Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số - Những vấn đề đặt ra Bài 2: Dạy tiếng dân tộc thiểu số trong nhà trường - hiệu quả vững bền
Bảo tồn ngôn ngữ dân tộc thiểu số - Những vấn đề đặt ra
Hoàng Yến - Việt Đông
Xem các bài viết của tác giả
Thứ tư: 09:40 ngày 23/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh người dân tộc thiểu số có nguyện vọng, nhu cầu được học tiếng của đồng bào mình, Sở Giáo dục và Đào tạo Tây Ninh đã chỉ đạo các đơn vị, trường học triển khai dạy tiếng Khmer và tiếng Chăm cho học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Tiết học ngôn ngữ Khmer tại trường Tiểu học La Văn Cầu (TP. Tây Ninh).

Dạy tiếng Khmer theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình tiếng Khmer cấp tiểu học và trung học cơ sở là chương trình dạy học tiếng dân tộc thiểu số dành cho môn học tự chọn, áp dụng đối với học sinh dân tộc Khmer ở Việt Nam có nhu cầu học tiếng Khmer. Tại Tây Ninh, tiếng Khmer hiện được giảng dạy tại 3 trường tiểu học: La Văn Cầu (TP. Tây Ninh), Hoà Đông (huyện Tân Biên) và Tân Đông (huyện Tân Châu).

Cô Phạm Thị Bình- Hiệu trưởng trường Tiểu học La Văn Cầu thông tin, trường thuộc địa bàn xã Thạnh Tân, khu vực có đông học sinh con em người dân tộc Khmer. Năm học 2024 – 2025, trường có 200 học sinh, trong đó có 105 em là người dân tộc Khmer. Do đó, việc đưa tiếng Khmer vào chương trình học từ lớp 1 đến lớp 5, theo cô Bình là hoàn toàn đúng với nguyện vọng của học sinh, được học tiếng mẹ đẻ để góp phần lưu giữ bản sắc, văn hoá của người Khmer. 

Trước đây, học sinh học tiếng Khmer 4 tiết/tuần, nhưng từ khi nhà trường triển khai Chương trình GDPT 2018, các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 chỉ học 2 tiết/tuần, riêng học sinh lớp 3 trở lên phải học thêm ngoại ngữ tiếng Anh, theo chương trình chung. Theo cô Bình, thời lượng học như vậy là hoàn toàn phù hợp, không cần phải tăng số tiết dạy và học. 

Trường Tiểu học La Văn Cầu hiện có một giáo viên giảng dạy tiếng Khmer cho học sinh, đó là thầy Cao Văn An, với hơn 14 năm đứng lớp. “Tôi thấy tài liệu của Bộ GD&ĐT ban hành phù hợp với các em học sinh dân tộc Khmer. Sau khi hoàn thành xong chương trình, con em có thể đọc, viết thành thạo ngôn ngữ Khmer. Nội dung sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 3 rất phù hợp, có phần học âm- vần, ghép phụ âm với nguyên âm. Sách lớp 4 biên soạn phần nội dung gồm tập đọc, chính tả, kể chuyện… những câu chuyện trong sách được biên soạn hợp lý, hình ảnh minh hoạ sinh động”- thầy An nhìn nhận.

Chương trình dạy tiếng Khmer được Bộ GD&ĐT biên soạn sách giáo khoa riêng.

“Dạy tiếng dân tộc thiểu số trong trường học nói chung và tiếng Khmer nói riêng nhằm bảo tồn ngôn ngữ, chữ viết, văn hoá của đồng bào dân tộc mình. Chủ trương này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, giúp thế hệ trẻ người Khmer có thể gìn giữ ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào mình. Đó cũng chính là niềm vui, hạnh phúc của người giáo viên khi được dạy cho các em nắn nót từng nét chữ đầu đời, chỉnh từng âm tiết trong cách phát âm, được nghe các em đồng thanh đọc bài bằng ngôn ngữ dân tộc mình” - thầy giáo An nói.

Em Cao Thị Ngọc Trang, học sinh lớp 3B, trường Tiểu học La Văn Cầu hào hứng nói: “Khi học tiếng Khmer tại trường, em được thoả sức nói tiếng mẹ đẻ của mình. Em thích nhất những dịp lễ tết của dân tộc như Chol Chnam Thmay, Ok Om Bok, Sene Dolta. Hiện tại, em học thêm tiếng Anh, vì đây là ngôn ngữ bắt buộc. Để sắp xếp thời gian học cùng lúc nhiều ngôn ngữ, mỗi ngày em sẽ rèn luyện một ít, ở nhà em trò chuyện với ba mẹ bằng tiếng Khmer, đến trường em giao lưu với các bạn bằng tiếng Việt, cuối tuần ôn luyện thêm tiếng Anh để có thể tiếp thu cùng lúc nhiều ngôn ngữ khác nhau”. 

Các em học sinh dân tộc Khmer cảm thấy thích thú khi được học ngôn ngữ mẹ đẻ của mình tại trường học.

Tương tự, em Cao Thị Yến Nhi (chung lớp với Ngọc Trang) cho hay, em cảm thấy tiếng Khmer rất hay và ý nghĩa, vì đó là tiếng của ông bà, cha mẹ em. Khi ở nhà, em trò chuyện với ba mẹ bằng tiếng Khmer. Bên cạnh việc học cách đọc, cách viết, thầy còn dạy cho em những bài hát bằng ngôn ngữ Khmer, giúp em ngày càng yêu thích hơn những tiết học đặc biệt này.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, dạy và học tiếng Khmer ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở giúp học sinh hình thành và phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Khmer, mở rộng hiểu biết về văn hoá của người Khmer Nam Bộ, bồi dưỡng tinh thần đoàn kết dân tộc, ý thức công dân Việt Nam, góp phần bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá của người Khmer Nam bộ.

