Đọc báo in
Tải ứng dụng
Nghĩ ngợi chuyện an toàn giao thông
2014-12-05 03:46:00

(BTNO) - Cho đến bây giờ vẫn chưa ai thử so sánh trung bình số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT) mỗi ngày ở Việt Nam với một cuộc chiến thực sự gọi là thảm khốc, cỡ như Syria chẳng hạn. Hồi đầu tháng 11, Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2014, cả nước có 7.475 người chết, 19.937 người bị thương vì TNGT. Tôi thử chia cho 305 ngày, thì 10 tháng qua trung bình mỗi ngày có 24 người chết, 65 người bị thương. Thoạt trông những con số này, tôi đoan chắc rằng, số thương vong mỗi ngày vì TNGT ở Việt Nam cũng chẳng thua gì cuộc chiến ở mãi bên Trung Đông.

Rẽ trái không cần xi nhan.

Nguyên nhân nào, giải pháp gì để kéo giảm (chỉ có thể gọi là kéo giảm chứ khó mà chấm dứt được) TNGT thì không biết bao nhiêu nhà hoạch định chính sách, chuyên gia lẫn các nhà báo, người dân luận bàn. Giải pháp nào cũng có hiệu quả bước đầu, rồi như trêu ngươi một cách nghiệt ngã, TNGT vẫn diễn ra. Tại một hội nghị trực tuyến do Ban ATGT quốc gia tổ chức trong năm 2014 này, lãnh đạo một tỉnh miền Tây nói như than: Cũng tăng cường, cũng thắt chặt các biện pháp bảo đảm ATGT… nhưng mới quý trước vừa được Thủ tướng khen ngợi, quý sau lại bị phê bình gay gắt vì để số người chết, số người bị thương gia tăng, chả biết đường nào mà lần.

TỪ CHUYỆN CÁI NÓN BẢO HIỂM...…

Không nói chuyện “đao to, búa lớn” làm gì, chỉ nói những chuyện nhỏ nhặt như việc cho trẻ đội nón bảo hiểm. Ở trường, các cháu được thầy cô giáo dạy khi được cha mẹ chở ra đường là phải nhớ đội nón bảo hiểm. Thầy cô dạy, trẻ nghe theo răm rắp, nhưng đôi khi chính các bậc phụ huynh lại làm “phai nhạt” đi ý thức nhỏ nhoi vừa được hình thành trong đầu trẻ. Bạn đọc cứ thử đến cổng các trường tiểu học vào giờ tan trường mà xem, rất nhiều phụ huynh chở con đi học về mà chẳng cần nón bảo hiểm.

Tôi mê chụp ảnh, chủ yếu là thể loại “đường phố”, chỉ để đăng facebook chơi cho vui, giảm stress. Có cô bạn comment (bình luận) rằng, cô cũng biết đưa rước con đi học mà không đội nón bảo hiểm là rất nguy hiểm (cô cũng thừa nhận là mình chạy xe khá ẩu) nhưng vì bé thắt bím tóc, đội nón bảo hiểm không được, nên thôi (!?). Cô khác thì bảo, chưa tìm được nón bảo hiểm “xịn” cho bé, nên tạm thời cứ để vậy, chắc không sao đâu (!?).

Khổ, người Việt mình quen kiểu nói “chắc không sao đâu” rồi bỏ lơ, chả thèm quan tâm, đến khi “sự cố” xảy đến mới khóc rấm rứt oán thán tại “ông trời bất công”. Những người may mắn thoát chết nhờ nón bảo hiểm mới thấy giá trị của cái vật bị đời rẻ rúng gọi là “nồi cơm điện”, trong đó có tôi.

Cách đây hơn tháng, vừa từ cổng cơ quan ra, một anh chàng thợ hồ từ hướng Bách Hoá cũ, ôm cua vòng xoay 30.4 lao thẳng vào giữa xe tôi. Trong khoảnh khắc mà nhà Phật gọi là “sát na” ấy, khi ngã xuống đường, trong đầu tôi đinh ninh là phen này chắc ăn là về chầu ông bà, ông vải.

Khi ngả xuống, nón bảo hiểm va chạm với mặt đường vang lên một tiếng cộp khá lớn, thầm gọi tên vợ, tên con vì chắc rằng cỡ có thoát chết cũng bèo nhèo sống đời thực vật hoặc tưng tửng. Sau cú ngã, tôi mới nhận ra nón bảo hiểm vẫn còn dính chặt trong đầu mình, tôi cố gắng ngồi dậy gỡ nón xuống, rờ tay lên đầu không thấy máu. Mừng rớt nước mắt, người cứ lơ ngơ, chẳng còn nghe được gì dù cả chục đồng nghiệp trong cơ quan túa ra, hỏi han đủ thứ! Mà cũng xin nói rõ, tôi là người thứ hai thoát chết ngay trước cơ quan mình nhờ cái nón bảo hiểm “xịn”.

...ĐẾN ĐÈN ĐỎ, BIỂN CẤM VÀ NHỮNG CÚ RẼ NGOẠN MỤC

Tôi không viện dẫn những vụ TNGT để minh hoạ cho bài viết vì với công cụ google trên Internet, bạn đọc có thể search (tìm kiếm) cỡ hàng vạn vụ tai nạn vì nguyên nhân này hay nguyên nhân khác. Mà cần gì phải search, bạn đọc chỉ cần giở hai trang 4-5 của Báo Tây Ninh, hầu như kỳ nào cũng có tin, bài về TNGT.

