Đọc báo in
Tải ứng dụng
Việc xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông không gây ô nhiễm môi trường
2024-06-04 09:58:44

Việc tìm ra nguyên nhân gây ô nhiễm của cơ quan chức năng vẫn chưa thật sự thuyết phục người dân, nhất là những hộ nuôi cá bị thiệt hại.

Thời gian gần đây, người dân sống dọc hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông liên tục phản ánh tình trạng nguồn nước sông liên tục có hiện tượng ô nhiễm, khiến cá chết hàng loạt. Trong khi đó, việc tìm ra nguyên nhân gây ô nhiễm của cơ quan chức năng vẫn chưa thật sự thuyết phục người dân, nhất là những hộ nuôi cá bị thiệt hại.

Lục bình được vớt lên bờ tại bến Huỳnh Vương (ấp Trường An, xã Trường Đông, thị xã Hoà Thành).

Nghi ngờ cá chết vì nước thải công nghiệp

Là một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề trong đợt cá chết vừa qua, bà Huỳnh Thị Phương Nam (khu phố 1, thị trấn Gò Dầu) cho biết, gia đình bà nuôi cá lồng bè trên sông tính đến nay đã hơn 15 năm, nhưng đây là lần đầu tiên bà chứng kiến tình trạng cá chết đột ngột như vậy. Khi nước sông bắt đầu đổi màu từ trong xanh sang màu đen, dù bà đã xử lý sục oxy ngay lập tức nhưng cá vẫn chết. Trong khi đó, tại khu vực gia đình bà nuôi cá là miệng cống xả nước thải của khu vực chợ Gò Dầu và nước thải sinh hoạt của hàng trăm hộ dân khu phố Thanh Hà, thị trấn Gò Dầu mỗi ngày đều đổ ra sông nhưng chưa khi nào có tình trạng cá chết hàng loạt như vừa qua.

Ông Nguyễn Tấn Khoa (ấp Phước Hội, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng) cho biết, hơn 10 ngày nay, khu vực sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua xã Phước Chỉ vẫn còn tình trạng cá ngoài tự nhiên nổi đầu chết, ngày nào cũng có người dân chèo ghe đi vớt. Trong đoạn rạch dẫn nước thải của Khu Công nghiệp Thành Thành Công đổ ra sông Vàm Cỏ Đông cũng có tình trạng cá chết rất nhiều, điều này khiến ông nghi ngờ nguyên nhân gây chết cá thời gian vừa qua có liên quan đến hoạt động xả thải của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.

Lục bình cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, tình trạng nước sông Vàm Cỏ Đông bị ô nhiễm thời gian qua, ngoài nguyên nhân chính do lượng nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý của các khu dân cư, đô thị ven sông gây ra, có nhiều yếu tố cộng hưởng khiến việc ô nhiễm càng trầm trọng thêm. Trong đó, có thể kể đến như: Nước thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp (dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…); Biến đổi khí hậu gây thời tiết nắng nóng gay gắt làm nhiệt độ trong nước có xu hướng tăng liên tục, nhiệt độ nước sông thay đổi nhanh giữa ngày và đêm, lưu lượng dòng chảy của các sông khá thấp làm giảm hàm lượng DO trong nước, tăng hàm lượng các chất ô nhiễm hữu cơ cao dẫn đến làm gia tăng phân hủy kỵ khí tạo mùi và thay đổi màu nước sông.

Bên cạnh đó, tình trạng lục bình phát triển dày đặc thời gian qua có tác động tiêu cực đến hệ sinh thái dưới nước như ngăn chặn ánh sáng, làm giảm nhiệt độ nước và ức chế quá trình quang hợp của thực vật tầng sâu hơn, làm suy giảm ôxy trong nước. Ngoài ra, việc xử lý lục bình bằng cách băm chặt trực tiếp trên sông khiến cho cây lục bình tự phân hủy với số lượng lớn cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước (cây lục bình có khả năng hấp thụ kim loại nặng như chì, thủy ngân, sắt,… ).

Máy vớt lục bình bằng băng chuyền.

Cụ thể, theo kết quả phân tích mẫu nước tại bến Huỳnh Vương (khu vực tập kết lục bình của Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Thành Thành Công) có hàm lượng sắt (Fe) = 2,97 mg/l vượt 5,94 lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt (QCVN 08:2023/BTNMT).

Sở Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Sở Giao thông vận tải yêu cầu Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Thành Thành Công tăng cường điều động, bố trí phương tiện, thiết bị bảo đảm việc trục vớt lục bình kịp thời, không để lục bình phát triển ùn ứ cục bộ, đặc biệt là những khúc cua hẹp; lục bình sau khi được trục vớt phải tập kết trên bờ, tuyệt đối không được băm, cắt thải trực tiếp xuống sông sẽ làm cản trở lưu thông dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước do lục bình chết, thối rữa ảnh hưởng đến môi trường sống, sự phát triển, sinh tồn của các loài thủy sinh.

