Đọc báo in
Tải ứng dụng
Xung quanh việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho trẻ trên 6 tuổi: Vẫn còn không ít phụ huynh lơ là
2012-09-25 05:31:00

 Trong thời gian qua, vì chưa áp dụng xử phạt đối với trẻ em dưới 14 tuổi nên nhiều người chưa quan tâm đội MBH cho các cháu.

(BTN)- Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng thường đưa tin về việc thực hiện xử phạt người chở trẻ em trên 6 tuổi mà không cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông trên đường phố. Theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29.6.2007 của Chính phủ thì từ ngày 15.12.2007, người đi mô tô, xe gắn máy trên tất cả các tuyến đường không đội mũ bảo hiểm (MBH) sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng. Tuy nhiên, trẻ em dưới 14 tuổi không phải là đối tượng áp dụng của quy định này. Trong Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1.7.2009 đã có quy định xử phạt người chở trẻ em trên 6 tuổi mà không đội MBH, nhưng quy định này cũng chưa được chính thức thực hiện.

Trong thời gian qua, vì chưa áp dụng xử phạt đối với trẻ em dưới 14 tuổi nên nhiều người chưa quan tâm đội MBH cho các cháu. Vì nhiều lý do, các bậc phụ huynh không cho hoặc không khuyến khích con em mình mang mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Theo số liệu thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, chỉ có khoảng 35% trẻ em có sử dụng MBH, trong khi hơn 90% người lớn sử dụng MBH khi tham gia giao thông.

Một phụ huynh chọn nón bảo hiểm cho con trong trong của hàng nón ở đường Lý Thường Kiệt (Hoà Thành)

Để nâng cao ý thức của người dân về việc đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông, từ ngày 12.9.2012, việc xử phạt đối với trẻ từ 6 tuổi không đội MBH được áp dụng thực hiện tại 5 quận ở TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, cha mẹ hoặc người lớn khi chở trẻ từ 6 tuổi không đội MBH sẽ bị phạt từ 100 ngàn đến 200 ngàn đồng. Từ TP. Hồ Chí Minh, việc thực hiện quy định này được nhân rộng ra khắp các tỉnh khác. Tuy nhiên, khác với việc tuân thủ chấp hành, vấn đề này đã nhận được nhiều luồng ý kiến khác nhau từ các bậc phụ huynh. Một số ý kiến hết sức đồng tình với quy định xử phạt mới này vì đây là một biện pháp thiết thực thúc đẩy mọi thành phần trong xã hội đều tham gia bảo đảm an toàn, bảo vệ tính mạng khi lưu thông trên đường, trẻ em đương nhiên phải cần được bảo vệ hơn nữa. Một số ý kiến khác lại cho rằng trẻ từ 6 tuổi cơ thể còn quá yếu, đội MBH khá nặng sẽ ảnh hưởng đến đốt sống cổ của trẻ khi phải mang mũ bảo hiểm. Tuy nhiên theo nhận định chung của các chuyên gia thì chưa có bằng chứng nào chứng tỏ việc đội MBH sẽ ảnh hưởng đến đốt sống cổ của trẻ. Để xoa tan sự lo ngại này, một số chuyên gia khuyến khích phụ huynh nên cho trẻ đội MBH phù hợp với trọng lượng vừa đủ thì sẽ không thể nào dẫn đến nguy cơ như trên, và hơn nữa là thời gian trẻ tiếp xúc với mũ bảo hiểm cũng không dài nên càng hạn chế được nguy cơ này.

