Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Chị dâu nhưng nào khác mẹ hiền
Thứ hai: 18:39 ngày 26/02/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
- Cuộc mưu sinh nặng nhọc bên ngoài đã làm chị mệt nhoài, mà về đến nhà lại còn phải loay hoay chăm sóc hai đứa em bệnh tật- từ việc ăn uống đến tắm rửa, giặt giũ...

Chị Loan và hai người em bị nhiễm chất độc da cam.

Trong những năm qua, bên cạnh sự chăm lo của Nhà nước, các nạn nhân chất độc da cam còn được sự quan tâm, chia sẻ của người thân và cộng đồng, trong đó có người gần như dành cả đời mình để chăm sóc các nạn nhân chất độc da cam. Chị Ðỗ Thị Loan, 48 tuổi, ngụ tại ấp Tầm Lanh, xã Hiệp Thạnh, huyện Gò Dầu là một trong những người như vậy.

 

Chị Loan sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở xã Phước Ðông. Lớn lên, chị lập gia đình với một người cùng cảnh nghèo như mình ở xã Hiệp Thạnh. Chị sống chung với cha mẹ chồng và hai người em bị nhiễm chất độc da cam.

3 đứa con lần lượt ra đời, nhà không có đất sản xuất nên hai vợ chồng chị phải đi làm thuê làm mướn kiếm sống. Cha mẹ ngày một già yếu rồi lần lượt qua đời, vợ chồng chị phải đảm nhận trách nhiệm nuôi hai đứa em bị nhiễm chất dộc da cam.

Hai anh chị cật lực làm lụng nhưng cuộc sống cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Rồi chồng chị Loan đột ngột qua đời. Bao nhiêu gánh lo toan đổ dồn lên đôi vai của chị. Lúc ấy, nhìn cảnh con cái nheo nhóc, thêm hai đứa em chồng bệnh tật ngờ nghệch, chị gần như rơi vào bế tắc, không biết mình có kham nổi trách nhiệm làm mẹ, làm chị hay không.

Vì thương con và nhớ đến di nguyện của chồng- phải cố nuôi hai đứa em bất hạnh, chị đành gắng gượng đứng lên để làm chỗ dựa cho các con, các em. Chị tần tảo làm đủ mọi việc để kiếm tiền lo cho gia đình. Cuộc mưu sinh nặng nhọc bên ngoài đã làm chị mệt nhoài, mà về đến nhà lại còn phải loay hoay chăm sóc hai đứa em bệnh tật- từ việc ăn uống đến tắm rửa, giặt giũ...

Chăm sóc một người bình thường đã vất vả, chăm sóc người nhiễm chất độc da cam, không có nhận thức, hay trở tính trở nết thất thường lại càng khổ nhọc hơn nhiều. Tuy vậy, chị vẫn cố chịu đựng, lo cho hai đứa em chồng bằng tất cả tình thương của một người chị.

Ngày đến thăm nhà chị Loan, tôi bắt gặp anh Khâu- một trong hai người em chồng của chị ngồi ở đầu đường dẫn vào nhà. Tôi hỏi: “Anh ngồi đấy làm gì?”, anh Khâu vui vẻ trả lời bằng giọng ngọng nghịu: “Em chờ chị đi cắt cỏ cho bò về”. Có thể thấy, tuy khờ khạo nhưng anh Khâu có vẻ cũng biết quan tâm đến người đã chăm lo cho mình. Ðó cũng là niềm an ủi để chị dâu cố gắng vượt qua mọi khó khăn, bảo bọc, nuôi dưỡng các em.

Anh Khâu tay chân bị co quắp nhưng vẫn còn đi lại được, còn cô em gái cùng bị nhiễm chất độc da cam như anh chỉ có thể ngồi một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải phụ thuộc vào người khác. Cho nên, hằng ngày, dù có đi làm đâu xa, chị Loan vẫn tranh thủ trở về nhà lo cho các em.

Hai người em chồng bất hạnh lớn lên từng ngày trong vòng tay chăm sóc tận tình của người chị dâu. Anh Khâu nay đã 42 tuổi, cô em gái cũng đã 23.

Bây giờ, các con của chị Loan đã khôn lớn và có gia đình riêng. Lớn lên trong cảnh nghèo, nên giờ đây họ cũng không khá giả gì hơn mẹ mình, nhưng tất cả đều chăm lao động, tự lo được cuộc sống của mình tuy còn rất vất vả. Nhờ vậy, chị Loan đã nhẹ gánh lo toan hơn trước nhiều, nhưng chị vẫn chưa được nghỉ ngơi, do còn phải làm lụng nuôi hai đứa em chồng bệnh tật.

“Chăm sóc hai đứa cực lắm nhưng riết rồi tôi cũng quen. Hiểu tính hiểu nết chúng hết rồi nên việc chăm sóc không còn quá khó khăn nữa. Hai em sinh ra đã không được khoẻ mạnh, bình thường là bất hạnh lắm rồi, nếu còn bị mình bỏ rơi nữa thì tội lắm”- chị Loan tâm sự.

Tháng 12.2017, chị Loan đã được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương Vì nạn nhân chất độc da cam.

THẾ ANH

Tin liên quan