Đọc báo in
Tải ứng dụng
Ý thức chấp hành luật giao thông: Chú trọng giáo dục từ phía gia đình
2012-08-31 09:57:00

Nguyên nhân chính của những vụ vi phạm luật giao thông là do người tham gia giao thông không chấp hành Luật giao thông.

(BTN)- Trong thời gian qua, đã có rất nhiều bài viết về tai nạn giao thông (TNGT) đề cập tới nhiều góc độ và phân tích những nguyên nhân khiến TNGT ngày càng trở thành nỗi nhức nhối của cả xã hội. Cũng đã có nhiều bài viết đề cập đến nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến tình trạng vi phạm Luật Giao thông, một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến tình trạng TNGT trở thành vấn nạn, đó là ý thức chấp hành luật giao thông. Giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông là vấn đề lớn, bao gồm sự tham gia tích cực của cả gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn nêu một trong những vấn đề “sát sườn” nhất nhưng lại ít thấy tuyên truyền nhất- đó là giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông từ phía gia đình.

Trong nhiều năm qua, Nhà nước đã tốn hao rất nhiều ngân sách để đầu tư vào các hoạt động nhằm ngày càng nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông cho người dân. Tất cả các cấp, các ngành, các địa phương đều hết sức nỗ lực giáo dục Luật Giao thông bằng nhiều hình thức: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; in tài liệu phát đến từng hộ gia đình; tổ chức các cuộc thi; đặt pa-nô cảnh báo; tuần tra kiểm soát nhắc nhở, giáo dục và xử phạt răn đe… Do đó, có thể khẳng định dù là người “tối dạ” nhất cũng phải biết những quy định cơ bản như: ra đường đi phía bên phải, đến ngã tư gặp đèn xanh được phép đi, đèn đỏ thì dừng lại, qua đường phải có tín hiệu báo trước… Tuy vậy, thực tế chuyện điều khiển phương tiện giao thông trái quy định vẫn xảy ra nhan nhãn. Nhiều người “đổ thừa” do đường xấu, đường hẹp, nhiều người buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, không đặt biển cảnh báo, không có đèn đường, không có đèn tín hiệu giao thông... nhưng tất cả chỉ là nguyên nhân phụ. Nguyên nhân chính là do người tham gia giao thông không chấp hành Luật Giao thông, bởi vì hầu hết những người vi phạm đều biết rõ hành vi của mình là vi phạm. Và điểm xuất phát của nguyên nhân cơ bản này là do không có ý thức chấp hành Luật Giao thông.

Học sinh đi xe đạp hàng hai, hàng ba trên đường dễ gây TNGT

Giáo dục cho người dân nắm rõ các quy định Luật Giao thông đường bộ là không khó, chỉ cần tập trung học tập vài ngày là đủ. Nhưng giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông lại là chuyện lâu dài, thậm chí có khi phải đến vài chục năm. Đồng thời phải chú ý giáo dục ngay từ khi con người ta còn tấm bé. Và để có được ý thức chấp hành tốt, cần có sự kết hợp cả gia đình, nhà trường và xã hội. Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã tập trung rất mạnh vào lĩnh vực giáo dục luật pháp và ý thức chấp hành Luật Giao thông trong nhà trường và ngoài xã hội. Còn về phía gia đình thì cũng có một số quy định ràng buộc, nhưng chủ yếu là do “nếp nhà” nhiều hơn. Tuy nhiên, không phải “nếp nhà” nào cũng giống nhau, nên chuyện giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông từng gia đình có khác nhau và hệ quả cũng khác nhau.

Thực tế đã có không ít ông cha, bà mẹ chẳng những không hề có ý thức về giáo dục ý thức chấp hành luật cho con cháu, mà còn vô tình gieo vào đầu con trẻ mầm mống vô ý thức. Tôi đã từng chứng kiến những cảnh ông cha, bà mẹ chở con nhỏ đi học hoặc rước con từ trường về, khi đi qua ngã tư thấy đường vắng là cứ “vô tư” vượt đèn đỏ. Hành vi này muốn hay không cũng tạo dấu ấn xấu cho trẻ con, bởi thuở còn nhỏ trẻ con luôn coi cha mẹ là tấm gương, làm gì cũng đúng và phải làm theo. Cha mẹ nêu gương “vượt đèn đỏ” như thế, làm sao trẻ con có được ý thức chấp hành luật? Tuy nhiên cũng có gia đình rất chú trọng đến việc giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông cho con cái. Tôi muốn nêu cụ thể quá trình giáo dục con về ý thức chấp hành Luật Giao thông của gia đình một người anh mà tôi được tận mắt chứng kiến. Ông ấy chỉ có đứa con trai duy nhất, nay đã tốt nghiệp đại học. Là gia đình có “của ăn, của để” nên ông rất cưng con. Tuy nhiên, là thầy giáo nên cách cưng con của ông không quá đáng như một số gia đình khác - đặc biệt là trong việc đi lại. Từ khi con còn nhỏ, lúc chở con đi học, ông đã dạy cho con các quy định về giao thông đơn giản. Khi con vào học cấp 2, ông tập cho con đi xe đạp, đồng thời cũng sắm cho mình thêm một chiếc xe đạp để chiều chiều cùng chạy với con. Thời gian đầu, ông cùng con chạy suốt đoạn đường cho đến khi về nhà. Trên đường đi, ông chỉ cho con mình những điều cần phải tuân thủ khi tham gia giao thông và cách ứng xử đối với từng tình huống xảy ra trên đường đi. Khi thấy con mình chạy xe cứng cáp, đồng thời đã nhận thức được những quy định cơ bản về giao thông, ông dần rút ngắn đoạn đường chạy xe đạp cùng con, đến khi cho con chạy xe một mình. Tuy nhiên, ông không bỏ hẳn ngay mà lặng lẽ chạy theo sau để xem cách ứng xử của con đối với các tình huống xảy ra trên đường, đặc biệt là về hành vi chấp hành Luật Giao thông. Đến khi chắc chắn con mình dù có chạy xe một mình trên đường vắng vẫn không vi phạm luật, ông mới giảm dần thời gian đi theo con. Trong thời gian đứa con rảnh rỗi sau khi tham dự kỳ thi đại học, ông cho con học thi lấy bằng lái xe mô tô. Khi con ông đi học đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, mấy năm đầu ông vẫn động viên con đi xe đạp. Khi chắc chắn con vững vàng trong việc tham gia giao thông trong thành phố, ông mới sắm cho con mình xe gắn máy. Hiện nay con ông đã có con, đang học trường mẫu giáo và người con của ông ấy cũng đang bắt đầu dạy con mình ý thức chấp hành Luật Giao thông mỗi khi đưa đón con đi học. Ông ấy thường nói “Giáo dục con ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông là một trong những cách bảo vệ con mình hiệu quả nhất”.

Có thể câu chuyện nêu trên chưa phải là “tấm gương”, nhưng qua đó hy vọng sẽ giúp cho những gia đình khác nhìn lại cách giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông trong gia đình mình và có cái nhìn tích cực hơn. Gia đình là “tế bào” của xã hội. Tế bào khoẻ mạnh thì cơ thể mới khoẻ mạnh. Gia đình chấp hành tốt Luật Giao thông thì cả xã hội mới đảm bảo an toàn giao thông.

Sơn Trần

Từ khóa:
Tin liên quan