Tại Tây Ninh, từ khi quy định xử phạt được áp dụng, nhiều bậc phụ huynh đã sốt sắng mua MBH cho con mình. Hầu hết các tiệm, sạp bán MBH đều có nhập thêm MBH trẻ em với màu sắc đa đạng, phong phú kiểu mẩu để các em thoải mái lựa chọn. Mũ bảo hiểm trẻ em có giá thành cũng xấp xỉ mũ người lớn, thường mỗi chiếc mũ nặng khoảng 400g. Nếu trước đây MBH trẻ em thường ở dạng “nón kết” thì từ sau khi có chỉ đạo xử phạt MBH “dỏm” từ ngày 1.9.2012 thì chất lượng MBH người lớn và cả trẻ em trên địa bàn tỉnh cũng… tăng lên. Đi đôi với việc tăng chất lượng là giá trị của chiếc MBH cũng đắt hơn trước nhiều lần. Thật ra, đối với những gia đình khá giả, việc mua 1, 2 cái MBH cho con là chuyện bình thường, nhưng đối với một số gia đình thu nhập thấp, nhưng có đông con đang độ tuổi đi học thì đó là cả một vấn đề. Trước đây, một chiếc MBH “dỏm” dùng để đối phó với CSGT chỉ ở giá 40.000 - 50.000 đồng, thì bây giờ với giá “chất lượng” một chiếc MBH ở khoảng 100.000 đến hơn 300.000 đồng. Theo lời một số chủ sạp bán lẻ MBH trên đường CMT8 thì các loại MBH cho trẻ đều có dán tem đạt chất lượng và tem bảo hiểm của công ty, nên giá thành phải cao hơn trước nhiều.

Thăm một vài điểm bán MBH trẻ em, tôi thấy nhiều đứa trẻ khi được ba mẹ chở đi mua mũ rất phấn khích, chúng tíu tít chọn cái vừa vặn có màu sắc và hình vẽ ưa thích. Tuy nhiên vẫn có một số trẻ không quen đội MBH. Thiết nghĩ vấn đề này phụ thuộc vào ý thức chấp hành giao thông của người lớn. Trẻ em rất dễ vâng theo nếu người lớn chịu đứng ra giải thích và nhắc nhở. Kể từ khi quy định xử phạt được áp dụng chính thức, MBH trẻ em được bày bán khắp nơi nhưng theo lời các chủ tiệm thì số lượng mũ trẻ em vẫn bán rất chậm (tuy có nhiều hơn lúc trước), chỉ chiếm khoảng 1/3 số lượng mũ người lớn bán ra hằng ngày. Thực chất, khá nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa sẵn sàng cho con mình chấp hành đúng quy định khi tham gia giao thông. Vào các giờ đưa con đi học và rước con về, số trẻ em không đội mũ bảo hiểm vẫn còn ngập tràn trên khắp các con đường. Có phụ huynh chở 2 – 3 học sinh trên một chiếc xe nhưng chẳng bé nào đội MBH, chỉ có người lớn đội. Một số phụ huynh khác vì sợ bị phạt tiền nên dù chưa mua MBH cho con, đã lấy đại mũ người lớn cho con đội đỡ. Nhìn đứa trẻ vừa ngồi đằng sau vừa lấy tay đẩy mũ bảo hiểm ra để nhìn đường, càng thấy… nguy hiểm hơn. Vì chưa nắm rõ thông tin xử phạt này trên truyền hình và báo chí, nên không ít phụ huynh lơ là việc đội MBH cho trẻ. Để quy định này được chấp hành triệt để tham gia giao thông, thiết nghĩ cần phải tuyên truyền sâu rộng trong các trường học, chủ yếu là cấp tiểu học và kể cả cấp mẫu giáo.

Cùng với tiêu chí chấp hành đúng quy định của Luật ATGT, nhiều bậc phụ huynh đã tập cho con mình đội mũ bảo hiểm từ khi lên 3 - 4 tuổi để bảo đảm an toàn cho trẻ và cũng tập cho trẻ làm quen với quy định khi tham gia giao thông. Ngày nay, cơ thể trẻ em phát triển rất nhanh, nhìn bề ngoài rất khó phân biệt đâu là bé đúng quy định và không đúng quy định. Song, nhìn chung, việc thực hiện tốt các quy định, đúng Luật Giao thông sẽ giúp cho các bậc phụ huynh yên tâm hơn khi chở con lưu thông trên đường. Đồng thời, tập cho trẻ sớm làm quen với nón bảo hiểm cũng là một trong những phương pháp giúp trẻ có cái nhìn khách quan về vấn đề giao thông trên địa bàn, nhất là góp phần xây dựng cho trẻ ý thức chấp hành Luật Giao thông ngay từ khi còn nhỏ.

Thuỳ Dương

 

Từ khóa:
Tin liên quan