Đọc báo in
Tải ứng dụng
Toà án nhân dân nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
2023-02-10 15:14:40

Toà án đã đưa vào ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, điển hình như việc công khai bản án hay tổ chức phiên toà trực tuyến…

Tổ chức phiên toà trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp ở Việt Nam.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống Toà án trong suốt thời gian qua. Toà án đã đưa vào ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, điển hình như việc công khai bản án hay tổ chức phiên toà trực tuyến… Để triển khai thực hiện có hiệu quả, Tòa án nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch, quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức về việc thi hành.

Công tác triển khai được thực hiện lồng ghép trong cuộc họp thường kỳ của các đơn vị, thông qua giao ban tháng, quý và các văn bản triển khai cụ thể. Ngoài ra, đơn vị tích cực phối hợp với cơ quan Tuyên giáo, báo, đài tổ chức triển khai về công tác thực hiện phiên tòa trực tuyến, công khai bản án… đến nhân dân; tuyên truyền, chia sẻ thông qua trang thông tin điện tử của đơn vị.

Xét xử trực tuyến - hướng đến xây dựng Toà án điện tử

Hiện nay, tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp ở Việt Nam và trên thế giới. Việc xét xử trực tuyến phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định; phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tư pháp không chậm trễ, tiết kiệm chi phí xã hội.

Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12.11.2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến đã quyết nghị nhiều nội dung quan trọng. Theo đó, Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp như: Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật Nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.

Phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.

Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh khắc phục khó khăn về mặt công nghệ, nhân lực, huy động sự giúp đỡ của các cơ quan tư pháp để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến kèm theo Quyết định số 512A/QĐ-TANDTC ngày 19.11.2021.

Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh đã tận dụng một số thiết bị có sẵn và hợp đồng với đơn vị viễn thông thuê trang thiết bị, đường truyền tín hiệu ở các điểm cầu; bố trí cán bộ kỹ thuật thường trực để kịp thời xử lý tình huống phát sinh.

Tại phiên toà xét xử trực tuyến, các cơ quan tiến hành tố tụng triển khai đầy đủ thủ tục của một phiên toà theo quy định; bị cáo, bị hại có mặt đúng giờ, đầy đủ, nghe rõ và trả lời rõ những câu hỏi, yêu cầu của hội đồng xét xử.

Tại điểm cầu trung tâm và điểm cầu thành phần được trang bị máy tính điều khiển, màn hình và hệ thống âm thanh tốt nhất để bảo đảm tín hiệu liền mạch khi trao đổi thông tin giữa các điểm cầu. Quá trình xét xử bảo đảm trình tự, thủ tục tố tụng, tôn trọng quyền con người và quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khi tham gia tố tụng.

Tính đến nay, Tòa án nhân dân hai cấp xét xử 42 phiên tòa trực tuyến (tỉnh 4, huyện 38). Ngoài ra, Tòa án nhân dân dân tỉnh còn tổ chức các điểm cầu thành phần hỗ trợ 2 phiên tòa xét xử trực tuyến của Tòa án nhân dân cấp cao (phúc thẩm Hành chính).

Công khai bản án góp phần minh bạch hoạt động xét xử.

Công khai bản án - bảo đảm minh bạch hoạt động xét xử

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện cải cách hành chính tư pháp, công khai, minh bạch hoạt động xét xử, giúp cơ quan, tổ chức, công dân thuận lợi trong tiếp cận, giám sát, đánh giá các hoạt động của tòa án; đồng thời, nâng cao tinh thần trách nhiệm của thẩm phán trước phán quyết nhân danh Nhà nước. Hình thức bản án từ đó cũng có nhiều đổi mới theo hướng bảo đảm trình bày đúng quy định, văn phong, lập luận chuẩn mực, không trùng lặp thông tin mã hóa, không làm thay đổi nội dung của các bản án, quyết định.

Từ việc công khai bản án, quyết định, Tòa án nhân dân hai cấp có cơ sở đánh giá, phân loại, quy hoạch, phát triển cán bộ, thẩm phán cũng như sàng lọc những thẩm phán yếu về chuyên môn, thiếu trách nhiệm.

Từ đó, đưa ra những giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán, định hướng đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, ban hành những quy định để giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong áp dụng pháp luật vào hoạt động xét xử.

Thời gian qua, Tòa án nhân dân hai cấp đã đăng 2.360 bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân (tỉnh 632, huyện 1.728). 100% bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thuộc trường hợp phải đăng trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân đã hoàn thành, tỷ lệ bản án có đính chính, sai sót chỉ chiếm 0,1%.

Khi truy cập vào Trang thông tin điện tử Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh (https://tayninh.toaan.gov.vn), người dân không chỉ nắm bắt được các hoạt động của Toà án, còn được tiếp cận trực tiếp với nội dung của các bản án, quyết định có hiệu lực.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, người dân ngụ thành phố Tây Ninh cho biết: “Thời gian qua, tôi thường xuyên theo dõi, đọc các bản án được công bố trên Trang thông tin điện tử Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Thay vì đọc các văn bản pháp luật, tôi nhận thấy thông qua các bản án, quy định của pháp luật được áp dụng trong giải quyết từng vụ án cụ thể trở nên dễ hiểu hơn. Không chỉ vậy, tôi còn có thể tương tác, thực hiện quyền công dân của mình qua việc giám sát, đóng góp ý kiến phản hồi trực tiếp trên trang đối với mỗi bản án”.

Không chỉ minh bạch hoạt động xét xử của tòa án, việc công khai bản án, còn là kênh tuyên truyền pháp luật hiệu quả, đưa pháp luật vào cuộc sống, giúp người dân dễ dàng tiếp cận những bản án, quyết định của tòa án, từ đó có những nhận thức sâu sắc về các hành vi trái với quy định của pháp luật, chủ động phòng tránh. Việc công khai bản án của ngành tòa án là yêu cầu quan trọng nhằm tạo bước chuyển quan trọng trong hoạt động cải cách hành chính tư pháp.

Phương Thảo

Tin liên quan