Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời - Tầm nhìn vượt thời gian Bài 1: “Hồng thắm, chuyên sâu” - sản phẩm của quá trình giáo dục
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời - Tầm nhìn vượt thời gian
Thứ sáu: 20:11 ngày 18/10/2024

- Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, những con người “hồng thắm, chuyên sâu” là sản phẩm của quá trình giáo dục, đào tạo từ nhà trường và sự phấn đấu, rèn luyện gian nan, học tập không ngừng, “học không bao giờ cùng” của mỗi con người.

Ngày 6.10, trong cuộc giao lưu với sinh viên của nhiều trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh, Giáo sư Klaus Schwab - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nói rằng, trong thế giới ngày nay, chìa khoá cạnh tranh chính là học tập suốt đời.

“Các bạn sắp bước chân vào một thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Một trong những phẩm chất quan trọng nhất các bạn cần phát triển chính là cam kết học tập suốt đời”- ông nói. Trước cuộc giao lưu này, ngày 30.9, Hội Khuyến học Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo “Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo và phấn đấu để trở thành người công dân tốt, cán bộ tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới”.

Nhiều chuyên gia giáo dục, thông qua tài liệu, công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng, từ khi còn rất trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tư tưởng, quan điểm “sự học không bao giờ ngừng”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời từ hơn nửa thế kỷ trước lại trùng khớp gần như hoàn toàn thông điệp của Liên Hợp Quốc về bốn trụ cột giáo dục do tổ chức này công bố năm 1996.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (thứ năm từ trái qua) chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Tây Ninh (ảnh chụp năm 2022).

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, những con người “hồng thắm, chuyên sâu” là sản phẩm của quá trình giáo dục, đào tạo từ nhà trường và sự phấn đấu, rèn luyện gian nan, học tập không ngừng, “học không bao giờ cùng” của mỗi con người.

Học không bao giờ cùng

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam phân tích, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng con người “vừa hồng, vừa chuyên”, con người có lý tưởng, có đạo đức cách mạng, có tài năng và vận dụng tài năng đó vào lao động có hiệu quả, mang lại lợi ích cho mình và cho xã hội.

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, những con người “hồng thắm, chuyên sâu” là sản phẩm của quá trình giáo dục, đào tạo từ các nhà trường và sự phấn đấu rèn luyện gian nan, học tập không ngừng, “học không bao giờ cùng” của mỗi con người.

Từ đó, Người coi giáo dục có vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách, đạo đức cách mạng của con người, phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn xây dựng và phát triển của đất nước. Nhận thức rõ vai trò của con người là sức sống của dân tộc, trí tuệ là sức mạnh nội sinh của con người, sau lễ tuyên bố độc lập một ngày, ngày 3.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nhiệm vụ giáo dục và giáo dục lại nhân dân ta là công việc cấp bách nhất: “Phải làm cho dân tộc ta trở thành một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập, phải đưa dân tộc ta trở thành dân tộc thông thái”.

Trong bức thư gửi thầy, cô giáo, học sinh ngành Giáo dục nhân ngày khai trường đầu tiên, tháng 9.1945, Người đã viết “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Muốn có con người được giáo dục để bước tới đài vinh quang như vậy, Hồ Chí Minh khẳng định nội dung mới của quá trình hình thành con người bằng con đường giáo dục là phải thực hiện nguyên lý giáo dục: Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, kết hợp gia đình, nhà trường và xã hội. Người đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa hoạt động giáo dục và thực tiễn cách mạng đối với sự phát triển trí tuệ của con người.

Người viết: “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.

Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng, vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn”.

Người yêu cầu mỗi công dân tuỳ theo hoàn cảnh phải giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục, học tập suốt đời. Người dạy “chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời, còn sống thì còn phải học”.

Người đã chỉ ra “thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”, “công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”. Về phương pháp học tập, Người đã chỉ ra “lấy tự học làm cốt”. Ngoài học ở trường, ở lớp, phải học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân.

Tức là phải học ở mọi nơi, mọi lúc, bằng mọi phương pháp. Nhờ tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hình thành con người “vừa hồng, vừa chuyên” bằng hình thức phát triển giáo dục, nâng cao dân trí mà trong suốt thời gian qua, Đảng đã vận dụng sáng tạo đường lối giáo dục của Người vào phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà trong từng giai đoạn và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Những chỉ huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về giáo dục - đào tạo luôn được Đảng không chỉ vận dụng mà còn phát huy cao độ trong đường lối của mình. Đảng coi giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, việc đầu tư cho phát triển giáo dục ở khắp mọi miền đất nước, việc thực hiện công bằng trong giáo dục để “ai cũng được học hành” được đặc biệt quan tâm.

Chuyển hướng đào tạo

Nghị quyết Trung ương 2 khoá VIII năm 1996 nêu: “Mọi người đi học, học thường xuyên, học suốt đời”. Sau 7 năm thực hiện nghị quyết này, ngành Giáo dục đã phát triển cả về quy mô và số lượng học sinh, sinh viên.

Đây là lực lượng cán bộ cốt cán trong xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới. Song, “thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”, nhận thấy những thành tựu của giáo dục - đào tạo đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước nhưng chưa đủ, chưa đáp ứng nhu cầu của công cuộc đổi mới, năm 2013, Đảng ra Nghị quyết số 29-NQ/TW đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo.

Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng con người trong mục tiêu phát triển, Nghị quyết 29-NQ/TW nêu: “Giáo dục con người Việt Nam phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả”. Thực hiện chỉ huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về yêu cầu của từng cấp học, để đáp ứng với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, hội nhập thành công, Đảng chỉ rõ mục tiêu cụ thể đối với từng cấp học.

Có thể thấy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục - đào tạo đã được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong xây dựng nền giáo dục Việt Nam chuẩn hoá, hiện đại hoá, dân chủ hoá, xã hội hoá và hội nhập quốc tế. Việc xây dựng con người “vừa hồng, vừa chuyên” đã được Đảng đặc biệt nhấn mạnh.

Trong yêu cầu giáo dục con người, Đảng ta yêu cầu phải chú trọng sự nghiệp giáo dục cả 3 cấp học là: Phải nâng cao phẩm chất, năng lực, nhân cách, đạo đức, lối sống và khả năng sáng tạo cho người học.

Như vậy, con người được đào tạo ra sẽ là người “vừa hồng, vừa chuyên” như Bác Hồ mong muốn, đây là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay. Họ chính là người công dân tốt, cán bộ tốt, người lao động tốt, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Để đào tạo con người “vừa hồng, vừa chuyên” trong bối cảnh tác động mạnh mẽ, khách quan của cuộc cách mạng công nghiệp lầ thứ 4, các nhà trường trong hệ thống giáo dục của chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện theo Nghị quyết số 29-NQ/TW.

Thay vì phương pháp đào tạo nặng về trang bị kiến thức, các trường đã chuyển sang đào tạo theo hướng phát triển năng lực, phát triển nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, tăng cường liên kết với các cơ sở thực tế, thực hiện phương châm: Học đi đôi với hành. Các trường đang tích cực thực hiện chuyển đổi số, giáo dục số, trang bị cho người học kiến thức để làm chủ được công nghệ trong bối cảnh “khoa học kỹ thuật thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”, “công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”.

Việt Đông

(còn tiếp)

Tin liên quan