cây ăn trái đặc sản chủ lực của tỉnh như sau: mãng cầu 5.450 ha, chuối 2.360 ha, xoài 2.845 ha, cây bưởi 1.370 ha, nhãn 4.435 ha; tăng diện tích trồng thơm và một số loại cây ăn quả đặc sản có giá trị cao lên khoảng 3.000 ha. 

Trồng chuối xuất khẩu.

Bên cạnh đó, theo nhu cầu thực tế chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các huyện Tân Biên, Tân Châu, Gò Dầu, Dương Minh Châu, hiện nay, diện tích trồng bưởi, mít, nhãn, sầu riêng khá lớn và có xu hướng tăng mạnh.

Tuy nhiên, các thị trường tiêu thụ nông sản ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, trong đó, đặc biệt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đòi hỏi người sản xuất phải sản xuất theo quy trình GAP và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đối với thị trường trong nước và một số nước trong khu vực, sản phẩm rau, quả cần phải đạt tiêu chuẩn VietGAP mới đáp ứng được yêu cầu lưu thông trên thị trường và tiêu chuẩn GlobalGAP - hướng đến xuất khẩu tới các thị trường "khó tính".

Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ chứng nhận VietGAP cây ăn trái trên địa bàn tỉnh năm 2020. Mục tiêu của kế hoạch là xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh gắn theo yêu cầu thị trường, liên kết với sơ chế, chế biến và tiêu thụ; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hướng tới xuất khẩu các loại cây ăn trái đặc sản và những loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao.

Hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hộ nông dân đầu tư vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nâng cao năng suất, chất lượng, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người sản xuất; quản lý quá trình sản xuất, kinh doanh bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Một vườn cam xoàn tại xã Tân Bình, huyện Tân Bien.

Phấn đấu đến năm 2025, diện tích sản xuất cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt 36.933 ha, chủ yếu phát triển diện tích sản xuất cây ăn trái đặc sản như: mãng cầu, chuối, xoài, bưởi, nhãn, sầu riêng, dứa... trong đó, có ít nhất 20 - 30% diện tích cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trở lên (tương đương 7.386 ha – 11.080 ha).

Cụ thể, trong năm 2020, sẽ hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho 12 vùng, gồm: TP. Tây Ninh (1 vùng/20 ha), huyện Tân Biên (2 vùng/60 ha), Tân Châu (2 vùng/60 ha), Dương Minh Châu (1 vùng/20 ha), Châu Thành (1 vùng/20 ha), Gò Dầu (2 vùng/60 ha), thị xã Hoà Thành (2 vùng/40 ha) và thị xã Trảng Bàng (1 vùng/20 ha).

Bên cạnh đó, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng các mô hình phát triển mạnh và áp dụng công nghệ cao tại các vùng có điều kiện thâm canh, ứng dụng vào sản xuất, sử dụng hệ thống tưới điều khiển tự động phù hợp yêu cầu của từng chủng loại sản phẩm…

Trúc Ly

Tin liên quan