Đọc báo in
Tải ứng dụng
Từ tiếng còi xe nghĩ về nếp văn hoá giao thông
2012-09-11 06:02:00

Thời thơ ấu, khi còn chưa cắp sách đến trường, tiếng còi xe đã làm tôi nhớ nhất, nhớ đến tận bây giờ và chắc nhớ cả cuộc đời.

(BTN)- Thời thơ ấu, khi còn chưa cắp sách đến trường, tiếng còi xe đã làm tôi nhớ nhất, nhớ đến tận bây giờ và chắc nhớ cả cuộc đời. Đó là những tiếng còi xe lúc trời gần sáng và lúc bốn, năm giờ chiều, khi mặt trời đang xế bóng. Cứ khoảng bốn, năm giờ sáng cùng với tiếng trống chùa Giác Nguyên nổi lên là những tiếng còi xe Lambro chạy trong đường 19, tới ấp Phước Hậu (xã Gia Bình, huyện Trảng Bàng) cũng nghe văng vẳng. Lúc đó cũng là lúc tía má tôi và cả xóm bắt đầu dậy ra đồng cày cấy, bắt đầu một ngày mới. Với những buổi chiều, khi cái nắng giảm dần sự hanh gắt, nhường lại cho những tia nắng vàng dìu dịu, trên cánh đồng thẳng tấp, nhìn xa xa ra phía cầu Rỗng Tượng, quốc lộ 1 (nay là đường Xuyên Á) những chiếc xe băng nhanh, những tiếng còi của những chiếc xe đò vang xa, nghe lanh lảnh, lướt qua làn sương chiều tìm đến tôi, cùng với tiếng còi xe là hình ảnh những đàn chim nối nhau bay về tổ, báo hiệu một ngày nữa sắp qua đi. Cứ thế, cứ thế, ngày này sang ngày khác, tiếng còi xe vào khoảng thời gian đó đối với tôi là một kỷ niệm khó quên.

Ảnh minh hoạ

Thế nhưng đối với tôi tiếng còi xe bây giờ không còn như ngày xưa nữa, âm hưởng tiếng còi xe thân thương ngày nào giờ chỉ còn trong tiềm thức. Bây giờ khi ra đường, ai nấy đều nghe rất nhiều tiếng còi xe khác nhau; có những xe sử dụng còi khi cần thiết với âm lượng vừa phải, như là tín hiệu để thông báo cho mọi người là có xe đang đến, phải cẩn thận. Hoặc chỉ đơn giản là tín hiệu giao tiếp giữa nhà xe với khách... Nhưng có những chiếc xe, nhất là các xe tải, xe buýt, còi xe không chỉ là tiếng báo hiệu, xin đường, mà nó còn có một “chức năng” khác là cảnh cáo những phương tiện khác, những người điều khiển xe khác mà nó cho rằng đang cản trở nó lưu thông. Tiếng còi của những xe này lạ lắm, nó kêu thét đến đinh tai, nhức óc, làm người ta phải giật bắn cả mình. Hôm nọ, tôi đang chạy xe trên đường 30.4, Thị xã, chứng kiến cái cảnh tại giao lộ “mũi tàu” gần Công ty cơ khí Tây Ninh, khi đèn đỏ các loại xe đều ngừng lại, chiếc xe buýt tuyến Kà Tum đi Hoà Thành ngừng phía sau, còn mấy giây nữa qua tín hiệu đèn xanh thì chiếc xe trên đã bấm còi chát chúa, làm nhiều phụ nữ dừng xe ở phía trước chưa kịp chạy giật bắn người. Tất nhiên không ai bằng lòng với cách hành xử như vậy. Không chỉ một lần, mà lối hành xử đó đã trở thành thường xuyên, chưa kể những chiếc xe buýt chạy tuyến đường này chạy nhanh, thắng gấp, bụi bay mù mịt, khói đen của những chiếc xe này thải ra thì khỏi phải bàn. Mọi người chứng kiến chỉ biết lắc đầu ngao ngán! Chạy như thế gây ra tai nạn giao thông là phải thôi. Và một vấn đề được đặt ra là: Cơ quan kiểm định xe cộ cần quan tâm hơn đến các yêu cầu kỹ thuật của loại xe này. Cũng như các cơ quan làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự an toàn giao thông cần lưu ý tốc độ của các xe buýt khi tham gia giao thông.

