Đọc báo in
Tải ứng dụng
Kỳ I: Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể thao tỉnh- Hơn nửa thập niên hoang phế
Đại Dương- Quốc Sơn
Xem các bài viết của tác giả
2024-09-26 18:58:16

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có một số công trình thể thao hoạt động sôi nổi, nhưng hiện nay, nhiều địa điểm này đã ngưng hoạt động, chuẩn bị chuyển đổi công năng.

Trung tâm ĐT&HLTT tỉnh những năm còn hoạt động.

Nhắc đến Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể thao (ĐT&HLTT) tỉnh, hầu như người dân Tây Ninh nào cũng biết. Bởi vì nơi đây được hình thành, hoạt động nhiều năm và từng cho “ra lò” nhiều VĐV tên tuổi của nhiều bộ môn, làm rạng danh thể thao Tây Ninh. 6 năm qua, “lò” đào tạo thể thao được di dời đến nơi mới, trụ sở của Trung tâm ĐT&HLTT cũ bị bỏ hoang phế.

Một thời chắp cánh ước mơ

Tiền thân của Trung tâm ĐT&HLTT là Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh Tây Ninh, được thành lập đầu năm 1993, có trụ sở tại số 92, đường Phạm Tung, khu phố 1, phường 3, thị xã Tây Ninh. Đến năm 1997 Trung tâm TDTT tỉnh được đổi tên Trung tâm ĐT&HLTT, theo Quyết định số 02/QĐ-UBND, ngày 13.1.1997 của UBND tỉnh.

Khi mới thành lập, Trung tâm TDTT chỉ có 2 dãy nhà cấp IV đơn sơ. Sau đó, trung tâm được tỉnh đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây mới nhà làm việc, hội trường, nhà để xe... Cơ sở vật chất, sân bãi cho VĐV tập luyện rất thiếu thốn, chỉ có sân vận động cũ, hồ bơi thiên nhiên (thị xã Hòa Thành). Đơn vị cải tạo khoảnh đất trống trong Trung tâm làm nơi tập luyện môn bóng chuyền; còn môn bóng bàn tập luyện tại một căn phòng cấp IV của Trung tâm.

Các lớp Trẻ, Năng khiếu của bộ môn bóng đá phải tập trên những khu đất trống của vườn cao su. Lớp bơi thì tập trên các đoạn kênh Đông, kênh Tây của công trình thủy lợi Dầu Tiếng. Năm 1995, Trung tâm được tỉnh đầu tư xây dựng Nhà tập luyện, trở thành nơi tập luyện các môn bóng chuyền, cầu lông, võ thuật và tổ chức thi đấu các giải thể thao phong trào.

Trong tủ kính còn trưng bày hơn nhiều Bằng khen của Bộ VHTT&DL, Tổng cục TDTT, UBND tỉnh và ảnh các đội tuyển bóng đá Tây Ninh thời hoàng kim.

Sau nhiều lần nâng cấp, cải tạo, Trung tâm ĐT&HLTT trở thành nơi chắp cánh cho hàng ngàn VĐV chuyên nghiệp của nhiều môn thể thao thành tích cao của tỉnh. Trong mỗi môn thể thao đều có các đội tuyển, trẻ và năng khiếu. Hầu hết VĐV các môn đều được tập trung ăn, ở, học văn hóa tại chỗ. Ngoài số lượng VĐV, Trung tâm còn là nơi cư ngụ của nhiều nhân viên, huấn luyện viên.

Những năm trước, mặc dù điều kiện kinh tế- xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất của Trung tâm còn nhiều hạn chế, chế độ tiền lương, tiền công tập luyện và thi đấu của các VĐV chưa cao, nhưng với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, thầy, trò của Trung tâm ĐT&HLTT tỉnh đã vượt lên chính mình, lập nhiều thành tích cao trên đấu trường khu vực, quốc gia và quốc tế.

Nếu như Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 2 tổ chức năm 1990 tại Hà Nội, đoàn thể thao Tây Ninh chỉ đạt 1 huy chương đồng, xếp thứ 29/33 đoàn thì tới Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 3 tổ chức năm 1995 cũng tại Hà Nội, đoàn Tây Ninh đã tăng thành tích lên 6 huy chương các loại, xếp thứ 22/56 đoàn. Tới kỳ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 4 năm 2002 tại Hà Nội, thành tích thể thao Tây Ninh nhân lên gần gấp đôi, đạt 11 huy chương, xếp thứ 39/64 đoàn.

Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 5 năm 2006 tại TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh tăng thành tích lên gấp đôi, đạt 22 huy chương, xếp thứ 21/66 đoàn... Không chỉ riêng ở đấu trường Đại hội TDTT toàn quốc, hơn 30 năm qua, các VĐV Tây Ninh tham dự hầu hết các giải thể thao khu vực, toàn quốc và một số VĐV Tây Ninh cũng được chọn vào đội tuyển quốc gia tham dự các giải đấu khu vực và quốc tế.