Ông Trần Minh Sơn – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong mùa khô năm 2024, Sở đã triển khai Kế hoạch Bảo vệ môi trường nguồn nước sông, suối, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh, định kỳ hàng tuần cử cán bộ kiểm tra, khảo sát lưu vực sông, các nguồn thải từ 2 - 3 lần (kể cả ngày nghỉ, lễ) nhưng chưa phát hiện tình trạng doanh nghiệp lén xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước.

Việc xử lý lục bình không gây ô nhiễm nguồn nước sông Vàm Cỏ Đông

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT), hàng năm, cứ đến thời gian cao điểm mùa khô, khoảng từ tháng 2 đến tháng 6 dương lịch, khi dòng nước trên sông Vàm Cỏ Đông cạn kiệt, tình trạng lục bình ùn ứ trên sông, khiến việc đi lại bằng đường thuỷ của người dân gặp nhiều khó khăn.

Hệ thống sục ô xy của gia đình bà Huỳnh Thị Phương Nam hoạt động nhưng cá vẫn chết hàng loạt.

Để xử lý “vấn nạn” lục bình, tạo điều kiện phát triển giao thông đường thuỷ nội địa, những năm qua, tỉnh Tây Ninh đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kéo giảm sự phát triển của lục bình trên sông.

Trong giai đoạn từ năm 2017 đến đầu năm 2020, việc trục vớt lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông do Công ty TNHH Huỳnh Vương thực hiện. Tuy nhiên, do hạn chế về phương tiện nên công tác xử lý của Công ty này không đạt hiệu quả như yêu cầu. Từ tháng 6.2020 đến nay, công tác xử lý lục bình được chuyển giao cho Công ty cổ phần phát triển nông nghiệp Thành Thành Công (thuộc Tập đoàn Thành Thành Công).

Qua giám sát, có thể thấy, việc xử lý lục bình của đơn vị này đang có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng lục bình tập trung nhiều gây nghẽn cục bộ vào một số thời điểm trong ngày tại một số vị trí khúc cua trên sông, gây khó khăn cho người dân khi sử dụng các phương tiện đường thủy nhỏ lưu thông qua lại hai bên bờ sông để canh tác nông nghiệp, vận chuyển nông sản.

Ông Nguyễn Hiếu Nghĩa – Trưởng bộ phận Bảo trì, phụ trách công tác xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông của công ty cổ phần Phát triển nông nghiệp Thành Thành Công cho biết, hiện đơn vị có 6 máy xử lý lục bình, gồm 3 máy chặt, băm và 4 thiết bị vớt (mỗi thiết bị thực hiện vớt khoảng 30 – 40 tấn/ngày); những ngày cao điểm, đơn vị tăng ca từ 12-16 giờ mỗi ngày. Hiện tại, công ty mới bổ sung thêm hai máy vớt nhỏ và thiết kế thêm băng tải cố định, đặt tại bến để cuốn lục bình lên bờ.

Theo ông Nghĩa, đối với những khu vực có lục bình nhiều, dày đặc, đơn vị sẽ triển khai máy băm, chặt đi trước, sau đó sẽ có máy với băng chuyền theo sau. Lục bình được vận chuyển lên bờ, bảo đảm việc xử lý hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường.

Cống nước thải của Chợ Gò Dầu đổ thẳng ra sông Vàm Cỏ Đông

Ông Lê Hùng Dũng – Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa, Sở GTVT cho biết, ngày 3.5.2024, Sở đã có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Phát triển nông nghiệp Thành Thành Công về vấn đề xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông. Theo đó, Sở yêu cầu công ty thường xuyên kiểm tra mật độ lục bình trên từng đoạn sông và các kênh, rạch thuộc địa bàn các huyện, thị xã để kịp thời điều động, bố trí phương tiện xử lý lục bình phù hợp, không để xảy ra ùn ứ lục bình cục bộ, đảm bảo cho các phương tiện thủy tham gia giao thông lưu thông thuận lợi và an toàn, đồng thời, bổ sung thêm thiết bị trục vớt lục bình để thực hiện công tác trục vớt đạt hiệu quả cao hơn.

Qua theo dõi, kiểm tra từ ngày 13-19.5, việc xử lý lục bình của Công ty thực hiện đúng theo Phương án xử lý lục bình được UBND tỉnh phê duyệt, tiến hành song song, vừa băm cắt và trục vớt đưa lên bờ, chờ vận chuyển về nhà máy của công ty. Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các đoạn sông khá thông thoáng, luồng tàu chạy đảm bảo, phương tiện qua lại được thuận tiện.

Theo ông Dũng, tình trạng nước trên sông Vàm Cỏ Đông và các rạch có màu đen, có thời điểm có mùi hôi, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái dưới nước xuất hiện rải rác khắp tuyến sông từ huyện Châu Thành đến Vàm Trảng (thuộc thị xã Trảng Bàng, khu vực giáp ranh với tỉnh Long An), nhất là các đoạn sông rạch gần các nhà máy sản xuất công nghiệp, không tập trung tại vị trí có phương tiện xử lý lục bình, việc phản ảnh do tác nhân lục bình thối rửa ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước trên sông là chưa đúng với tình hình thực tế.

Thiện Đức

Tin liên quan