Gần đây, mới hôm 1.9, trên chuyến xe buýt Thị xã- Gò Dầu, cũng với việc nhấn ga chạy nhanh rồi thắng gấp khi đón khách, làm cho một em bé nôn thóc, nôn tháo mệt đừ ra. Nhưng tài xế vẫn không quan tâm, miệng lại luôn cằn nhằn. Chiếc xe ấy vừa chạy nhanh, vừa bóp kèn inh ỏi. Với cách lái xe như thế nguy cơ tai nạn giao thông là… thường trực, khiến khách đi xe luôn có tâm trạng bất an, chỉ khi nào xuống xe mới thở phào nhẹ nhõm. Ở đây có nhiều vấn đề đặt ra là: Thứ nhất, khách đi xe (người đem lại thu nhập chính cho nhà xe) có được tôn trọng hay chưa? Đừng nói chi đến chuyện hành khách đáng lẽ phải được coi là thượng đế. Thứ hai, văn hoá giao tiếp, đối xử giữa người với người ở đây quá tệ. Người viết bài này đã từng nhiều lần đi xe buýt ở thành phố, cái cách cư xử của các bác tài ở đó có khác ở tỉnh mình. Đó là thái độ lịch sự, nhất là đối với người tàn tật, phụ nữ có thai hoặc có con nhỏ, luôn được chú ý niềm nở và bố trí chỗ ngồi; ai lên xe, xuống xe đều được nhắc nhở khi xe dừng hẳn mới xuống, kèm theo đó là được dìu, đỡ cẩn thận. Tôi nghĩ, không phải chỉ có nghệ sĩ là người của công chúng, mà các bác tài lái xe khách của chúng ta, thực chất cũng là người của công chúng; vừa kiếm tiền nhưng cũng vừa phục vụ nhân dân. Vì vậy, các bác tài điều khiển phương tiện giao thông công cộng có lẽ cũng cần phải được thường xuyên nhắc nhở về vấn đề ứng xử và thực hiện tốt văn hoá giao thông hơn bất cứ ai hết. Sự giao tiếp giữa lái xe với hành khách, với người đồng hành; sự điều khiển xe đúng luật, an toàn, là những yếu tố hình thành nên nét văn hoá giao thông tốt đẹp, thân thiện trong xã hội. Chúng ta có thể biện minh là do thiếu tiền đấu tư nên xe buýt của tỉnh ta chất lượng chưa cao, nhưng chúng ta không thể dựa vào lý do thiếu tiền mà để cho văn hoá giao tiếp, văn hoá giao thông của chúng ta cũng thiếu vắng (!).

Năm 2012 là Năm an toàn giao thông, thiết nghĩ mọi người đều phải hưởng ứng thông qua hành động thiết thực của mỗi người khi tham gia giao thông; đồng thời nhắc nhở những người thân của mình cần có ý thức khi tham gia giao thông; đặc biệt là đội ngũ lái xe các loại, nhất là những người lái xe buýt phải thể hiện văn hoá giao thông, phải gương mẫu lái xe an toàn, ứng xử tốt với khách và luôn thường trực trong đầu của mình là mình đang có trách nhiệm đưa đón và bảo vệ hàng chục con người đi đến nơi, về đến chốn, an toàn. Có như thế mới mong tạo ra được chuyển biến mạnh mẽ, giảm hẳn tai nạn từ Năm an toàn giao thông.

NGUYÊN KHÔI

Từ khóa:
Tin liên quan