6 năm hoang phế

Năm 1998, Trung tâm ĐT&HLTT tỉnh được dời về vị trí mới, địa chỉ ở đường Trưng Nữ Vương, ấp Bình Hòa, xã Thái Bình, huyện Châu Thành và hợp nhất với Trung tâm Thi đấu thể thao tỉnh, đổi tên mới thành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (theo Quyết định số 285/QĐ-UBND của UBND tỉnh Tây Ninh). Từ đó đến nay, trụ sở cũ Trung tâm ĐT&HLTT hoàn toàn ngưng hoạt động.

Những ngày này, có dịp trở lại thăm Trung tâm ĐT&HLTT cũ, chúng tôi không còn nhận ra ở đây từng là nơi chuyên đào tạo VĐV thể thao thành tích cao của tỉnh. Sân Trung tâm, cây hoang cỏ dại mọc cao gần 2 mét. Muốn vào được bên trong, chúng tôi phải dùng gậy đập mạnh vào đám cỏ để xua đuổi các loài rắn, rết, côn trùng nguy hiểm có thể đang trú ngụ.

Phòng Giám đốc cửa trước, cửa sau bị hư hỏng, ngã xuống nền gạch.

Trong Hội trường, nhiều bàn, ghế, kệ, cờ Đại hội TDTT, cờ lưu niệm bỏ ngổn ngang. Trên tường, trong tủ kính còn trưng bày hơn 20 Bằng khen của Bộ VHTT&DL, Tổng cục TDTT, UBND tỉnh và ảnh các đội tuyển bóng đá Tây Ninh thời hoàng kim, trụ hạng A1, hạng Nhất, hạng Nhì quốc gia. Cửa ở các phòng làm việc bị hư hỏng, ngã xuống nền gạch, nhiều mảnh kính bén, nhọn rơi vãi xung quanh.

Khu tập thể của cán bộ nhân viên, HLV, VĐV cũng chung số phận. Trong các phòng ở, vật dụng cá nhân, rác thải tràn ngập. Có phòng, la phông sập xuống, để lộ lớp lưới sắt bên trong. Trên trần nhà, các thanh mè rui bằng gỗ đã bị mục nát và một vài tấm ngói lợp mái rớt xuống. Nếu xảy ra mưa to, gió lớn, nhiều khả năng, dãy nhà tập thể này sẽ sụp đổ.

Công trình Nhà tập luyện của Trung tâm cũng gần như bị chìm giữa đám cây hoang, cỏ dại. Từ khu tập thể VĐV muốn đi sang Nhà tập luyện, phải vẹt lối đi giữa đám cây cao hơn đầu người lớn. Bên trong công trình này có một số vật dụng như ghế đá bị sứt mẻ, vỏ xe ô tô cũ, núm nhựa, nhiều lá cây khô và rác thải sinh hoạt. Khắp các bức tường đều bị vẽ nhiều hình ảnh, câu từ nguệch ngoạc.

Vài chục năm trước, công trình này là nơi tập tuyện của các đội tuyển cầu lông, bóng chuyền, võ thuật.

Trên nền Nhà tập luyện vẫn còn hằn rõ 4 mặt sân cầu lông. Vài chục năm trước, trong công trình này là nơi tập tuyện của các đội tuyển cầu lông, bóng chuyền và võ thuật. Sân quần vợt của Trung tâm cũng mọc lên nhiều bụi cỏ dại. Hệ thống đèn chiếu sáng, hàng rào lưới B40 bao quanh sân đã bị hư hỏng gần như hoàn toàn. Khu nhà ăn, nhà vệ sinh đều xuống cấp nghiêm trọng.

Trao đổi với chúng tôi về cơ sở vật chất của Trung tâm ĐT&HLTT tỉnh, ông Trần Văn Tùng- Trưởng Phòng Tài chính- kế hoạch TP. Tây Ninh cho biết, UBND tỉnh đã điều chuyển Trung tâm ĐT&HLTT cho UBND TP. Tây Ninh sử dụng. Hiện tại, UBND Thành phố và Sở VHTT&DL đã có văn bản gửi Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ra quyết định giao đất Trung tâm ĐT&HLTT tỉnh cho Thành phố quản lý. Mục đích của Thành phố sẽ lập nơi đây thành khu tái định cư với hơn 100 lô đất. Hiện tại, trên địa bàn Thành phố có một số dự án lớn, số lượng hộ dân được giải tỏa rất nhiều. Do đó, ngay sau khi UBND tỉnh có quyết định giao đất, UBND Thành phố sẽ tiến hành lập khu tái định cư trên vị trí Trung tâm ĐT&HLTT này.

Như vậy là sau 6 năm ngưng hoạt động, nhiều khả năng, sắp tới Trung tâm ĐT&HLTT tỉnh sẽ được khoác lên mình trang phục mới, trở thành nơi định cư cho những gia đình thuộc diện giải tỏa đền bù, vì những dự án dân sinh, công cộng trên địa bàn TP. Tây Ninh.

Đại Dương- Quốc Sơn

(Còn tiếp)

Tin liên quan