Nỗ lực truyền dạy ngôn ngữ Chăm 

Tại Tây Ninh, việc dạy tiếng Chăm chỉ còn áp dụng tại trường Tiểu học Tân Hưng A (huyện Tân Châu). Thầy Chàm Ên là giáo viên duy nhất giảng dạy cho các em học sinh, thầy đã có hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người.

Thầy Chàm Ên thông tin, nhằm giúp các em học sinh hiểu nhanh và dễ học, trong những bài giảng của mình, thầy lồng vào đó những kiến thức về đời sống hằng ngày, về phong tục tập quán của dân tộc Chăm. Tuy nhiên, điều thầy Chàm Ên băn khoăn nhất, đó là học sinh vẫn phải học giáo trình song ngữ Việt - Chăm cũ. “Dạy tiếng Chăm song ngữ ở trường hiện chưa có giáo trình mới. Tôi muốn mang thêm nhiều kiến thức cho các em nhưng còn khó khăn trong việc không đủ sách giáo khoa”- thầy Chàm Ên nói.

Tiết học ngôn ngữ Chăm tại trường Tiểu học Tân Hưng A (huyện Tân Châu).

Cô A Mi Ná là giáo viên người Chăm của trường Tiểu học Tân Hưng A, cô phụ trách giảng dạy tiếng Việt cho học sinh. Theo cô A Mi Ná, khi dạy tiếng Việt cho các em học sinh là người đồng bào dân tộc Chăm, đặc biệt là các em lớp 1 rất khó, vì các em không thạo tiếng Việt. “Tôi dạy tiếng Việt, giờ ra chơi tôi sẽ trò chuyện với các em nhiều hơn, đặt những câu hỏi bằng tiếng Chăm rồi hướng dẫn các em phiên âm ra tiếng Việt, giúp các em nhanh tiếp thu bài hơn” – cô giáo người dân tộc Chăm nói.

Học sinh đầu cấp thường rụt rè, nhút nhát hơn các anh chị lớp lớn, đặc biệt là các em học sinh đồng bào dân tộc sẽ khó khăn hơn các bạn vì chưa hiểu tiếng Việt, vì vậy trong quá trình giảng dạy, cô giáo A Mi Ná luôn tìm phương pháp giúp các em tiếp thu bài học. Cô cho biết, nhiều trẻ em dân tộc không học mẫu giáo trước khi vào lớp 1 nên nói tiếng Việt chưa tốt, vì thế khi giảng bài cô giáo thường xuyên dùng những từ trong tiếng Chăm để diễn đạt sang tiếng Việt cho các em dễ hiểu.

Hội thi "Giao lưu tiếng Việt cho chúng em" dành cho học sinh dân tộc thiểu số được tổ chức hàng năm.

Song song việc đẩy mạnh giảng dạy ngôn ngữ đồng bào dân tộc thiểu số trong nhà trường, một số cá nhân, tổ chức, các chùa Khmer, thánh đường Hồi giáo… đã đứng ra tổ chức dạy học miễn phí cho con em đồng bào dân tộc Khmer, Chăm tại địa phương.

Theo ông Lê Hoàng Cương- Trưởng Phòng Mầm non - Tiểu học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, việc dạy tiếng dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm giữ gìn và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hoá của các dân tộc thiểu số.

Thông qua dạy tiếng dân tộc thiểu số giúp giữ gìn và phát triển tiếng nói, chữ viết của từng dân tộc trên địa bàn tỉnh. Cho đến nay, chỉ chương trình dạy tiếng Khmer được Bộ GD&ĐT biên soạn sách giáo khoa riêng, bài bản. Các ngôn ngữ thiểu số còn lại, tài liệu dạy học được dịch từ nội dung sách giáo khoa tiếng Việt sang.

Trong cộng đồng 21 dân tộc thiểu số ở Tây Ninh, có một nhóm người dân tộc Thái di cư từ miền Bắc vào. Đồng bào dân tộc Thái giữ gìn tiếng nói của mình như thế nào?

Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số, 27/53 dân tộc thiểu số có bộ chữ viết riêng của dân tộc mình, như Tày, Thái, Hoa, Khmer, Nùng, Mông, Gia-rai, Ê-đê, Ba-na, Xơ-đăng, Chăm, Cơ-ho, Mnông... được bảo tồn. Một số ngôn ngữ được sử dụng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, các đài phát thanh và truyền hình địa phương, và được sử dụng để in các tác phẩm văn nghệ truyền thống, các sáng tác mới...  Việc tổ chức dạy, học ngôn ngữ dân tộc thiểu số cũng được triển khai ở các trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước.

Hiện nay, cả nước có 30 tỉnh triển khai với 700 trường học tiếng dân tộc thiểu số; phát hành 8 chương trình tiếng dân tộc (Chăm, Khmer, Gia-rai, Ba-na, Ê-đê, Mông, Mnông, Thái) và 6 bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số (Chăm, Khmer, Gia-rai, Ba-na, Ê-đê, Mông). Nhiều địa phương đã khảo sát, thống kê, sưu tầm tiếng nói, chữ viết, thư tịch cổ của các dân tộc; biên soạn, xuất bản sách tiếng dân tộc thiểu số.

Hoàng Yến - Việt Đông

(còn tiếp)

Tin liên quan