Đọc báo in
Tải ứng dụng
Văn hoá giao thông - những điều đáng suy ngẫm
2012-09-29 07:32:00

Ý thức của người dân khi tham gia giao thông vẫn luôn là điều cần quan tâm. Thực tế cho thấy một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông hiện vẫn cố tình không chấp hành các quy định về trật tự ATGT đường bộ.

(BTN)- Gần đây, tai nạn giao thông (TNGT) đã được kéo giảm đáng kể. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi trong việc bảo đảm trật tự ATGT là ý thức văn hoá của người tham gia giao thông thực tế vẫn còn nhiều bất cập.

Từ những vụ “va quẹt”…

Theo báo cáo của Uỷ ban ATGT quốc gia, 8 tháng đầu năm 2012, cả nước xảy ra 21.844 vụ TNGT đường bộ, làm chết 5.927 người, bị thương 24.339 người, so với cùng kỳ giảm được 6.337 vụ, giảm 1.411 người chết, giảm 7.063 người bị thương. Riêng tại Tây Ninh, theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, trong 8 tháng năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 383 vụ TNGT, làm chết 122 người, bị thương 482 người, so cùng kỳ giảm 539 vụ, giảm 37 người chết và giảm 742 người bị thương. Nhìn chung, tình hình trật tự ATGT 8 tháng đầu năm cơ bản được đảm bảo, có nhiều chuyển biến tích cực và giảm ở cả ba mặt (số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương). Tuy nhiên, ý thức của người dân khi tham gia giao thông vẫn luôn là điều cần quan tâm. Thực tế cho thấy một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông hiện vẫn cố tình không chấp hành các quy định về trật tự ATGT đường bộ.

Dừng xe đúng vạch thể hiện ý thức chấp hành pháp luật và nếp sống văn hoá

Tôi đã không ít lần chứng kiến những vụ tai nạn giao thông mà lẽ ra hoàn toàn có thể tránh khỏi, nếu con người có ý thức hơn trong hành vi của mình. Trên đường CMT8, vào một chiều mưa tầm tã, hầu hết mọi người đều chạy xe chầm chậm, phần vì đường trơn trợt, nước đọng nhiều, phần vì mặc áo mưa nên tầm nhìn hạn chế. Thế nhưng lại có hai thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi ngồi trên xe gắn máy phóng vèo vèo qua mặt mọi người, làm nước bắn tung toé vào người đi đường. Có một chị tuổi ngoài 40 giật mình loạng choạng tay lái, xe lủi vào phía lề phải khiến xe chị va quẹt với một xe khác làm chị ngã xuống đường. Vừa ướt, vừa lạnh, vừa bực tức nhưng chị không làm được gì ngoài việc nhìn theo bóng hai thanh niên đang vọt đi. Điều khiến nhiều người đi đường bất bình là sau khi gián tiếp gây ra vụ va quẹt này, hai gã thanh niên thiếu văn hoá kia còn buông tiếng cười khoái trá trước khi tăng tốc chạy đi mất. Lần khác, cũng trên đường này, vào một ngày đẹp trời, tôi chạy xe khá chậm để tận hưởng không khí trong lành buổi sáng. Một người đàn ông khá lịch sự, ăn mặc tươm tất “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” chạy phía trước bỗng dưng ông ta quay mặt ra…“phèo” một bãi đờm rãi ra đường mà chẳng cần ngó trước nhìn sau. Một chị chạy trước tôi loạng choạng suýt té vì vừa lách tránh vừa thắng gấp né “cái sự mất vệ sinh” ấy. Liền sau đó, chị này bị ngã xuống đường do một chiếc mô tô húc vào đuôi xe. Rất may là cú ngã chỉ làm chị bị xây xát nhẹ. Nhưng hậu quả sẽ thật khó lường nếu lúc đó có ô tô hay xe tải lưu thông phía sau.

Còn rất nhiều trường hợp tai nạn khác mà nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu ý thức văn hoá của con người khi tham gia giao thông: Người điều khiển phương tiện tăng tốc vượt qua người đang chạy phía trước rồi đột ngột “cúp đầu” chuyển hướng, làm những người điều khiển phương tiện phía sau va quẹt nhau hoặc “tự té” do thắng gấp hoặc né tránh “kẻ cẩu thả” kia. Tôi thường chứng kiến không ít người điều kiển phương tiện (mô tô, xe máy và cả ô tô, xe tải) tranh thủ tăng tốc vượt qua các giao lộ khi đèn tín hiệu màu vàng sắp chuyển sang đỏ. Trường hợp này, nếu người điều khiển phương tiện đi trên làn đường sắp được “bật đèn xanh” vội vã điều khiển phương tiện lao đi thì rất dễ xảy ra tai nạn. Người đi đường cũng thường bị “điếc tai, nhức óc” bởi tiếng kèn ô tô, xe tải inh ỏi sát bên. Một chuyện bức xúc khác, nhiều người thường gặp là tình trạng các tài xế xe buýt “lao như điên” trên đường phố đông đúc, bỗng bất thần bật đèn xi nhan, tấp vào lề, chắn ngay trước đầu mô tô, xe máy khiến người đi đường chỉ còn cách thắng “lết bánh” bởi không thể lách tránh đi đâu được…

Cho đến nay, các thống kê về TNGT đường bộ chỉ nói đến các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng nhưng chưa có thống kê nào cho thấy TNGT “do ý thức văn hoá của người điều khiển phương tiện gây ra” như trong các trường hợp kể trên (!).Theo tôi được biết thì hiện cũng chưa có quy định rõ ràng về các hình thức xử phạt đối với người gián tiếp gây ra các vụ tai nạn.

Cần có chế tài cụ thể

Đất nước ngày càng phát triển, xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ đòi hỏi trình độ, ý thức ứng xử văn hoá của con người phải càng được nâng cao. Nhà nước đang ráo riết nâng cấp các tuyến đường giao thông để đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân; các cơ quan hữu quan tích cực tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT; tuyên truyền trực quan bằng khẩu hiệu, pa nô, áp phích; tuyên truyền qua hệ thống các cụm loa truyền thanh, qua các phong trào, cuộc thi, các buổi sinh hoạt chi đoàn, chi hội, câu lạc bộ, diễn đàn… và qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đưa kiến thức về Luật Giao thông đường bộ đến với người dân. Tuy nhiên, trước hết và trên hết, người dân cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức pháp luật cần thiết khi tham gia giao thông đường bộ, tự nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cũng như ý thức văn hoá trong giao thông để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Bởi thực tế cho thấy, đã có những trường hợp va quẹt, “tự té” do bị người khác gián tiếp gây ra nhưng hậu quả để lại rất nặng nề: tử vong, thương tích, hư hại tài sản. Tuy nhiên, người viết được biết chưa có trường hợp nào, “thủ phạm gián tiếp” như những trường hợp kể trên bị xử lý hoặc chịu trách nhiệm về hành vi thiếu văn hoá của mình gây ra.

Vì thế, ngoài việc đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, thiết nghĩ việc giáo dục ý thức văn hoá giao thông đối với giới trẻ, càng phải được quan tâm đúng mức. Nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục cho học sinh về ATGT ngay từ bậc học mầm non, bậc tiểu học, ngay từ khi các em biết nhận thức được đúng – sai, nên - không nên, vì để có được nền tảng ý thức đúng đắn, nền tảng văn hoá là cả một quá trình. Và cũng cần có chế tài cụ thể để xử lý những trường hợp có hành vi “gián tiếp gây tai nạn” dù cố ý hay vô tình.

Nguyễn Huỳnh

 

Từ khóa:
Tin liên quan