Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tiến tới việc chấm dứt tình trạng khai thác thuỷ sản bất hợp pháp
2021-03-10 00:44:53

Theo UBND tỉnh, sau gần 10 năm thực hiện Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13.2.2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2020, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Tây Ninh đạt một số kết quả đáng ghi nhận.

Phương tiện đánh bắt thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng (ảnh minh hoạ).

Cụ thể như: nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản được nâng cao; công tác tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đạt kết quả tốt; hoạt động thả cá tái tạo, phục hồi nguồn lợi thuỷ sản được quan tâm thực hiện; công tác thanh tra, kiểm tra bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản được thực hiện thường xuyên, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về thuỷ sản.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản vẫn còn có hạn chế như: một bộ phận người dân chưa ý thức trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; còn nhiều trường hợp vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; môi trường sống của các loài thuỷ sản bị thu hẹp; công tác điều tra nguồn lợi thuỷ sản và môi trường sống của các loài thuỷ sản chưa được thực hiện; hệ thống bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản chưa đồng bộ, tương xứng với yêu cầu; tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản còn diễn ra.

Các khu vực thường xảy ra vi phạm: hồ Dầu Tiếng (các xã Phước Minh, Phước Ninh thuộc huyện Dương Minh Châu; xã Tân Hoà, Tân Thành thuộc huyện Tân Châu); lưu vực sông Vàm Cỏ Đông tập trung tại các bến bãi ven sông (Bến Trường, xã Hảo Đước thuộc huyện Châu Thành; khu vực Gò Kén, xã Long Thành Nam thuộc thị xã Hoà Thành và một số bến bãi thuộc các xã Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Thạnh Đức thuộc huyện Gò Dầu).

Nhằm thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ như: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai có hiệu quả các quy định của Luật Thuỷ sản năm 2017, các văn bản của Trung ương và của tỉnh về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, tiến tới việc chấm dứt tình trạng khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, đặc biệt là tình trạng khai thác bằng ngư cụ cấm, bắt cá con, xâm hại nguồn lợi thuỷ sản.

Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; kế hoạch thả giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản và phục hồi môi trường sống của các loài thuỷ sản trên địa bàn; khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác tái tạo, phục hồi nguồn lợi và môi trường sống của các loài thuỷ sản…

Công an tỉnh điều tra, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản theo quy định pháp luật. Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh, buôn bán các loại ngư cụ cấm sử dụng tại các cửa hàng kinh doanh, buôn bán ngư cụ trên địa bàn tỉnh; xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến người dân và các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thuỷ sản trên địa bàn; tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn quản lý; vận động người dân khai thác thuỷ sản trên địa bàn ký cam kết không sử dụng các loại nghề, ngư cụ cấm trong khai thác thuỷ sản; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về khai thác thuỷ sản.

ĐÌNH CHUNG

Tin liên quan