Đọc báo in
Tải ứng dụng
Văn hoá kèn xe
2012-07-21 04:23:00

Việc sử dụng kèn xe không đúng nơi, đúng lúc, không đúng với thiết kế xe có khả năng gây ra những hậu quả khó lường.  

(BTN)- Gần như đã thành thói quen, bất kỳ ai lưu thông trên đường đều sử dụng kèn xe với nhiều lý do, như: từ ngõ hẻm đi ra đường chính, muốn vượt qua xe trước, muốn mọi người tránh đường cho mình để đi cho nhanh, cả muốn chơi nổi cũng có. Đã có một thời, tiếng kèn xe có âm thanh nhại tiếng chó sủa, mèo kêu, tiếng trẻ con khóc làm người đi đường giật cả mình.

Cần biết sử dụng kèn xe một cách có văn hoá. Ảnh minh hoạ

Theo nghiên cứu của ngành Y tế, âm thanh lớn hơn 80dB sẽ gây hại tới sức nghe và sức khoẻ của con người. Âm thanh đến 140dB có thể làm chảy máu tai người nghe, thậm chí gây điếc. Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định, cấm lắp đặt, sử dụng kèn, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe, cấm sử dụng âm thanh mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng.

Không phải vô cớ mà Nhà nước đưa quy định cấm bóp kèn xe ở một số nơi công cộng như bệnh viện, khu dân cư và buộc phải lắp đặt, sử dụng kèn xe đúng với thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới. Việc sử dụng kèn xe không đúng nơi, đúng lúc, không đúng với thiết kế xe có khả năng gây ra những hậu quả khó lường. Không những vậy, kèn xe cũng góp phần không nhỏ trong việc làm ô nhiễm môi trường, tăng tiếng ồn tại các đô thị lớn vốn đã rất bức bối về vấn đề này. Đối với các loại ô tô tải có lắp đặt loại kèn hơi nếu không sử dụng kèn đúng lúc sẽ làm người đi đường giật mình hốt hoảng dễ có phản ứng bất thường, mất thăng bằng khi điều khiển xe, dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Do đó, kèn xe từ một yếu tố đảm bảo an toàn giao thông giờ lại trở thành một trong những nguyên nhân gây mất trật tự an toàn giao thông.

Để điều chỉnh việc này, Nhà nước đã đưa ra chế tài xử phạt các hành vi vi phạm liên quan tới kèn xe. Theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2.4.2012 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, mà cụ thể là tại điểm b, Khoản 2, Điều 19: Điều khiển xe không có còi hoặc có nhưng không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe thì bị phạt tiền từ 300.000đ đến 500.000đ; tại điểm a, Khoản 2, Điều 20 về sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe, thì bị phạt tiền từ 100.000đ đến 200.000đ. Tuy quy định rõ là vậy nhưng lực lượng CSGT không thể phát hiện và xử phạt được tất cả những trường hợp vi phạm, cho nên, việc sử dụng kèn xe thế nào cho có văn hoá gần như tuỳ thuộc hoàn toàn vào ý thức người tham gia giao thông. Trong buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND xã Thạnh Tân, Thị xã trước kỳ họp lần thứ 4, khoá X (nhiệm kỳ 2011-2016), người dân 4 ấp trên địa bàn xã đã phản ánh nhiều về tình trạng người tham gia giao thông điều khiển xe với tốc độ cao, nhấn kèn inh ỏi làm mất trật tự an toàn giao thông các tuyến giao thông ngoại thị. Tai nạn giao thông liên quan đến kèn xe không nhiều, nhưng chắc hẳn những người quan tâm đến vấn đề ATGT chưa thể quên vụ tai nạn xảy ra vào ngày 14.6.2010 trên đường Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh. Người mẹ trẻ ôm chặt xác đứa con 2 tuổi, khóc thảm thiết đến ngất xỉu. Bé gái được mẹ chở bằng xe máy, khi có tiếng kèn xe bồn rất lớn vang lên từ phía sau, đứa bé giật mình, nhoài người sang một bên, người mẹ luống cuống thắng gấp khiến đứa bé văng khỏi xe, ngã xuống đường, đúng tầm bánh xe tải từ phía sau lao tới (!). Đã có không ít lần người đi đường hết hồn vì tiếng kèn xe rất lớn từ phía sau một cách bất ngờ. Một số người “có kinh nghiệm” về vấn đề này khuyên rằng: Khi thấy các xe tải hay container thì tốt nhất hãy tránh xa, giữ một khoảng cách an toàn cho bản thân.

Bà Lotte Brondum - Giám đốc vùng châu Á Thái Bình Dương của Quỹ phòng chống thương vong châu Á cho biết, một công trình nghiên cứu vào quý I năm 2012 chỉ ra rằng có tới 97% số trường hợp tai nạn giao thông tại Việt Nam liên quan tới ý thức giao thông và văn hoá giao thông. Sự yếu kém về “văn hoá kèn xe” cũng là một trong số đó.

Theo ông Nguyễn Ngọc Đông- Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, nếu như ở nhiều quốc gia khác, tiếng kèn xe đang dần ít đi, rất hiếm khi vang lên trên đường, thậm chí tại những quốc gia như Nhật Bản, tiếng kèn xe gần như đã vắng hẳn, thì nước ta, kèn xe vẫn inh ỏi từ làng ra phố. Ông Đông cũng đề nghị, song song với việc tuyên truyền để người tham gia giao thông nâng cao ý thức sử dụng kèn xe một cách có văn hoá, cũng cần phải tạo các điều kiện đồng bộ khác để người lái xe không cần phải dùng kèn mà vẫn đảm bảo an toàn.

XUÂN VŨ

Từ khóa:
Tin liên quan