Trong đó có không ít vụ liên quan đến việc vượt đèn đỏ hoặc không chấp hành biển báo. Nói đâu xa, ngay đầu Mũi Tàu trên đường 30.4 dù không có biển đề “được phép đi thẳng khi đèn đỏ” nhưng không ít người tham gia giao thông, từ mô tô đến xe đạp cứ ào ào vượt lên.

Cũng có người rất có ý thức, khi gặp đèn đỏ vội vàng dừng lại. Thế nhưng, từ phía sau, một anh chàng (hoặc cô nàng) rất ư là bảnh tỏn lao tới, vì có ý định vượt đèn đỏ, thắng bất ngờ nên loạng choạng tay lái, thế là quay sang lầm bầm chửi. Lạ hơn, nếu có nhiều người dừng lại khi đèn đỏ, lập tức sẽ có người bắt chước theo. Nhưng chỉ cần có một người luồn lách qua đám đông vượt lên là ngay sau đó sẽ có thêm vài người rồ ga chạy theo.

Cũng trên tuyến đường 30.4, nhiều người la vống lên, tại mấy anh bên “cây xanh” trồng các loại cây kiểng trên dải phân cách có dáng hơi cao to nên khuất tầm nhìn, người bên ngoài chạy không thấy người bên trong dải phân cách quẹo ra, dễ gây tai nạn. Báo chí đăng “ý kiến bạn đọc”, bên bàn cà phê thời sự, có anh bắt bẻ: Chạy đi đâu dữ vậy, người chạy bên ngoài cứ chầm chậm lưu thông vì đường 30.4 có nhiều lối rẽ, người chạy bên trong từ từ “thò đầu ra” thì hổng có lý nào mà xảy ra tai nạn cả. Ừ há, ngẫm cũng có lý.

Rồi đến chuyện đèn xi nhan, cứ bấm là rẽ, chả cần ngó trước, ngó sau, mà có khi cũng chẳng bấm đèn, thích rẽ là rẽ thôi, như đường làng ấy mà! Kinh tế phát triển, đời sống xã hội ngày càng tăng cao, con người càng có nhu cầu được hưởng thụ vật chất. Có tiền, đi mô tô nắng nôi, mưa gió dễ sinh bệnh nên lên đời, sắm ô tô cho “bằng chị, bằng em”. Chả biết học thế nào, nhiều “bác tài” vẫn chưa dứt được thói quen thích rẽ không cần xi nhan. Mới thấy đèn thắng ô tô bật sáng lên là đã thấy ngoặt tay lái rẽ ngang. Đó là chưa kể việc bật xi nhan trái mà rẽ phải!

VÔ TỬU BẤT THÀNH LỄ

Hễ cứ nhắc đến việc ai đó bị TNGT, ngay lập tức người nghe liền hỏi: Bộ nhậu dữ lắm hả? Cũng khó trách được, chuyện uống rượu - bia là tập tục, là thói quen ăn sâu vào trong máu của người Việt mình, không biết ai dạy cũng truyền từ đời này sang đời khác cái câu: “Vô tửu bất thành lễ” - không có rượu không thành lễ nghi, hoặc “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu, thoại bất đầu cơ bán cú đa” - uống rượu mà gặp bạn hiểu mình thì ngàn chén cũng là còn ít, nói chuyện mà không hợp nhau thì nửa câu cũng là còn nhiều. Thật ra bây giờ cái nạn “sợ bất thành lễ ấy” cũng có giảm phần nào, vì không chỉ sợ TNGT mà các “tửu gia” còn sợ lâu ngày, dài tháng bị “xơ gan, cổ trướng”.

Theo Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam Takeshi Kasai, ước tính có đến 70% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia. Còn theo Uỷ ban ATGT quốc gia, 70% số vụ TNGT tại Việt Nam có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Đặc biệt, TNGT thường xảy ra trong khoảng thời gian từ 18- 24 giờ.

Báo, đài ra rả cả ngày lẫn đêm, nhưng các quán nhậu vẫn đông như thường. Vi phạm nồng độ cồn thì bị phạt, bị giam xe là chuyện đương nhiên, nhưng gây hoặc bị tai nạn, mình “sa nhị tỳ” đã đành, còn gây thêm khổ luỵ cho vợ con. Mỗi năm cứ đến “Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông”, có dịp đi thăm, tặng quà cho những gia đình có thân nhân mất vì TNGT, hầu như nhà nào cũng rơi vào cảnh thiếu trước, hụt sau khi mất lao động chính trong gia đình, có gia đình phải sống trong cảnh ở đậu, không có nhà cửa.

Nghĩ dại, có khi mấy anh Cảnh sát giao thông chả cần chạy loanh quanh, cứ đậu “bồ câu trắng” trước cổng mấy quán nhậu, “đệ tử lưu linh” nào rời khỏi quán bằng mô tô là “hốt”, làm suốt như vậy có khi lại là giải pháp hữu hiệu để kéo giảm TNGT vì nguyên nhân rượu bia. Chỉ tiếc cảnh sát mà làm vậy thì dân lại kêu ầm lên, thành thử…

Mà nói cho cùng, nếu người Việt không bỏ dần nếp nghĩ “vô tửu bất thành lễ” thì “nhà chức trách” có làm mạnh mấy đi chăng nữa, cũng khó mà kéo giảm tai nạn.

Đặng Hoàng Thái

Từ khóa:
Tin liên quan